Giữ bình yên những cánh rừng biên giới
Đến thăm cán bộ, chiến sĩ tại các chốt giữ rừng thuộc Trung đoàn 30, Sư đoàn 4 (Quân khu 9), chúng tôi thấy rõ đặc thù nhiệm vụ của những người lính luôn phải căng mình để bảo đảm an toàn cho 'lá phổi xanh' ở vùng biên giới Tây Nam.
Gác lại niềm riêng
Trung đoàn 30 quản lý hơn 730ha rừng tràm dọc biên giới Tây Nam thuộc địa phận huyện Giang Thành và Hòn Đất (Kiên Giang).
Đã 12 năm, Trung tá Đào Văn Hồng, Chính trị viên Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 30 quen với cảnh đón Giao thừa tại chốt trực. “Tôi tình nguyện trực ca đầu để anh em luân phiên về quê. Gia đình tôi cũng đã quen với cảnh ăn Tết muộn. Chốt giữ rừng ngày Tết cũng không thiếu niềm vui. Chúng tôi có đầy đủ bánh, mứt, hoa quả, mâm cỗ... Bà con sống ở bìa rừng cũng sang vui vầy, không khí ấm áp, nghĩa tình”, Trung tá Đào Văn Hồng chia sẻ.
Vừa chạy một vòng xe máy quanh khu rừng hơn 155ha do Tiểu đoàn 7 quản lý, Thiếu tá Lữ Văn Tùng, Đại đội trưởng Đại đội 12,7mm bộc bạch: “Mấy năm nay, cùng với xây dựng nông thôn mới ở địa phương, hạ tầng khu vực rừng cũng phát triển. Giờ đi tuần tra rừng, chúng tôi có thể di chuyển bằng xe máy, vừa nhanh, vừa thuận lợi hơn so với trước đây phải đi vỏ lãi. Chuyện ăn uống ở các chốt trực không còn thiếu thốn nữa bởi đi xe máy về chợ cũng thuận tiện".
Đến các chốt giữ rừng vào mùa “canh lửa”, chúng tôi được nghe bộ đội kể về những ngày đón Tết ở rừng, giản dị nhưng đậm nghĩa tình. Cán bộ, chiến sĩ quây quần kể chuyện ở quê nhà, chia sẻ về những mùa xuân đã qua. “Ở đây không có pháo hoa, không có đoàn viên gia đình, nhưng tình đồng đội và quyết tâm bảo vệ an toàn cho những cánh rừng là món quà Tết quý giá nhất”, Thiếu tá Lữ Văn Tùng chia sẻ thêm.
![Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 30 (Sư đoàn 4, Quân khu 9) tuần tra bảo vệ rừng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_16_51423682/1caa419b78d5918bc8c4.jpg)
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 30 (Sư đoàn 4, Quân khu 9) tuần tra bảo vệ rừng.
Trên chòi canh, bốn bề gió lộng, phóng tầm mắt về phía bìa rừng xa tít tận dãy núi cao sát đường biên giới, Binh nhất Hà Nhựt Huy (chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 30) tâm sự: “Năm nay là mùa trực lửa thứ hai trong đời quân ngũ của tôi. Tết năm trước, lần đầu xa nhà tôi còn bỡ ngỡ, nay thì quen rồi. Đây sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ của tôi”. Còn Thiếu tá Nguyễn Thành Thép, Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, luôn xem mỗi dịp Tết xa nhà là cơ hội để gắn kết tình đồng chí, đồng đội.
Nhớ về kỷ niệm với chiến sĩ Kim Văn Bảnh (quê ở Sóc Trăng), Thiếu tá Nguyễn Thành Thép kể: “Đêm trên chòi canh, chiến sĩ Bảnh hay khóc vì nhớ nhà. Nhưng khi hiểu rõ nhiệm vụ và được động viên, chiến sĩ Bảnh đã yên tâm, phấn đấu trở thành quân nhân tiêu biểu của đơn vị. Cuối năm vừa rồi xuất ngũ, Bảnh rất phấn khởi, tự hào vì sự trưởng thành của mình”.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, những người lính giữ rừng Trung đoàn 30 luôn ý thức việc giữ rừng không chỉ là nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái mà còn mang ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, an ninh, đặc biệt ở khu vực biên giới. “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” không chỉ đúng trong thời chiến mà còn cả ở thời bình.
