Gió về ngang ngã tư thu
Đường phố Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm - Hà Nội) thuộc phần đất năm thôn của huyện Thọ Xương xưa. Dấu tích còn lại là Thiên Phúc Tự (số nhà 94) thôn An Trung và đình Vũ Thạch (13 Bà Triệu). Chừng nửa phố ngày ấy nằm trên đất hồ ở bên phải phố Hàng Khay và Tràng Tiền. Người Pháp đã lấp hồ để xây những phố mới với hàng trăm biệt thự sang trọng. Phố Hai Bà Trưng nối từ ngã ba Lê Thánh Tông tới ngã năm đường Lê Duẩn (dài chừng 1,7km).
Nắng vàng hồng tươi những nụ cười
Có thể nói phố Hai Bà Trưng là một phần ký ức trong tôi từ những ngày niên thiếu. Đó là ngôi nhà tu viện được xây dựng sớm nhất (1883) ở số nhà 37, nơi chúng tôi đã được học ba năm cấp hai (đầu thập niên 60 thế kỷ XX) tại dãy nhà thuộc tu viện cũ. Hiện nay cả hai dãy nhà bên phải và bên trái đều thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba. Trụ sở của tu viện vẫn tồn tại ở giữa với kiến trúc Gothic cổ điển xinh đẹp. Ngôi nhà tu viện là sự khởi đầu cho những kiến trúc ở phần đầu phố Hai Bà Trưng với những ngôi trường học trăm năm cổ kính.
Đầu tiên phải nói tới Trường Collège Paul Bert ở nhà số 8 (xây năm 1902). Sau này trường được nâng lên cấp trung học Lyceé de Hanoi, là một trụ sở đầu tiên của Trường Lyceé Albert Sarraut được xây dựng vào năm 1914. Ngôi trường số 8 phố Rollandes (nay là Hai Bà Trưng) ngày đó đã ghi dấu tên những học trò nổi tiếng sau này như Hoàng Xuân Hãn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Huy Thông, Trịnh Văn Bô, Vũ Hoàng Chương, Vũ Bằng, Nguyễn Văn Huyên, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam…
Nay ngôi trường "Tây" đó là trụ sở của hai Trường Hoàn Kiếm và Trần Phú từ năm 1965. Đối diện bên kia đường là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội (nhà số 7) và Trường Nguyễn Văn Tố (số 9 - Trung tâm GDTX -Hoàn Kiếm). Chưa hết, tiếp tới còn tòa soạn Báo Giáo dục & Thời đại (số nhà 15 Hai Bà Trưng luôn có mối liên hệ với các trường học trên toàn quốc). Những ngôi nhà này đều có tuổi đời hơn trăm năm. Mỗi buổi sáng khu vực này luôn vang lên tiếng cười hồn nhiên của các lớp học sinh thuộc mấy trường ở đầu phố. Riêng Trường Nghệ thuật Hà Nội có một sân khấu biểu diễn thường xuyên phục vụ khán giả Thủ đô. Đây là sân khấu ca múa nhạc trẻ với đúng nghĩa ở lứa tuổi học trò. Nơi đây luôn vang lên tiếng đàn tiếng hát vào mỗi kỳ biểu diễn tốt nghiệp hay tập luyện tham gia vào các kỳ liên hoan thành phố.
Đối diện với cửa sân khấu nghệ thuật Hà Nội là Công viên Nhà hát lớn (đầu phố Hai Bà Trưng) cũng là không gian văn hóa sinh động. Biểu tượng trong công viên là một bông hồng lớn (bằng đá cao 3 mét) thể hiện cho thế giới tình yêu bất tử. Các bạn trẻ thường tới đây sinh hoạt và cất lên tiếng hát về hình ảnh "Triệu đóa hồng". Đó là câu chuyện tình say đắm nhưng bất thành của họa sĩ Niko Pirosmani (người Gruzia) với vũ nữ, ca sĩ Margarita (người Pháp). Chuyện kể qua lời ca rằng: "Tặng một đại dương hoa hồng thắm/ Cho nàng ca sĩ anh yêu thầm/ Và ngôi nhà xinh anh đã bán/ Bằng dòng máu nóng trái tim mình" (Lời Việt: Trung Kiên và Diệp Minh Tuyền).
Vậy là từ đầu phố tới ngã tư Quang Trung được coi là trung tâm giáo dục và nghệ thuật nổi bật trên phố Hai Bà Trưng. Đáng chú ý, khu vực này còn có nhà vườn xinh đẹp của American Club Hanoi tại số nhà 19 và 21. Đây là không gian xanh góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng của con đường này. Đồng thời hình ảnh Anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc ngoại xâm luôn được tôn vinh vào những ngày đầu năm học sinh tới lớp. Các bạn trẻ được hiểu thêm về con phố và lịch sử dân tộc. Hồn thơ của nữ sĩ Ngân Giang luôn vang lên đâu đó trên con đường mang tên huyền thoại Hai Bà Trưng. Nữ sĩ đã cảm xúc: "Ngang dọc non sông đường kiếm mã/ Huy hoàng cung điện nếp cân đai/ Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa/ Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai" (Trưng Nữ Vương).
