Gióng lên hồi chuông báo động về biến đổi khí hậu
Những vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, thiêu rụi hàng nghìn ha rừng ở nhiều nơi trên thế giới được xem là một hồi chuông cảnh báo về một hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu mà nếu chúng ta không hành động một cách quyết liệt và mạnh mẽ thì hậu quả còn tàn khốc hơn nhiều trong tương lai.
Hệ quả tất yếu của tình trạng biến đổi khí hậu
Thảm họa cháy rừng ở hạt Los Angeles thuộc bang California không chỉ thu hút sự quan tâm đặc biệt của nước Mỹ mà còn của cả thế giới, nhất là các nhà khí tượng học cũng như bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu. Các vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra ở Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan và đặc biệt nghiêm trọng tại Mỹ những ngày qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Thảm họa cháy rừng gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ với hàng chục người chết và mất tích, thiệt hại vật chất ước tính tới 150 tỷ USD xảy ra khi có hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Thống đốc California Gavin Newsom thừa nhận: “Quy mô và chi phí của thảm họa này là chưa từng có”. Thảm họa cháy rừng tại California hiện nay được cho xảy ra trong thời điểm khá bất thường. Không ít người đã có phần bất ngờ khi hỏa hoạn xảy ra vào thời điểm này tại California bởi trước đó, các vụ cháy rừng ở bang này thường diễn ra trong tháng 6, 7 và có thể kéo dài đến tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, vụ cháy rừng quy mô lớn hiện nay lại bùng phát vào tháng 1, tức là thời điểm mùa đông lạnh nhất ở California.
Vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, giới chức cùng các nhà chuyên môn của Mỹ cùng cho rằng, thảm họa cháy rừng tồi tệ mà California đang hứng chịu chính là hệ quả tất yếu của tình trạng biến đổi khí hậu và Trái đất ấm lên, trong đó con người chính là tác nhân chính. Theo đó, biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng tại California.
Trước vụ cháy rừng tại bang California của Mỹ, thế giới cũng phải chứng kiến nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra thời gian qua ở nhiều nơi trên thế giới. Những ngày gần đây, thời tiết tại Hồng Kông (Trung Quốc) khô hanh khiến cháy rừng bùng phát ở Công viên Lam Tsuen ở Yuen Long. Lực lượng cứu hộ Hồng Kông đã điều trực thăng giải cứu người đi bộ đường dài bị mắc kẹt trong khu vực do lửa và gió mạnh. Tại Thái Lan, các đám cháy đã thiêu rụi gần 160ha rừng trên núi Khao Loi ở tỉnh Nakhon Ratchasima, gần Công viên quốc gia Khao Yai - một di sản thế giới.
Vụ cháy rừng nghiêm trọng và quy mô lớn nhất thời gian qua là vụ cháy rừng tại Công viên quốc gia Grampians thuộc bang Victoria của Australia với diện tích rừng bị thiêu rụi lên tới 74.000ha, gấp nhiều lần diện tích cháy rừng hiện nay tại bang California của Mỹ. Thống kê cho thấy, diện tích đất bị cháy rừng thiêu rụi tại Công viên quốc gia Grampians tương đương với diện tích đảo quốc Singapore.
Chìa khóa để giảm nhẹ cơn thịnh nộ của thiên nhiên
Nhóm nghiên cứu tại Đại học California Los Angeles cho biết, các vụ cháy rừng đang hoành hành tại bang này, trở nên dữ dội một phần do hiện tượng “biến động thủy khí hậu”. Theo đó, biến động thủy khí hậu là những biến động đột ngột, mạnh mẽ giữa thời tiết cực kỳ ẩm ướt và cực kỳ khô hạn. California trải qua nhiều trận mưa và tuyết kỷ lục vào các mùa đông 2022-2023 và 2023-2024 khiến thực vật phát triển mạnh. Nhưng đến hè năm 2024, thảm thực vật này khô héo dưới nắng nóng kỷ lục và hạn hán kéo dài đã trở thành nhiên liệu khô cằn dễ cháy.
