Giới trẻ TP.HCM gặp áp lực tài chính khi 'không biết lì xì sao cho đủ'
Nhiều người trẻ ở TP.HCM, Hà Nội quyết định lì xì thú bông Baby Three, vật phẩm trong trò chơi điện tử cho các em, các cháu thay tiền mặt để làm giảm thiểu áp lực tài chính.
“Lì xì bao nhiêu cho đủ?” là câu hỏi của nhiều người trẻ mỗi dịp Tết đến xuân về. Một số lần đầu mừng tuổi người lớn, trẻ con trong nhà, còn bỡ ngỡ với hoạt động này.
Trong khi đó, nhiều người lại gặp áp lực do không có thưởng Tết, mới chuyển việc, khó mạnh tay chi tiêu cho những phong bao lì xì.
Từ đó, hàng loạt hình thức lì xì mới như mừng tuổi ngẫu nhiên trên ví điện tử, tặng đồ chơi Baby Three, có biệt danh là "bé ba", hay vật phẩm trong game ra đời, phần nào giải quyết áp lực kinh tế dịp Tết Nguyên đán cho người trẻ.
Tặng Baby Three thay tiền mặt
Bùi Đình Nguyễn (24 tuổi, quận 7, TP.HCM), nhân viên kinh doanh online - livestream
Đây là năm đầu tiên tôi nhận thưởng từ công ty, cũng là lần đầu nghĩ đến chuyện lì xì người khác thay vì chỉ nhận từ gia đình như trước.
Với số tiền thưởng nhỏ do mới ở vị trí thử việc, tôi không dư dả để “phóng tay” đặt nhiều tờ 500.000 đồng trong phong bao đỏ. Thú thật, quỹ lì xì của tôi có hạn.
Tôi xác định cần mừng tuổi bố mẹ và các cháu trong nhà, quyết định đưa ra 2 phương án. Đối với phụ huynh, tôi không tặng tiền mặt như thông thường.
Ngay sau khi nhận thưởng Tết, tôi gửi biếu bố mẹ qua ví điện tử. Cách này vừa tiện lợi, nhanh chóng, lại giúp tôi gửi kèm những lời chúc Tết ý nghĩa, giải quyết hiệu quả tình trạng ngại nói lời yêu thương trực tiếp với phụ huynh.
Hơn nữa, việc lì xì qua ví điện tử giúp tôi quản lý chi tiêu dễ dàng hơn, tránh cảm giác căng thẳng khi phải rút tiền mặt trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán. May mắn, bố mẹ tôi đều sử dụng ví điện tử.
Với các cháu, thay vì lì xì tiền, tôi dự định tặng món đồ chơi Baby Three thịnh hành. Món quà này không quá đắt đỏ, nhưng phù hợp hơn so với việc đưa tiền mặt trực tiếp, tránh để các cháu cảm thấy hụt hẫng nếu số tiền không như kỳ vọng.
Ngoài ra, tôi cũng không muốn để trẻ con trong nhà tiếp xúc với tiền mặt sớm. Việc tặng quà phần nào phù hợp với lứa tuổi của các cháu hơn.
Những hình thức lì xì mới này không chỉ thú vị mà còn giúp tôi giảm bớt lo lắng về tài chính trong năm đầu tiên đi làm, đồng thời vẫn giữ được không khí Tết ấm áp và ý nghĩa.
Bóc 'túi mù' lì xì
Diệp Bảo Tùng (25 tuổi, quận 5, TP.HCM), nhân viên văn phòng
Tôi có một nhóm bạn thân gắn bó suốt 10 năm qua. Dịp Tết năm ngoái, dù mới ra trường, chúng tôi vẫn dành một khoản nhỏ từ tiền tiết kiệm để lì xì cho nhau với hy vọng cầu may mắn và thành công cho sự nghiệp của mỗi người.
Khoản lì xì là cách thể hiện tấm lòng và sự gắn kết của cả nhóm, không quan trọng số tiền ít hay nhiều.
Năm nay, do vừa chuyển sang công việc mới nên khoản thưởng Tết của tôi không cao, chỉ vừa đủ chi tiêu trong dịp Tết và biếu bố mẹ. Tuy vậy, tôi vẫn cố gắng xoay xở riêng một khoản nhỏ để tiếp tục duy trì truyền thống lì xì của cả nhóm.
Tôi dự định lì xì cho nhóm bạn qua trò chơi giật tiền mừng từ ví điện tử, thay cho tiền mặt như mọi năm. Tôi chỉ cần chọn một khoản tiền tổng không công khai, hệ thống sẽ tự động chia ngẫu nhiên cho từng người trong nhóm.
Cách làm này không chỉ mang lại cảm giác bóc “túi mù” (blind box), gia tăng sự bất ngờ cho người nhận, mà còn giúp tôi giảm bớt áp lực tài chính dịp Tết, đồng thời không làm mất lòng ai.
Với gia đình, tôi vẫn ưu tiên dùng bao lì xì truyền thống. Cảm giác trao tận tay những phong bao đỏ may mắn cho người thân luôn mang lại sự ấm áp và gần gũi.
Tết với tôi không chỉ là việc trao hay nhận lì xì, mà còn là dịp để vun đắp tình cảm và kết nối với người thân, bạn bè. Dù là lì xì theo cách truyền thống hay hiện đại, ít hay nhiều, điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng chân thành và tình cảm dành cho nhau.
Tặng vật phẩm game
Minh Trang (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội), nhân viên marketing công ty game
Trước Tết Ất Tỵ, tôi biết tin nhận “0 đồng thưởng Tết” trong năm nay. Do hoạt động kinh doanh khó khăn, công ty game nơi tôi công tác không thể trả lương tháng 13 và thưởng cuối năm cho nhân sự.
Đứng trước hàng loạt khoản phải chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ dài nhất năm, tôi cảm thấy đặc biệt hoang mang, lo lắng. Lì xì người lớn, trẻ nhỏ trong nhà là hoạt động khiến tôi đắn đo nhất.
Hàng năm, tôi vẫn tất tay mừng tuổi bố mẹ và các cháu, mong muốn mang đến cho người thân niềm vui xuân. Tuy nhiên, tình hình lương thưởng ảm đạm năm nay khiến tôi phải cân nhắc nhiều về số tiền mừng.
Đối với phụ huynh, tôi đành trích quỹ tiết kiệm, nỗ lực giữ nguyên mức tiền 5 triệu đồng vẫn biếu hàng năm, chuyển khoản từ trước Tết.
Tuy nhiên, đối với các em, các cháu trong gia đình, tôi buộc phải điều chỉnh mức lì xì do ngân sách hạn chế. Các năm trước, tôi thường để 200.000 đồng trong mỗi phong bao đỏ.
Tránh để trẻ con trong nhà thất vọng, tôi đổi hình thức mừng tuổi, quyết định tặng skin game (skin là những món đồ cho phép người chơi thay đổi diện mạo cơ bản của nhân vật trong game với nhiều mục đích khác nhau) thay cho tiền mặt. Đây vốn là phúc lợi dành cho nhân viên của công ty tôi.
Với phương án này, tôi không tốn tiền lì xì các cháu, song vẫn đảm bảo trẻ con trong gia đình có quà, hân hoan bước vào năm mới. May mắn, tôi làm việc ở công ty phát hành game và các cháu cũng thích trò chơi này.