Giữ đất, giữ người nơi miền đất cực Tây Tổ quốc
Giữa những bản làng lưng chừng núi đá tai mèo và sương mù bao phủ quanh năm nơi cực Tây Tổ quốc, có những lớp học đặc biệt được thắp lên bởi ánh sáng tri thức và tình yêu thương của người lính mang quân hàm xanh. Những 'thầy giáo' của Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La không chỉ kiên cường giữ gìn từng cột mốc chủ quyền, mà còn lặng thầm mang con chữ đến với đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới, góp phần thay đổi cuộc sống, hun đúc niềm tin và giữ vững an ninh trật tự nơi biên giới.

Lớp học xóa mù chữ của Đồn Biên phòng Mường Lạn. Ảnh: Phương Thùy
Lớp học nơi vùng biên heo hút
Khi làn sương đêm vừa buông xuống bên những triền núi dốc đứng nơi vùng biên Mường Lạn, tiếng đọc ê a vang lên từ căn nhà cộng đồng lợp mái tôn nằm nép mình dưới tán rừng thẳm. Trong ánh sáng chập chờn của bóng đèn năng lượng mặt trời, những người đàn ông đã qua tuổi 50, những bà mẹ địu con sau lưng và cả đám trẻ lấm lem bùn đất, ngồi ngay ngắn bên những tấm bảng nhỏ. Trước mặt họ, một người lính mang quân hàm xanh đang chậm rãi viết từng nét chữ lên bảng, giọng đọc rõ ràng, dõng dạc: “A... Ă... Â... Bờ... Cờ...”. Đó là lớp học xóa mù do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn mở tại bản Huổi Pá, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Đây là một trong những địa bàn vùng sâu, vùng xa giáp biên giới Lào, nơi trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tình trạng mù chữ trong đồng bào các dân tộc như Thái, Mông, Kháng, Khơ Mú...
Đại úy Vì Văn Liêm, Trung đội phó vũ trang Đồn Biên phòng Mường Lạn, người con của bản làng người Thái, nhìn lớp học với ánh mắt hiền hòa, kể rằng: “Bản Huổi Pá trước đây có hơn 70% người Mông lớn tuổi không biết đọc, biết viết. Có cụ già bảo chưa bao giờ cầm cây bút. Không biết chữ nên đi đâu cũng sợ, làm gì cũng lúng túng... Họ thèm được đọc tên mình, ký tên mình vào giấy khai sinh của con, vào sổ hộ khẩu, vào các thủ tục vay vốn. Mình là bộ đội của dân, không thể để bà con sống mãi trong bóng tối của chữ nghĩa được”.
Vậy là lớp học xóa mù chữ cho đồng bào được mở ra. Ban đầu, người dân còn e dè, ngại ngùng, vì nghĩ mình đã lớn tuổi, đầu óc không còn minh mẫn. Nhưng rồi từng ngày, từng đêm, các chiến sĩ mang quân hàm xanh kiên nhẫn đến từng nhà vận động, gõ cửa từng hộ để giải thích, thuyết phục. Họ hứa sẽ dạy chậm, dạy kỹ, dạy bằng tiếng dân tộc nếu cần, chỉ mong bà con đến lớp. Và rồi những bước chân đầu tiên cũng đã đến với lớp học. Lớp học đơn sơ được dựng tạm bằng tre nứa, đèn thắp bằng ắc quy, bảng viết là tấm gỗ ghép lại. Bộ đội tự tay đóng bàn ghế, in tài liệu, làm phấn. Lớp học có cả cụ già 70 tuổi, tay run nhưng vẫn kiên nhẫn nắn nót từng nét chữ. Có cô gái trẻ vừa học, vừa cho con bú. Và có những cậu bé vừa đi chăn bò, vừa tranh thủ học chữ ban đêm. Họ đến học không phải để có bằng cấp, mà để được làm chủ cuộc đời mình.
Bà Thào Thị Lâu, người dân tộc Mông, năm nay đã gần 60 tuổi, trú tại bản Huổi Pá kể rằng, trước đây, do phong tục tập quán lạc hậu nên người phụ nữ dân tộc Mông ít được quan tâm đến việc học hành, suốt ngày chỉ biết cầm dao, cầm cuốc lên nương, xe lanh, dệt vải, may vá. Bản thân bà cũng chưa một lần được cầm bút, cầm sách. Cách đây khoảng hơn 1 năm về trước, bà được cán bộ Đồn Biên phòng Mùong Lạn đến tận nhà tuyên truyền, vận động nên đã đăng ký tham gia lớp học xóa mù chữ. Sau thời gian tích cực học tập, bây giờ, bà đã biết chữ và làm được các phép tính đơn giản.
