'Giữ chân' đảng viên xuất ngũ
BPO - Nâng cao chất lượng tuyển quân, nhất là chất lượng chính trị là một trong những chủ trương lớn, được tỉnh Bình Phước chú trọng thực hiện. Trung bình hằng năm, tỉnh có khoảng 1.500 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong số này có ít nhất 2% là đảng viên. Khi trở về địa phương, đội ngũ đảng viên này là những nhân tố tích cực, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang địa phương và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Tuy nhiên, những “hạt giống đỏ” này đang ở đâu, làm gì, đã phát huy hết vai trò đảng viên trẻ chưa? Cần có những giải pháp căn cơ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bài 1:
“HẠT GIỐNG ĐỎ” BÁM RỄ Ở CƠ SỞ
Trở thành đảng viên trước khi nhập ngũ hoặc được kết nạp Đảng trong quân ngũ đó là vinh dự, tự hào của mỗi người chiến sĩ trẻ. Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, những đảng viên trẻ được rèn luyện trong quân ngũ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tiên phong trong các phong trào, hoạt động ở địa phương. Qua đó góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Đại diện Đoàn thanh niên thị xã Phước Long tặng hoa, quà, động viên đảng viên Huỳnh Văn Khánh, thôn Nhơn Hòa 1, xã Long Giang, thị xã Phước Long tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 2024 - Ảnh: Trương Hiện
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng khẳng định: Đội ngũ đảng viên xuất ngũ về các địa phương đều giữ vững bản lĩnh chính trị, nhiều đồng chí còn phát huy kiến thức tích lũy được để xây dựng lực lượng vũ trang địa phương ngày càng vững mạnh. Trong đó, nhiều người đã được bố trí việc làm trong hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần tăng nguồn cán bộ trẻ, tăng sức chiến đấu cho Đảng.
Vững vàng cùng hậu phương
Thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng có 8 dân tộc anh em, với 1.100 người sinh sống. Hiện nay, Chi bộ thôn 1 có 13 đảng viên, trong đó có 10 đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, công tác tạo nguồn phát triển Đảng của chi bộ gặp nhiều khó khăn do đa số đoàn viên thanh niên trưởng thành đi làm kinh tế xa nhà.
Bà Ngô Thị Kim Chi, Bí thư Chi bộ thôn 1 chia sẻ: Trong lúc đang khó khăn về công tác tạo nguồn đảng viên trẻ thì năm 2020, chúng tôi tiếp nhận đảng viên Phan Văn Nghĩa là công an nghĩa vụ xuất ngũ trở về địa phương. Xác định đây là “hạt giống đỏ”, cần ươm mầm để cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho địa phương, cấp ủy chi bộ đã bàn bạc và thống nhất phân công đồng chí Nghĩa đảm nhiệm Thôn đội trưởng.
“Từ khi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Nghĩa luôn phát huy tốt phẩm chất người chiến sĩ Công an nhân dân, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương; đóng góp nhiều ý kiến hay để xây dựng chi bộ vững mạnh, được nhiều đảng viên và đảng bộ cấp trên đánh giá cao” - bà Chi khẳng định.
“Đảng bộ huyện biên giới Bù Đốp hiện có 50 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 12 đảng bộ cơ sở, 38 chi bộ cơ sở, với 2.055 đảng viên. Từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ huyện tiếp nhận 53 đảng viên xuất ngũ trở về địa phương. Xác định, việc “giữ chân” đảng viên xuất ngũ cống hiến cho địa phương sẽ góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở thêm vững mạnh, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm việc sắp xếp, bố trí công việc cho lực lượng này và bước đầu đạt hiệu quả rõ rệt” - bà Nguyễn Thị Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bù Đốp cho biết.
Đến nay, huyện Bù Đốp đã bố trí 20 đảng viên xuất ngũ vào các vị trí trong hệ thống chính trị của huyện. Trong đó có 1 đồng chí là phó chủ tịch hội chữ thập đỏ xã; 2 đồng chí là chỉ huy phó ban CHQS xã, thị trấn; 5 đồng chí là trưởng thôn; 5 đồng chí là công an viên, dân quân thường trực xã, thị trấn; 4 đồng chí làm thôn đội trưởng và 3 đồng chí công tác tại Trung tâm Y tế huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp.
Phát huy phẩm chất đảng viên - chiến sĩ
Phong thái đĩnh đạc, chín chắn; giọng điệu tự tin, trôi chảy và toát lên vẻ trưởng thành là bề nổi thể hiện rõ ở đảng viên xuất ngũ Phạm Ngọc Đức (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú) khi đứng trên bục phát biểu chia sẻ về quá trình nỗ lực, phấn đấu vào Đảng; việc tu dưỡng, rèn luyện đối với người đảng viên - chiến sĩ tại hội nghị chuyên đề về công tác quản lý đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an trở về địa phương do Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tổ chức tháng 8-2024.
Đảng viên Phạm Ngọc Đức cho biết, thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau 1 năm phấn đấu học tập chính trị, huấn luyện đạt kết quả tốt, anh được xét đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, đến cuối năm 2011 được kết nạp vào Đảng.
Sau gần 2 năm rèn luyện và trưởng thành trong quân ngũ, đầu năm 2012, anh Đức xuất ngũ trở về địa phương. Ngay buổi đầu tham gia sinh hoạt tại Chi bộ ấp 1, xã Tân Lập, anh Đức đã được tin tưởng giao phụ trách công tác khuyến học, sau đó là đoàn thanh niên, ban công tác mặt trận, rồi Phó Bí thư Chi bộ ấp 1. Trong quá trình công tác, anh Đức không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu và hoàn thiện bản thân. Đến năm 2020, anh được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tân Lập, công tác tại Văn phòng Đảng ủy xã.
“Dù chức danh nhỏ, cấp nhỏ nhưng bản thân luôn tự hào mình là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được cống hiến, đóng góp một phần công sức cho Đảng và cho nhân dân, địa phương mình sinh sống” - anh Đức chia sẻ.
Đối với đảng viên trẻ Vũ Thanh Thanh, sinh hoạt tại Chi bộ khu phố Phú Thanh, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, sau khi xuất ngũ anh là lao động chính, trụ cột kinh tế của gia đình. Trước những khó khăn của cuộc sống, anh vẫn tự khuyên mình phải luôn giữ vững lập trường chính trị, nêu cao truyền thống gia đình, quê hương để thực hiện tốt nghĩa vụ của người đảng viên.
Anh Thanh cho biết, năm 2014 anh lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân, thuộc lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh. Nhờ nỗ lực phấn đấu, rèn luyện tốt nên 2 năm sau anh được kết nạp vào Đảng. Từ năm 2017 đến nay, dù đã xuất ngũ và trải qua nhiều công việc khác nhau để mưu sinh nhưng anh vẫn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
“Cuối năm 2023, tôi tình nguyện tham gia Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy của khu phố. Bản thân mong muốn được cống hiến kinh nghiệm, kỹ năng có được trong thời gian tham gia quân ngũ nhằm góp chút công sức vào công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa phương nơi mình sinh sống” - anh Thanh chia sẻ.
Xác định đảng viên xuất ngũ trở về địa phương là những nhân tố tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng yêu cầu: Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần quan tâm, gặp gỡ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo điều kiện sắp xếp, sử dụng đội ngũ đảng viên xuất ngũ sao cho hiệu quả. Cùng với đó, phải tăng cường kết nối với doanh nghiệp, các trường để đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Quá trình đào tạo nghề cần đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đảng viên xuất ngũ.