Giữ an toàn đê điều: cần tính toán lại mực nước báo động trên các sông
Thiên tai trong năm 2024, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã bộc lộ và đặt ra nhiều vấn đề, trong đó cần thiết phải tính toán lại mực nước báo động của các tuyến sông có đê; tính toán việc xử lý sự cố đê điều mang tính hệ thống.
Ngày 22/11, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện các tỉnh, TP có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Tham dự hội nghị có hơn 460 đại biểu đến từ 21 tác tỉnh, TP, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức...
Thiệt hại gấp nhiều lần năm 2023
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, năm 2024, thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình thiên tai tại khắp các vùng miền trên cả nước. Đến nay, đã xảy ra 9 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, 232 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất; nhiều trận dông lốc, động đất và gió mạnh, sóng lớn trên biển.
Thống kê đến nay, các loại hình thiên tai đã làm 513 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 84.900 tỷ đồng; vượt xa so với những thiệt hại do thiên tai của năm 2023 (năm thiên tai làm 169 chết và mất tích, thiệt hại 9.324 tỷ đồng).
Riêng đối với hệ thống đê điều, nhìn chung các bộ ngành, địa phương đã ghi nhận, xử lý kịp thời hơn 800 sự cố đê điều. Nhờ đó, đã giữ vững an toàn cho hệ thống đê, nhất là các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.
Để đạt được kết quả này, theo Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận, trong chỉ đạo, điều hành ứng phó, hộ đê, Chủ tịch UBND cấp huyện đóng vai trò rất quan trọng. Điều này được thể hiện từ chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê điều đến huy động lực lượng, vật tư, phương tiện và tổ chức xử lý các sự cố đê điều.
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai nhìn nhận vẫn còn tồn tại, hạn chế trong công tác hộ đê, xử lý sự cố. Nổi cộm là công tác đánh giá hiện trạng, xác định trọng điểm đê điều xung yếu có nơi còn chưa sát với thực tế; công tác tuần tra canh gác ở một số địa phương còn lơ là; kỹ năng, kinh nghiệm xử lý sự cố, hộ đê của lực lượng tham gia ứng phó còn hạn chế…
Cần tiếp tục quan tâm đầu tư
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, các loại hình thiên tai trong năm 2024, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua cho thấy: những nơi thực hiện tốt chỉ đạo, cảnh báo về phòng, chống thiên tai của cơ quan chức năng sẽ giảm thiểu thiệt hại rất tốt.
“Đợt mưa lũ vừa rồi cũng bộc lộ nhiều vấn đề, vì vậy, cần tính toán lại mực nước báo động của các tuyến sông có đê; tính toán việc xử lý sự cố đê điều mang tính hệ thống và cần quan tâm đầu tư thỏa đáng đối với hệ thống đê điều…” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói thêm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm đối với các Chủ tịch UBND cấp huyện. Trong đó nhấn mạnh cần nhận thức phải đúng, đầy đủ, trách nhiệm về công tác phòng, chống thiên tai và đảm bảo an toàn hệ thống đê điều. Đồng thời, xây dựng tốt các kịch bản ứng phó để đảm bảo không bị động bất ngờ.
Tại hội nghị ngày 22/11, Chủ tịch UBND cấp huyện cùng các cơ quan chuyên môn của 21 tỉnh, TP đã cùng thảo luận, cho ý kiến đóng góp và thống nhất một số giải pháp trọng tâm nhằm bảo đảm an toàn đê điều trong thời gian tới.
Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là khẩn trương tổng kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng công trình đê điều trên địa bàn để cập nhật, bổ khuyết các vị trí xung yếu và phương án bảo vệ sát với thực tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các tỉnh, TP chỉ đạo các huyện, xã ven đê tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng để chủ động, tích cực thực hiện công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ hệ thống đê điều. Đồng thời, quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều đảm bảo yêu cầu chống lũ theo tần suất thiết kế, nâng cao khả năng chống chịu với lũ lớn, dài ngày.