Giữ chân tài năng thể thao - đơn giản và không đơn giản

Câu chuyện VĐV đua thuyền canoeing số 1 Việt Nam hiện nay là Nguyễn Thị Hương xin nghỉ thi tập luyện ở đơn vị chủ quản cho thấy bài toán giữ chân tài năng vẫn chưa hết thời sự với thể thao Việt Nam.

Chỉ xin nghỉ tập ở đơn vị chủ quản

Những ngày vừa qua, chuyện VĐV đua thuyền canoeing số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Hương gửi đơn tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Vĩnh Phúc về việc xin nghỉ tập tại bộ môn đua thuyền của trung tâm đã gây chú ý trong làng thể thao Việt Nam. Trong đơn này, VĐV Nguyễn Thị Hương cho biết từ năm 2022 đến 2024 chưa được nhận bất kỳ khoản tiền thưởng huy chương các giải đấu trong nước cũng như khoản hỗ trợ dinh dưỡng của năm 2024 từ phía ngành Thể thao tỉnh. Cô xin nghỉ tập môn đua thuyền tại trung tâm từ ngày 1-1-2025 do tuổi tác và hoàn cảnh gia đình.

VĐV Nguyễn Thị Hương có nhiều đóng góp cho thể thao Việt Nam và Vĩnh Phúc.

VĐV Nguyễn Thị Hương có nhiều đóng góp cho thể thao Việt Nam và Vĩnh Phúc.

Nguyễn Thị Hương sinh năm 2001 tại Vĩnh Phúc, là VĐV trọng điểm của địa phương này và đội tuyển canoeing Việt Nam. Chỉ riêng trong năm 2024, Nguyễn Thị Hương gây ấn tượng mạnh với các thành tích: 2 HCB Giải vô địch châu Á, 3 HCV Giải U23 châu Á, 6 HCV Giải vô địch Đông Nam Á và đặc biệt là đoạt suất trực tiếp dự Olympic Paris 2024. Trong danh sách VĐV tiêu biểu năm 2024, Nguyễn Thị Hương xếp thứ Tư. Hiện tại, Nguyễn Thị Hương vẫn là VĐV trọng điểm số 1 của đội tuyển canoeing Việt Nam để chuẩn bị cho các giải đấu sắp tới.

Cũng vì vậy, tất cả đều hiểu rằng lý do xin nghỉ tập ở Vĩnh Phúc vì tuổi tác và gia đình chỉ là phần nhỏ. Phần chính nằm ở việc đãi ngộ từ đơn vị chủ quản với cô trong suốt thời gian dài, đặc biệt trong năm 2024.

Theo quy định, thể thao Vĩnh Phúc đang thực hiện chi trả chế độ dinh dưỡng theo Nghị quyết quy định mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2021. Quy định cụ thể: “Đối với HLV, VĐV thuộc đội tuyển cấp huyện có mặt thực tế trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu ở trong nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức chi cụ thể trong thời gian tập huấn là 200.000 đồng/người/ngày; trong thời gian thi đấu là 240.000 đồng/người/ngày”.

Không kể, hiện tại Nguyễn Thị Hương đang được xem là gương mặt biểu tượng của thể thao Vĩnh Phúc. Phải rất lâu nữa, thể thao Việt Nam, môn canoeing nói chung và thể thao Vĩnh Phúc nói riêng mới có cơ hội sở hữu một VĐV như Nguyễn Thị Hương

Thực tế, nếu không còn thuộc về thể thao Vĩnh Phúc, chắc chắn Nguyễn Thị Hương sẽ không thiếu điểm đến, đặc biệt khi Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 đang đến gần. Nhiều địa phương sẵn sàng chi trả chế độ cao hơn và đều đặn hơn so với khi cô còn thuộc quân số thể thao Vĩnh Phúc để nhận được sự đồng ý của Nguyễn Thị Hương. Và với phong độ hiện tại, Nguyễn Thị Hương hoàn toàn có thể bảo đảm mục tiêu giành ít nhất 2-3 HCV cho đơn vị mới tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026. Còn trước mắt, chế độ, điều kiện luyện tập của cô vẫn được bảo đảm khi đang tập trung tại đội tuyển quốc gia với nguồn kinh phí do Cục TDTT và Liên đoàn đua thuyền Việt Nam chi trả.

Cũng phải kể thêm, năm 2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định 1496/QĐ-UBND Về việc thông qua chính sách đặc thù phát triển thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó đề cập cụ thể chế độ dành cho thể thao thành tích cao. The đó, chế độ HLV ngoài tiền lương, chế độ dinh dưỡng, tiền thưởng và các phụ cấp khác theo quy định được hỗ trợ một lần với mức là HLV trưởng nhận 60 triệu/người/năm; HLV phó nhận 48 triệu/người/năm; HLV đội trẻ và các trợ lý HLV nhận 36 triệu/người/năm.

