Giới thiệu khái quát những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (tiếp theo)

Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (viết tắt là Luật Sĩ quan) được thông qua ngày 21/12/1999 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa X, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2000; được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và năm 2014. Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Sĩ quan đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là 'ngành lao động đặc biệt'.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lai Hòa, BĐBP Sóc Trăng tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Văn Long

Cán bộ Đồn Biên phòng Lai Hòa, BĐBP Sóc Trăng tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Văn Long

Việc xem xét, thông qua Dự thảo Luật quan trọng này tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Báo Biên phòng giới thiệu khái quát những vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan.

14. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại Dự thảo Luật

a) Tại điểm a, khoản 14, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi điểm b, khoản 1, Điều 25), bổ sung cụm từ "Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng" vào sau cụm từ "Tư lệnh, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam".

Lý do: Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập năm 2017, trên cơ sở tổ chức lại Cục Công nghệ thông tin trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu theo Quyết định số 1198/QĐ-TTg ngày 15/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ (sau thời điểm Luật Sĩ quan được sửa đổi năm 2014).

Ngày 12/12/2017, xem xét đề nghị của Quân ủy Trung ương (tại Văn bản số 939-CV/QU ngày 10/10/2017 và Văn bản số 1060-CV/QU ngày 20/11/2017), Thường trực Ban Bí thư đã đồng ý với đề nghị của Quân ủy Trung ương về việc xác định chức vụ, chức danh Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng tương đương chức vụ, chức danh Tư lệnh, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam; báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ, chức danh Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Văn bản số 5503-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng).

Vì vậy, Dự thảo Luật bổ sung chức vụ Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức của Thủ tướng Chính phủ để xác định 2 chức vụ này cùng nhóm với các chức vụ, chức danh được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 25 là cụ thể hóa chủ trương của Đảng và đúng với thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

b) Tại điểm b, khoản 14, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi khoản 1, Điều 31), bổ sung cụm từ "cùng ngành nghề làm việc" vào sau cụm từ "cùng điều kiện làm việc".

Lý do: Ngày 6/8/2024, Văn phòng Trung ương Đảng ban hành Văn bản số 10809-CV/VPTW về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Luật Sĩ quan; trong đó, thông báo ý kiến Kết luận của Bộ Chính trị: Đồng ý lực lượng vũ trang (QĐND, Công an nhân dân) có cơ chế đặc biệt để thu hút, trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, Luật Sĩ quan hiện hành chỉ quy định: "... được hưởng trợ cấp, phụ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc..." nên một số ngành, lĩnh vực tương đồng giữa Quân đội và dân sự, nhưng sĩ quan Quân đội không được hưởng các loại trợ cấp, phụ cấp như cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Cụ thể:

(1) Khoản 2, Điều 1, Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, quy định: "Chế độ phụ cấp ưu đãi tại Quyết định này không áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cơ quan cơ yếu" nên sĩ quan là nhà giáo giảng dạy trong các trường thuộc Bộ Quốc phòng chưa được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy.

(2) Quyết định số 72/2007/QĐ-TTg ngày 23/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra trong Quân đội, quy định mức phụ cấp từ 10% đến 15% đối với một số chức danh tư pháp thuộc Viện Kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự các cấp, Cơ quan Điều tra hình sự, Cơ quan An ninh điều tra các cấp, Thanh tra quốc phòng... Quyết định số 171/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với thẩm phán, thư ký tòa án và thẩm tra viên ngành tòa án, quy định mức phụ cấp đối với thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp (kể cả Chánh án Tòa án nhân dân tối cao), thư ký tòa án và thẩm tra viên thuộc ngành Tòa án được áp dụng phụ cấp trách nhiệm theo nghề từ 15% đến 30%. Quyết định số 138/2005/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với kiểm sát viên, điều tra viên và kiểm tra viên ngành Kiểm sát, quy định kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân các cấp (kể cả Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), điều tra viên các cấp và kiểm tra viên các cấp được áp dụng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Kiểm sát từ 15% đến 30%... Như vậy, mức hưởng phụ cấp đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra trong Quân đội đang thấp hơn so với các cơ quan cùng ngành nghề làm việc ngoài Quân đội. Mặt khác, các sĩ quan nêu trên ngoài thực hiện công tác giảng dạy, tư pháp, thanh tra... còn phải thực hiện các nhiệm vụ quân sự khác; ngoài ra, do Quân đội chưa đào tạo được nên phần nhiều trong số các sĩ quan này là cán bộ, công chức bên ngoài và những người tốt nghiệp đại học trở lên được điều động vào phục vụ trong Quân đội; theo đó, phụ cấp thâm niên thấp hơn so với các sĩ quan được đào tạo cơ bản trong Quân đội, ảnh hưởng đến đời sống của sĩ quan và vấn đề thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào Quân đội.

Vì vậy, việc bổ sung như Dự thảo Luật ngoài thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị còn là cơ sở để cấp có thẩm quyền bổ sung đối tượng sĩ quan vào đối tượng hưởng các loại phụ cấp theo nghề như cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.

c) Tại điểm c, khoản 14, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi khoản 7, Điều 31), bổ sung cụm từ "chính sách về đất ở" vào trước cụm từ "phụ cấp nhà ở".

Lý do: Để bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ nhằm thể hiện rõ hơn về chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho Quân đội và thống nhất với quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 124, Luật Đất đai năm 2024.

d) Tại điểm đ, khoản 14, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi Điều 40), thay thế cụm từ "kế hoạch của Chính phủ" bằng cụm từ "quyết định của Thủ tướng Chính phủ".

Lý do: Việc thay thế cụm từ như trên để bảo đảm thống nhất với quy định tại Điều 21 (Tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị), Điều 22 (Huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, đơn vị dự bị động viên) và Điều 25 (Huy động lực lượng dự bị động viên khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ), Luật Lực lượng dự bị động viên số 53/2019/QH14.

đ) Tại điểm e, khoản 14, Điều 1, Dự thảo Luật (sửa đổi khoản 1, Điều 43), bỏ cụm từ "được miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích".

Lý do: Để thống nhất với hệ thống pháp luật về lao động hiện hành. Cụ thể: Điều 10, Pháp lệnh về nghĩa vụ lao động công ích số 15/1999/PL-UBTVQH10 quy định những người được miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hằng năm có "quân nhân xuất ngũ đang đăng ký ở ngạch dự bị hạng một". Tuy nhiên, ngày 5/4/2006, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1014/2006/NQ-UBTVQH về việc chấm dứt hiệu lực của Pháp lệnh về nghĩa vụ lao động công ích từ ngày 1/1/2007.

Bên cạnh đó, việc bỏ cụm từ "được miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích" còn nhằm bảo đảm tương thích với Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về lao động cưỡng bức mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

(Hết)

B.P

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gioi-thieu-khai-quat-nhung-van-de-lien-quan-den-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-si-quan-qdnd-viet-nam-tiep-theo-post483746.html
Zalo