Giới trẻ Hàn Quốc chia rẽ vì khủng hoảng chính trị
Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol, đang đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ, đã trở thành tâm điểm chia rẽ giới trẻ của Hàn Quốc.
Ở Seoul, một cảnh tượng đầy mâu thuẫn diễn ra khi hàng nghìn người trẻ tuổi xuống đường biểu tình, chia thành hai phe đối lập rõ rệt xung quanh cuộc khủng hoảng chính trị đang làm rung chuyển Hàn Quốc.
Phe phản đối Tổng thống Yoon bao gồm những người trẻ tự do như Shin Ji-young, một nữ doanh nhân 29 tuổi, cầm cờ và hô khẩu hiệu đòi bắt giữ Tổng thống.
Cô cho rằng sự khác biệt về giới đã trở nên rõ ràng hơn trong cuộc khủng hoảng này. "Phụ nữ nhạy cảm hơn với các vấn đề xã hội và sự phân biệt đối xử, trong khi nhiều đàn ông trẻ tuổi phủ nhận điều này", Shin chia sẻ. Họ bao gồm người hâm mộ K-pop, game thủ và các nhóm nữ quyền, cùng với những lá cờ kỳ quặc có dòng chữ "người hướng nội".
"Tôi nghĩ rằng lý do khiến nhiều người trong số họ tham gia cuộc biểu tình luận tội là vì họ muốn tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn", sinh viên Song Min-ji, 21 tuổi, chia sẻ.
Ngược lại, những thanh niên bảo thủ ủng hộ ông Yoon, bao gồm cả các nhóm cực hữu như "Baekgoldan" (Biệt đội Đầu lâu Trắng), đang sử dụng ngôn ngữ dân tộc chủ nghĩa để bảo vệ quan điểm của mình.
Cái tên này ám chỉ một đơn vị đã đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ vào những năm 1980 và 1990, bao gồm một số vụ đánh đập chết người. Những người này thậm chí kêu gọi áp dụng thiết quân luật, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bạo lực.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2022, ông Yoon đã phủ nhận sự tồn tại của phân biệt đối xử với phụ nữ và hứa bãi bỏ Bộ Bình đẳng giới. Hành động này giúp ông giành được 58% phiếu bầu từ nam giới trong độ tuổi 20, nhưng lại xa lánh phụ nữ trẻ và các nhóm tự do.
Các chuyên gia nhận định, ông Yoon tận dụng bất ổn kinh tế và tâm lý bất mãn của nam giới để thúc đẩy chương trình nghị sự bảo thủ, trong khi phớt lờ nhu cầu của phụ nữ và các nhóm yếu thế khác.
Kwon Soo-hyun, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Gyeongsang, cho rằng chính quyền Tổng thống Yoon đã sử dụng phụ nữ và người di cư làm "vật tế thần" cho các vấn đề xã hội.
Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị kéo dài, sự chia rẽ giữa thế hệ trẻ Hàn Quốc không chỉ phản ánh các vấn đề chính trị mà còn cả những rạn nứt sâu sắc trong xã hội.