Về chế độ VĐV, ngoài chế độ dinh dưỡng, nước uống, tiền thưởng được hỗ trợ một lần gồm VĐV đội tuyển được hỗ trợ 36 triệu/người/năm; VĐV đội trẻ được hỗ trợ 24 triệu/người/năm. Riêng VĐV môn bóng chuyền Vĩnh Phúc, khi dự giải vô địch quốc gia thì cầu thủ được hỗ trợ 1 lần theo quy định VĐV thi đấu chính (không quá 8 người) được hỗ trợ 180 triệu/người/năm; VĐV dự bị (không quá 6 người) được hỗ trợ 120 triệu/người/năm; VĐV trẻ được hỗ trợ 72 triệu/người/năm.

Rõ ràng, với cơ chế này, HLV, VĐV hoàn toàn có thể yên tâm tập luyện, thi đấu. Câu chuyện chỉ nằm ở cách thực hiện cơ chế này.

Đưa cơ chế vào thực tế

Trong nhiều năm qua, nhiều địa phương, đơn vị trong ngành Thể thao cũng nỗ lực tìm đường đi, tham mưu nhiều kế hoạch để giữ chân tài năng. Tất cả đều hiểu rằng để đào tạo nên một VĐV tài năng cần rất nhiều công sức, kinh phí và sự hi sinh từ chính VĐV, HLV. Thế nên với những VĐV trọng điểm, có tài cần có chế độ đãi ngộ ít nhất bảo đảm để họ yên tâm cống hiến. Nếu không giữ chân được, VĐV có thể đầu quân cho đơn vị khác khi hết hạn hợp đồng. Khi ấy, công của để đào tạo nên họ lại không phát huy hết tác dụng.

Câu chuyện VĐV canoeing Nguyễn Thị Hương chỉ một lần nữa cho thấy sự bất cập trong cách thực hiện các chủ trương thu hút, giữ chân nhân người tài. Bởi nếu việc thực hiện các chế độ đãi ngộ được thực hiện đều đặn thì đã không có lớn đơn xin nghỉ gây chú ý trong làng thể thao Việt Nam trên.

Ở góc độ khác, dù chủ trương, cơ chế thu hút, giữ chân người tài có cao đến mấy mà cách thực hiện để đạt được các chế độ. Như Báo Công an nhân dân đã nhiều lần đề cập, tại nhiều địa phương, kể cả những đầu tàu về thể thao cả nước như Hà Nội cũng đang thiếu rất nhiều điều kiện về tập luyện để hỗ trợ VĐV giành thành tích tốt nhất, qua đó có thể được hưởng những chế độ đãi ngộ về giữ chân tài năng ở mức cao nhất. Câu chuyện VĐV không có sự hỗ trợ tốt nhất về dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe sau tập luyện khi các trung tâm thể thao địa phương thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ nhân viên y tế, dinh dưỡng rồi trang thiết bị phục vụ tập thể lực, hồi phục sau tập... thực sự là vấn đề đáng lo ngại.

Bởi nếu không làm tốt mảng này thì các cơ chế hỗ trợ, giữ chân tài năng VĐV cũng chỉ ở mức vừa phải. Và điều ấy cũng có thể khiến VĐV “đổi ý”, dứt áo ra đi để cống hiến cho đơn vị khác... Việc tưởng đơn giản nhưng rõ ràng cũng không đơn giản.

Có cơ chế thu hút, giữ chân tài năng đã là tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu việc thực hiện theo hướng trực tiếp hay gián tiếp như đã kể trên diễn ra suôn sẻ, để không phải xảy ra những câu chuyện đáng tiếc như lá đơn xin nghỉ vừa rồi của VĐV canoeing số 1 Việt Nam. Đấy cũng là mong muốn mới cho thể thao Việt Nam từ sau Tết Ất Tỵ 2025.

24 VĐV Vĩnh Phúc thôi tập luyện từ 16-1-2025

Không tính trường hợp Nguyễn Thị Hương, mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã thông báo thôi tập trung tập luyện đối với các 24 VĐV (karate, đua thuyền, vật, wushu, bóng chuyền, xe đạp, bắn súng, bắn cung) thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 16-1-2025. Lý do vì không đáp ứng yêu cầu chuyên môn hoặc có đơn xin nghỉ theo nguyện vọng cá nhân. Ghi nhận thực tế, một số trường hợp VĐV trong số này đã nộp đơn xin nghỉ vì bị chậm chế độ từ năm 2022 tới năm 2024 và được thể thao Vĩnh Phúc đồng ý thanh lý hợp đồng. (Minh Khuê)

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/giu-chan-tai-nang-the-thao-don-gian-va-khong-don-gian-i757412/
Zalo