Giới thiệu những tấm gương bình dị và cao quý tới công chúng
Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Triển lãm 'Những tấm gương bình dị mà cao quý' năm 2024.
Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) và 55 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 - 2024); thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà khẳng định sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc nêu gương người tốt, việc tốt. Người từng nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp...”.
Năm 1968, để việc tuyên truyền, giáo dục gương người tốt, việc tốt ngày càng lan tỏa rộng rãi trong Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”. Bộ sách tập hợp những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu, lao động và sản xuất được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương và thưởng huy hiệu của Người.
Bộ sách “Người tốt, việc tốt” sau đó đã đi vào thực tiễn đời sống xã hội, có sức lan tỏa lớn, khích lệ lòng yêu nước trong mỗi cá nhân, tập thể tạo nên sức mạnh kỳ diệu, giúp dân tộc ta vượt qua những giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn gian khổ của sự nghiệp cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với việc học tập và làm theo tấm gương của Người đã được Đảng ta phát động, trở thành việc làm thường xuyên, lâu dài, thiết thực, đi vào thực tế cuộc sống của mỗi tập thể, cá nhân.
Các phong trào thi đua như “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”, “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!” và đến giai đoạn hiện nay việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Quốc phòng và an ninh.
Sức lan tỏa rộng lớn của các tấm gương ấy đã góp phần vào việc xây dựng con người, xây dựng tổ chức, cũng như góp phần vào những thành tựu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Với hơn 200 hình ảnh, tài liệu, bài viết và hiện vật, triển lãm giới thiệu tới công chúng 134 tấm gương điển hình tiên tiến, bao gồm 38 tập thể và 96 cá nhân được Ban tổ chức lựa chọn từ gần 600 tấm gương trong hơn một năm qua do Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, Đảng ủy khối các Cơ quan Trung ương, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an) giới thiệu và tôn vinh.
Mỗi hình ảnh và bài viết của triển lãm là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức hiến dâng tất cả vì lợi ích của cộng đồng, vì sự bình yên, phồn vinh và phát triển của đất nước.
Ông Vũ Mạnh Hà khẳng định: “Triển lãm được tổ chức thực hiện trong 12 năm liên tiếp (2013-2024) là một hoạt động chính trị và văn hóa vô cùng ý nghĩa bởi không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương “Người tốt, việc tốt”.
Qua đây, công chúng thêm nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; từ đó, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể sẽ tiếp tục đóng góp những việc làm thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống, để cả xã hội luôn là một rừng hoa đẹp về người tốt, việc tốt kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh”.