Giới chuyên gia 'mách nước' cải cách khi Ấn Độ áp sát nền kinh tế số 4 thế giới

Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Ấn Độ chuẩn bị vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới là dấu hiệu cho thấy vị thế ngày càng vững chắc của quốc gia Nam Á này.

Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Jalandhar, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN

Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Jalandhar, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN

Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được IMF công bố vào tháng 4, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên 4,187 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2025–2026, vượt qua nền kinh tế 4,186 nghìn tỷ USD của Nhật Bản. Nếu thành hiện thực, GDP của Ấn Độ sẽ chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc và Đức.

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) dẫn phát biểu của CEO Viện nghiên cứu Niti Aayog - ông B.V.R. Subrahmanyam, đề cập đến các yếu tố góp phần khiến Ấn Độ trỗi dậy về kinh tế, đó là địa chính trị thuận lợi, nền tảng nội địa vững chắc và vai trò ngày càng tăng của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước tiềm năng thay đổi về thứ hạng kinh tế, tỷ phú Ấn Độ Anand Mahindra đã vận động khuyến khích tăng trưởng GDP của đất nước cũng như GDP bình quân đầu người. Trong bài đăng trên X, tỷ phú này bày tỏ: “Khi còn học trường kinh doanh, ý tưởng Ấn Độ vượt qua Nhật Bản về GDP giống như một giấc mơ xa vời, gần như táo bạo. Dẫu đang hân hoan, chúng ta chưa thể hài lòng vội… Bởi vì bước nhảy vọt tiếp theo của Ấn Độ phải là GDP bình quân đầu người, không chỉ vượt qua Đức (để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới). Để tiếp tục phát triển, Ấn Độ cần các cải cách kinh tế bền vững, về quản trị, cơ sở hạ tầng, sản xuất, giáo dục và tiếp cận vốn”.

Bài đăng của tỷ phú Anand Mahindra lập tức thổi bùng tranh luận về phát triển kinh tế không đồng đều của Ấn Độ, với nhiều người dùng trực tuyến nhấn mạnh rằng quốc gia đông dân nhất thế giới hiện có GDP bình quân đầu người là 2.500 USD, kém xa Nhật Bản với dân số 124 triệu người ở mức 33.800 USD, tính đến năm 2023.

Hơn nữa, chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Ananta Aspen Centre - ông Naushad Forbes cho biết sự gia tăng thứ hạng toàn cầu của nền kinh tế Ấn Độ một phần bắt nguồn từ việc đồng yên giảm giá so với USD bởi chính sách tiền tệ lỏng lẻo của ngân hàng trung ương Nhật Bản trong những năm gần đây. Ông Forbes kết luận: "Chúng ta còn một chặng đường dài để đạt được mức sống cao hơn". Ông Forbes cũng bổ sung rằng Ấn Độ nên nỗ lực nâng cao mức năng suất bằng cách đầu tư vào nguồn nhân lực và tăng tập trung vào phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ. Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047 và các chuyên gia cho rằng New Delhi cần duy trì nỗ lực trên nhiều mặt trận để đạt được mục tiêu.

Công nhân làm việc tại công trường xây dựng ở Guwahati, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN

Công nhân làm việc tại công trường xây dựng ở Guwahati, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN

Cựu chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) – ông Subodh Bhargava cho biết: "Một nền kinh tế đang phát triển chắc chắn sẽ tiếp tục từng bước đi lên. Tuy nhiên, cả chính phủ và tất cả chúng ta đều không nên tự mãn".

Tuy Ấn Độ nhảy vọt trong bảng xếp hạng Chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từ vị trí 142 năm 2014 lên 63 năm 2020, ông Bhargava cho rằng vẫn còn dư địa để cắt giảm thủ tục hành chính.

Ngoài ra, Trung tâm nghiên cứu Sáng kiến Nghiên cứu Thương mại Toàn cầu (GTRI) có trụ sở tại New Delhi, nhận định các mức thuế quan chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố gần đây thực chất có thể khiến Ấn Độ tìm thấy “cơ trong nguy” và củng cố vị thế trong thương mại, sản xuất toàn cầu. Theo họ, Ấn Độ sẽ nhận được lợi thế cạnh tranh ở một số lĩnh vực quan trọng, nổi bật là hàng dệt may, trong bối cảnh các đối thủ như Trung Quốc và Bangladesh phải chịu mức thuế cao.

Bên cạnh đó, máy móc, ô tô và đồ chơi - các ngành do Trung Quốc và Thái Lan dẫn đầu – cũng mang nhiều tiềm năng đối với Ấn Độ. Theo lưu ý của GTRI, Ấn Độ có thể tận dụng bằng cách thu hút đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/gioi-chuyen-gia-mach-nuoc-cai-cach-khi-an-do-ap-sat-nen-kinh-te-so-4-the-gioi-20250528162513415.htm
Zalo