“Học trò của mình có người nói tiếng phổ thông còn khó nên phải dạy bằng cả tiếng dân tộc xen tiếng Việt. Có những buổi trời mưa rừng trắng trời, lớp học chỉ còn dăm người, vậy mà ai cũng xin ở lại học tiếp. Nhiều người tuổi đã cao, mắt đã mờ nhưng vẫn bảo: Còn sống là còn phải học chữ để biết cách sống cho đúng. Nghe vậy, mình thấy bao mệt mỏi đều tan biến” - Đại úy Vì Văn Liêm bộc bạch.

“Thầy giáo quân hàm xanh” Vì Văn Liêm trực tiếp đứng lớp. Ảnh: Phương Thùy
Con chữ thắp sáng đời người
Trung tá Bàn Văn Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết, Đồn Biên phòng Mường Lạn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới dài trên 54km, với 21 cột mốc thuộc xã Mường Lạn, tiếp giáp với huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào; toàn xã có 16 bản và 2 điểm dân cư, với 2.143 hộ, trên 10.000 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc chính sinh sống, bao gồm: Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú và Lào. Ngoài ra, còn có các dân tộc khác như Mường, Tày, Dao, Ba Na và Kháng, nhưng số lượng ít hơn. Với địa hình phức tạp, đời sống nhân dân còn khó khăn, một bộ phận trình độ dân trí chưa cao... Đây là đặc điểm để tội phạm lợi dụng hoạt động, lôi kéo người dân tham gia mua bán, vận chuyển ma túy hoặc các hoạt động phạm pháp khác, cũng là thách thức, khó khăn lớn cho lực lượng chức năng trong triển khai phòng ngừa, kiểm soát, phát hiện và bắt giữ tội phạm.
Để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực địa bàn đơn vị quản lý, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Lạn xác định công tác nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân các dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị. Từ năm 2019 đến nay, Đồn Biên phòng Mường Lạn đã phối hợp tổ chức xóa mù chữ cho 220 học viên.
“Khi người dân biết chữ, họ sẽ biết phân biệt đúng sai, biết tránh xa những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu, không bị lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Trên hết, họ sẽ trở thành lực lượng trực tiếp cùng chúng tôi bảo vệ biên cương” - Đồn trưởng Thắng tâm sự.
Không chỉ dạy chữ, các “thầy giáo quân hàm xanh” của Đồn Biên phòng Mường Lạn còn lồng ghép vào bài học những kiến thức pháp luật cơ bản, như: Luật Biên giới quốc gia, phòng chống buôn lậu, phòng chống ma túy, quy định về xuất nhập cảnh... Ngoài ra, các “thầy giáo quân hàm xanh” còn tận tình hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, nhiều người đã biết tính toán làm kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống. Mỗi buổi học là một lần tuyên truyền sâu sắc. Khi đã biết đọc, biết viết, bà con tự tin hơn, mạnh dạn hơn trong tiếp cận thông tin. Chính họ giờ đây lại trở thành “tai, mắt” của lực lượng Biên phòng, sẵn sàng báo tin khi thấy người lạ mặt qua lại, hay có biểu hiện nghi vấn ở khu vực biên giới. Nhờ biết đọc, biết viết, có người đã tích cực tham gia vào các hoạt động của bản, biết làm kinh tế nâng cao đời sống. Điển hình, trường hợp anh Hạng Ca Dinh, bản Huổi Pá, từ mù chữ, ít tiếp xúc với người ngoài, sau khi học xong lớp xóa mù chữ đã biết tính toán, phát triển chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh hàng tạp hóa, giờ đây, trở thành nông dân làm kinh tế giỏi tiêu biểu của xã.
Đêm vùng biên thật yên bình, bên bếp lửa cháy bập bùng, người lính trẻ ngồi chép giáo án cho buổi học hôm sau, cạnh đó là cây súng trường đặt ngay ngắn. Giữ đất và giữ người là hai nhiệm vụ tưởng chừng khác nhau, nhưng kỳ thực lại hòa quyện trong từng bước chân người lính Biên phòng. Họ không chỉ đi tuần tra đường biên, giữ từng tấc đất thiêng liêng, mà còn bền bỉ gieo hạt giống tri thức, đánh thức khát vọng đổi thay trong lòng người dân. Để rồi một ngày không xa, nơi biên cương ấy không chỉ là vùng đất vững chãi về quốc phòng, mà còn là phên dậu của tri thức, của ánh sáng được viết nên từ chính bàn tay, khối óc, trái tim những người lính mang quân hàm xanh.