Những thảm thực vật khổng lồ khô héo kết hợp với gió Santa Ana ấm và khô thổi cực mạnh có tốc độ tới 100km/h đã tiếp tay cho “giặc lửa” khiến thảm họa cháy rừng tại California thêm trầm trọng. Trong khi đó, một nghiên cứu mới cũng cho thấy, biến động thủy khí hậu đã trở nên phổ biến tới hơn 31-66% khu vực trên toàn cầu kể từ giữa thế kỷ XX vừa qua mà nguyên nhân chính xuất phát từ biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cảnh báo, đến cuối thế kỷ XXI này, những biến động như vậy có thể tăng hơn gấp đôi nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 3 độ C. Các khu vực trên thế giới, từ Mỹ đến Trung Đông và Nam Á… có thể phải đối mặt với những chu kỳ ẩm ướt và khô hạn ngày càng tệ hơn.
Các vụ cháy rừng liên tiếp diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới trong bối cảnh Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa chính thức xác nhận rằng, 2024 là năm nóng nhất lịch sử từ trước tới nay, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu. Dữ liệu từ các cơ quan khí tượng tại Anh, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều cho thấy, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2024 đạt 1,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là năm thứ hai liên tiếp mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất vượt qua 1,5 độ C, ngưỡng được đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm hạn chế những tác động nghiêm trọng của hiện tượng này. Tổng thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu năm 2024 ước tính lên tới 140 tỷ USD, cũng là mức cao thứ ba trong lịch sử.
Bà Samantha Burgess, Giám đốc Chiến lược khí hậu của Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus, nhấn mạnh rằng, sự tích tụ khí gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu, than đá, khí thiên nhiên… là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Vị chuyên gia này cảnh báo, nếu không hành động khẩn cấp, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến băng tan nhanh, mực nước biển dâng cao và các hệ sinh thái bị đẩy đến bờ vực sụp đổ.
Giới nghiên cứu tính toán rằng, tình trạng khẩn cấp về khí hậu do con người gây ra đã góp phần làm tăng 172% các khu vực hỏa hoạn như ở California kể từ những năm 1970 và tình trạng này sẽ còn trầm trọng hơn trong một thập kỷ tới. Park Williams, nhà khí hậu học tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty thuộc Đại học Columbia, chia sẻ quan điểm này khi cho rằng, biến đổi khí hậu là nguyên nhân sâu xa làm gia tăng các vụ cháy rừng.
Theo một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cháy rừng dự kiến trở nên tồi tệ hơn theo thời gian do biến đổi khí hậu và thay đổi trong việc sử dụng đất. Báo cáo cho rằng, các đám cháy cực đoan trên toàn thế giới sẽ tăng đến 14% vào năm 2030, 30% vào cuối năm 2050 và 50% vào cuối thế kỷ này. Mặc dù, năm 2025 được dự đoán sẽ không nóng dữ dội như năm 2024 nhờ hiện tượng La Nina, nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng, nhiệt độ toàn cầu vẫn nằm trong tốp 3 năm nóng nhất lịch sử. Các thảm họa cháy rừng vừa qua là lời cảnh báo nghiêm khắc về các thách thức lớn do biến đổi khí hậu và sự thiếu chuẩn bị của con người trước thiên tai.
Để giảm thiệt hại trong tương lai, chính phủ các nước cùng cộng đồng quốc tế không chỉ cần đầu tư vào quản lý rừng và cơ sở hạ tầng chống thiên tai, mà quan trọng hơn hết là giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính để ngăn chặn Trái đất nóng lên. Đó là chìa khóa để giảm nhẹ cơn thịnh nộ của thiên nhiên và xây dựng một tương lai bền vững hơn cho hành tinh xanh của chúng ta.