'Giữ chân' đảng viên xuất ngũ

Bài 2:
LÀM GÌ ĐỂ GIỮ CHÂN “HẠT GIỐNG ĐỎ”?

BPO - Sau khi đảng viên xuất ngũ, các địa phương đã đề ra một số chủ trương, giải pháp để lực lượng này có “đất dụng võ”. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là gánh nặng cơm áo khiến đảng viên phải đi làm kinh tế xa. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng đảng viên xuất ngũ trở về địa phương xin ra khỏi Đảng, bị xóa tên, khai trừ khỏi Đảng.

Số liệu thống kê cho thấy, nhiệm kỳ 2015-2020, Bình Phước có 64 đảng viên xuất ngũ trở về địa phương bị xóa tên, khai trừ, xin ra khỏi Đảng. Nhiệm kỳ 2020-2025 dù chưa kết thúc nhưng đã có 93 đảng viên xuất ngũ trở về địa phương bị xóa tên, khai trừ, xin ra khỏi Đảng.

Báo động đỏ

Tại Bù Đăng, từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có 149 đảng viên là bộ đội, công an xuất ngũ trở về địa phương. Nhiệm kỳ 2015-2020, toàn huyện có 4 đảng viên là quân nhân xuất ngũ bị xóa tên, khai trừ, xin ra khỏi Đảng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn huyện có 17 quân nhân xuất ngũ trở về địa phương bị xóa tên, khai trừ, xin ra khỏi Đảng, tăng hơn 4 lần so với nhiệm kỳ trước đó.

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương tặng quà, động viên tân binh lên đường nhập ngũ

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương tặng quà, động viên tân binh lên đường nhập ngũ

Trước thực trạng nêu trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Bù Đăng đã ban hành Đề án số 01 ngày 8-8-2022 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý đảng viên, hạn chế tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt và xin ra khỏi Đảng, giai đoạn 2022-2025. Ông Phan Văn Viễn, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bù Đăng cho biết, Đề án 01 đã chỉ ra 7 nhóm nguyên nhân, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh để thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên xuất ngũ, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm cao, gắn trách nhiệm của tập thể với vai trò của người đứng đầu để thực hiện các giải pháp trong công tác quản lý đảng viên xuất ngũ. Song song đó phải phân công cấp ủy, đảng viên phụ trách địa bàn, khu dân cư, hộ gia đình một cách hợp lý để nắm bắt kịp thời, định hướng, trao đổi thông tin với đảng viên và gia đình, từ đó có những giải pháp phù hợp trong công tác quản lý. Từ khi triển khai thực hiện đề án, tình trạng đảng viên bị xóa tên, khai trừ, xin ra khỏi Đảng đã được cải thiện đáng kể.

Sự quan tâm, chăm lo kịp thời của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương góp phần động viên tân binh nỗ lực rèn luyện, phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong ảnh: Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười tặng quà động viên công dân lên đường nhập ngũ năm 2024

Sự quan tâm, chăm lo kịp thời của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương góp phần động viên tân binh nỗ lực rèn luyện, phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong ảnh: Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười tặng quà động viên công dân lên đường nhập ngũ năm 2024

Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay, số đảng viên là bộ đội xuất ngũ trở về địa phương là 724 đồng chí; số đảng viên là công an xuất ngũ trở về địa phương 260 đồng chí. Xác định đảng viên xuất ngũ là những “hạt giống đỏ” của các tổ chức Đảng ở cơ sở, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã chú trọng công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, sử dụng đảng viên xuất ngũ. Nhiều đảng viên xuất ngũ trở về địa phương được phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với khả năng, điều kiện, vị trí công tác.

Kết nạp Đảng cho các chiến sĩ trẻ tại Tiểu đoàn 208, Trung đoàn 736, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước

Kết nạp Đảng cho các chiến sĩ trẻ tại Tiểu đoàn 208, Trung đoàn 736, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước

Tuy nhiên thực tế cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 80 đảng viên là bộ đội xuất ngũ và 13 đảng viên là công an xuất ngũ trở về địa phương bị xóa tên, khai trừ, xin ra khỏi Đảng. Một số địa phương có tỷ lệ đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương bị xóa tên, khai trừ, xin ra khỏi Đảng cao như: Thành phố Đồng Xoài 20 trường hợp, thị xã Bình Long 15 trường hợp, huyện Đồng Phú 12 trường hợp…