Rộn rã những ngã tư
Đường Hai Bà Trưng có tới 14 ngã phố cắt ngang theo chiều Bắc Nam. Những con gió Đông Nam hay Tây Bắc thường thổi ngang qua phố tạo không khí của từng khúc đoạn khác nhau với hai vỉa hè đầy lá vàng bay. Đặc biệt những con gió thổi từ đường Hỏa Lò hay Lý Quốc Sư luôn quấn quanh hương hoa sữa thơm ngát khi thu về. Những khúc rẽ này cũng là trung tâm thương mại điển hình trên phố Hai Bà Trưng. Nếu ở đoạn đầu phố nổi lên Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza (số nhà 24) và tòa nhà ngân hàng, thì tại những ngã ba cuối phố lại lừng lững tòa Tháp đôi cao 18 tầng (số nhà 49).
Khu tháp đôi này xây trên phần lớn đất (diện tích chừng 1ha) của nhà lao Hỏa Lò cũ, được khai thác kinh doanh từ năm 1998 cho đến nay. Tòa nhà nằm giữa hai phố Hỏa Lò và Quán Sứ, tạo nên tụ điểm sầm uất nhất trên phố với hàng trăm đơn vị kinh doanh hoạt động. Gần đó còn những tòa nhà cao chục tầng khác như Capital Building (số 41) hoặc Ngân hàng Quốc tế (số 48B). Cùng dãy phố còn có cơ quan rộng lớn của Bộ Công thương (số 54)… Ấy là chưa kể hàng chục cửa hàng lớn nhỏ kinh doanh dày đặc hai bên đường phố. Có thể coi nửa cuối phố Hai Bà Trưng là khu vực kinh tế thị trường sôi nổi nhất trong các phố "tây" đã được xây dựng.
Đặc biệt, trên đoạn phố này còn được định danh với di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (1 phố Hỏa Lò). Mặc dù đã dành phần lớn đất để xây dựng tòa Tháp đôi; tuy nhiên diện tích còn lại (2.000 mét vuông) vẫn giữ nguyên hiện trạng của một nhà lao ngập tràn ký ức cách mạng. Thực dân Pháp xây dựng Nhà tù Hỏa Lò năm 1896, trên đất làng Hỏa Lò (làm gốm) từ xưa. Đây là nhà tù trung ương của thực dân Pháp kiên cố vào bậc nhất Đông Dương. Chúng giam giữ hàng trăm tù nhân chính trị và những người ái quốc chống lại thực dân Pháp.
Hiện trong bảo tàng di tích Hỏa Lò vẫn còn giữ một chiếc máy chém nơi địa ngục trần gian này. Tất cả những hiện vật và mô hình phòng tra tấn tù nhân cùng những phiên bản điêu khắc trên tường là những lời tố cáo tội ác của thực dân xâm lược. Đồng thời những biểu tượng trong nhà lao nói lên ý chí đấu tranh và thể hiện lòng yêu nước của những chiến sĩ cách mạng không bao giờ đầu hàng giặc.
Chúng tôi có dịp gặp họa sĩ Lê Liên, người đã thiết kế tượng đài điêu khắc chìm hoành tráng trên bức tường lớn (rộng chừng 140 mét vuông). Họa sĩ đã cùng đồng nghiệp thiết kế bản vẽ mẫu trên chiếc máy chém trong phòng giam. Bức tranh tường lớn dài chừng 20 mét, nổi bật những hình tượng chiến sĩ cách mạng đang đấu tranh quyết liệt với chế độ hà khắc trong nhà tù. Ý chí cách mạng chiến thắng được thể hiện qua bố cục từ ánh sáng hờn căm bừng lên qua những đôi mắt của những chiến sĩ cách mạng. Hàng trăm cánh tay vung lên đòi tự do và thể hiện ý chí những chiến sĩ sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Tại nơi đây, nhà điêu khắc Lê Liên đã đọc cho tôi nghe những bài thơ các chiến sĩ làm ngay trong trại giam Hỏa Lò. Hồn thơ thật sáng láng kiên cường: "Trên vì nước, dưới vì nhà/ Non sông mở mặt, mẹ cha thỏa lòng" (Chí sĩ Lương Ngọc Quyến). Hoặc luôn còn đó nỗi lòng sâu thẳm của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh: "Chốc đã bảy tám năm trời/ Huyên đường nay đã da mồi tóc sương/ Một mình trằn trọc canh trường/ Nát lòng muôn việc giữa đường chưa xong" (Tạ từ).
Rẽ trái ngã năm
Cuối phố Hai Bà Trưng là dãy hàng hoa Đà Lạt đẹp mê hồn. Hoa tươi hàng ngày trên ngã năm hội tụ bởi những con đường Cửa Nam, Nguyễn Khuyến, Lê Duẩn và Hai Bà Trưng. Hầu hết những chuyến xe đầy hàng thường rẽ trái vào đường Lê Duẩn hướng về phương Nam. Và còn đó, những đoàn tàu tại ga Hà Nội luôn hú còi lên đường về phương Bắc mỗi khi đi qua đầu phố Hai Bà Trưng. Thời khắc thu đẫm hương trên phố. Trên tay những chàng trai cô gái đều mang theo những bông hồng nhung Đà Lạt đỏ thắm trên chiếc xe buýt chợt qua.
Họ reo vui trong lời ca vang dọc phố: "Hà Nội ơi nhớ về mùa thu tháng mười/ Áo học trò xanh những hàng me/ Hà Nội ơi ta nhớ không quên/ Hà Nội ơi trong trái tim ta" (Hà Nội đêm trở gió -Trọng Đài). Đó là nhịp điệu ngã năm khi những đoàn xe chở đầy ký ức phố phường trên đường xuôi vạn lý.