Lá chắn vùng biên
Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 30 càng thêm bận rộn.
Lớp thực bì dưới chân rừng khô nứt nẻ, các dây leo quấn thân tràm cao vút, xanh tốt suốt mùa mưa, giờ khô giòn, trở thành những “bó đuốc” bén lửa. Phương án “4 tại chỗ” cùng lịch trực 24/24 giờ được bộ đội nơi đây triển khai nghiêm ngặt.
“Việc canh giữ không chỉ nhằm ngăn chặn cháy rừng hay các hoạt động khai thác trái phép mà còn bảo đảm vùng biên giới luôn ổn định, tránh bị kẻ xấu lợi dụng kích động, lôi kéo, chống phá. Giữ vững màu xanh của rừng, để rừng giúp bảo vệ hệ sinh thái, tạo nguồn tài nguyên bền vững phục vụ đời sống dân sinh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội... Và chúng tôi đang thực hiện sứ mệnh kép ấy”, Trung tá Đào Văn Hồng thông tin.
Theo Thượng tá Nguyễn Huy Sự, Chính ủy Trung đoàn 30, để chăm sóc, quản lý hơn 730ha rừng, chủ yếu là rừng tràm trồng theo Dự án 661 và rừng tái sinh, năm 2024, đơn vị đã đầu tư nhiều hạng mục, như: Xây dựng các tuyến đường bộ liên kết chốt trực, nạo vét hàng chục ki-lô-mét kênh xuyên rừng để vừa làm đường băng cản lửa, vừa dẫn nước phòng, chống cháy rừng.
Đơn vị cũng đề xuất trang bị thêm thiết bị bay hỗ trợ tuần tra nhằm giảm bớt khó khăn khi quan sát từ trên cao. “Công việc "canh lửa" giữa mùa khô khắc nghiệt không chỉ đòi hỏi sức khỏe, sự kiên nhẫn mà còn cả tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Mỗi đêm trên chòi canh, bộ đội phải căng mắt cảnh giác từng đốm lửa, làn khói mỏng, sẵn sàng báo động, vận hành phương án dập lửa khi có sự cố. Nhờ sự chủ động đó, nhiều năm qua, địa bàn đơn vị quản lý không để xảy ra vụ cháy rừng nào”, Thượng tá Nguyễn Huy Sự bật mí.
Tiết trời miền Tây, mùa khô nắng nóng bắt đầu từ tháng Giêng và kéo dài đến đầu tháng Bảy, mực nước trên các kênh, rạch xuống thấp, nhất là tại các khu rừng phòng hộ, nguy cơ xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào. Những năm trước, cứ vào dịp cuối năm hanh khô, những người lính giữ rừng rất lo, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên ý thức của người dân đã tốt hơn, cùng tham gia bảo vệ rừng với bộ đội.
“Cứ gần đến Tết Nguyên đán, các đoàn thể, tổ chức và nhân dân cùng vào các chốt thăm hỏi, tặng quà. Người dân vùng đệm chính là hậu phương vững chắc, là “tai mắt” cảnh báo kịp thời các nguy cơ cháy rừng, khai thác trái phép hay hoạt động bất thường xâm hại đến rừng nơi biên giới”, Trung tá Đào Văn Hồng chia sẻ.
Đến với những người lính giữ rừng, chúng tôi cảm nhận được vị ngọt hoa tràm vùng biên giới không chỉ có trong giọt mật tinh túy mà còn lẫn trong hương thơm thoảng nhẹ mỗi khi gió lùa qua vạt rừng xanh mướt. Những người lính canh giữ rừng tràm miền biên giới Tây Nam chúng tôi gặp chắc hẳn cũng thấm thía vị ngọt lịm, tinh khiết ấy.
Dù ngày đêm túc trực, đối mặt với những hiểm nguy nhưng chỉ cần ngửi thoáng hương tràm, lòng họ nhẹ bẫng, thêm yêu công việc mình đang gắn bó.