Vì cuộc mưu sinh

Qua tìm hiểu của phóng viên tại một số địa phương trong tỉnh cho thấy, đảng viên là quân nhân trước khi xuất ngũ đều được đơn vị chuyển hồ sơ Đảng và giới thiệu tham gia sinh hoạt tại các chi, đảng bộ ở địa phương. Khi tiếp nhận quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ban CHQS xã sẽ sàng lọc, giới thiệu đảng viên trẻ về sinh hoạt tại chi bộ thôn, ấp, khu phố. Thời gian đầu, các đảng viên là quân nhân xuất ngũ tham gia sinh hoạt tại các chi bộ nơi cư trú đầy đủ, nhiệt tình. Tuy nhiên, một thời gian sau vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người làm đơn xin miễn sinh hoạt để “ly hương” làm công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp tư nhân. Nhiều đảng viên do không tham gia sinh hoạt định kỳ, không đóng đảng phí theo quy định nên bị xóa tên khỏi tổ chức Đảng. Bên cạnh đó, động cơ vào Đảng của số ít đảng viên xuất ngũ chưa đúng đắn, chưa rõ ràng nên dễ giảm sút ý chí khi gặp khó khăn… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thời gian qua có không ít đảng viên xuất ngũ bị xóa tên, khai trừ và xin ra khỏi Đảng.

Có ý thức rèn luyện, phấn đấu trong quá trình tham gia nghĩa vụ quân sự, chiến sĩ H được kết nạp Đảng trong thời gian quân ngũ. Ra quân, trở về địa phương, anh H tham gia sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư, thuộc thành phố Đồng Xoài. Trong thời gian chi bộ đang xem xét sắp xếp công việc tại khu phố, thì anh H quyết định đi làm ở TP. Hồ Chí Minh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mặc dù được chi bộ khu phố, đảng ủy phường tận tình hướng dẫn thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng, nhưng do công ty không có chi bộ nên anh H bỏ sinh hoạt 3 tháng trong năm. Do đó, theo quy định tại Điều lệ Đảng, anh H đã bị xóa tên khỏi tổ chức Đảng. Anh H chỉ là một trong 9 trường hợp đảng viên là bộ đội xuất ngũ ở thành phố Đồng Xoài bị xóa tên, kể từ năm 2020 đến nay. Nguyên nhân là do đi làm xa, bỏ sinh hoạt Đảng 3 tháng trở lên trong năm không có lý do chính đáng.

Thời gian qua, cấp ủy các cấp từ huyện đến cơ sở luôn đặc biệt quan tâm quản lý đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an trở về địa phương. Lực lượng này luôn được các chi bộ quan tâm phân công nhiệm vụ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đảng viên tham gia sinh hoạt Đảng. Nhiều đảng viên đi làm xa còn được tạo điều kiện miễn sinh hoạt tạm thời theo quy định nhằm “giữ chân” đảng viên xuất ngũ. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Bù Đốp đã phải ra quyết định xóa tên khỏi danh sách đảng viên đối với 7 trường hợp.

Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bù Đốp
NGUYỄN THỊ TRUNG HIẾU

“Những đảng viên xuất ngũ phát huy tính tiền phong gương mẫu, trách nhiệm, góp phần tăng sức chiến đấu của tổ chức Đảng tại địa phương. Tuy nhiên, do huyện Bù Đốp là địa bàn biên giới, ít doanh nghiệp, trong khi đảng viên xuất ngũ có tuổi đời còn trẻ, nhiều người là trụ cột kinh tế gia đình nên đành phải “ly hương” để tìm việc làm tại các khu, cụm công nghiệp. Lâu dần, các đảng viên này không sắp xếp được thời gian tham gia sinh hoạt Đảng hoặc sinh hoạt rất chiếu lệ, nhiều trường hợp do nghỉ sinh hoạt quá số lần quy định và không đóng đảng phí, buộc tổ chức cơ sở đảng phải xóa tên khỏi danh sách đảng viên” - bà Nguyễn Thị Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bù Đốp cho biết.

Làm gì để “giữ chân” đảng viên xuất ngũ là trăn trở của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh những năm qua. Làm tốt công tác này sẽ góp phần xây dựng tổ chức Đảng ngày càng vững mạnh, nền tảng cho sự phát triển bền vững ở địa phương.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/164073/giu-chan-dang-vien-xuat-ngu
Zalo