Giỗ Tổ Hùng Vương ở Đồng Nai: Tri ân cội nguồn, kết nối cộng đồng

Hòa trong không khí linh thiêng của Ngày Quốc giỗ (mùng 10-3 âm lịch), Đồng Nai tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm trang trọng và ý nghĩa. Những nghi lễ truyền thống kết hợp cùng các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt là giới trẻ.

Các em học sinh tham quan, tìm hiểu về lịch sử tại công viên Văn hóa Hùng Vương, huyện Trảng Bom, nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025. Ảnh: C.T.V

Các em học sinh tham quan, tìm hiểu về lịch sử tại công viên Văn hóa Hùng Vương, huyện Trảng Bom, nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025. Ảnh: C.T.V

Không chỉ là dịp tưởng nhớ công đức tổ tiên, giỗ Tổ Hùng Vương tại Đồng Nai còn là nhịp cầu kết nối thế hệ hôm nay với dòng chảy lịch sử ngàn năm của dân tộc. Qua đó, lan tỏa tinh thần uống nước nhớ nguồn, hun đúc lòng tự hào và ý thức gìn giữ những giá trị thiêng liêng trong mỗi người con đất Việt.

Hướng về nguồn cội…

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 10-3 (âm lịch), UBND thành phố Biên Hòa tổ chức lễ giỗ tổ tại Di tích Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, phường Bình Đa. Đây là di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2016. Bên trong đền, nơi trang trọng nhất được dành thờ vua Hùng và Bác Hồ.

Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho hay, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng từ lâu đã lan tỏa mạnh mẽ trong tâm thức bao thế hệ người dân ở Biên Hòa - Đồng Nai. Việc tổ chức lễ giỗ tổ không chỉ là sự tưởng nhớ, tri ân vua Hùng và các bậc tiền nhân, trở về với cội nguồn của dân tộc mà còn giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Với chủ đề Nhớ về đất tổ, tại Di tích Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương và UBND phường Bình Đa năm nay diễn ra nhiều hoạt động như: thi nấu bánh chưng, làm bánh giầy, trang trí mâm ngũ quả; các trò chơi dân gian, trưng bày và viết thư pháp; biểu diễn đờn ca tài tử, cải lương, hội chợ ẩm thực; công diễn các tiết mục đoạt giải cao tại Hội thi Kể chuyện lịch sử Việt Nam năm 2025… Các hoạt động thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Sáng 7-4 nhằm ngày 10-3 âm lịch, UBND thành phố Biên Hòa tổ chức lễ rước bánh chưng, bánh giầy từ Di tích quốc gia Văn miếu Trấn Biên về Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, phường Bình Đa. Đồng thời tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và trao giải các hội thi năm 2025.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Trảng Bom Tăng Thùy Phương Khánh, trong sáng mùng 10-3 âm lịch, địa phương thực hiện nghi thức dâng hương, dâng lễ vật, rước vòng hoa tại công viên Văn hóa Hùng Vương. Các đại biểu cùng ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, tưởng nhớ công ơn các vua Hùng. Đây là nét sinh hoạt văn hóa được địa phương duy trì nhiều năm qua với không khí vui tươi, rộn ràng, gắn kết cộng đồng, quảng bá hình ảnh con người và vùng đất Trảng Bom.

Tại huyện Tân Phú, giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 được tổ chức tại Di tích Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, xã Phú Sơn. Đây là đền thờ vua Hùng được xây dựng sớm nhất trên địa bàn tỉnh. Trải qua thời gian dài tồn tại, chịu sự tác động của thời tiết, hiện nay một số hạng mục như: điện thờ chính, miếu thổ thần… của di tích đã bị xuống cấp. UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình trùng tu, tôn tạo di tích Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, xã Phú Sơn giai đoạn 2023-2026 với tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Chung tay gìn giữ văn hóa dân tộc

Khởi nguồn từ tập quán thờ cúng tổ tiên, ý thức thờ cúng Hùng Vương qua thời gian đã thành biểu tượng văn hóa tín ngưỡng, niềm tự hào của từng gia đình, từng dòng họ, từng địa phương và cả dân tộc. Nhiều gia đình ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai vào ngày giỗ tổ cũng chuẩn bị lễ vật dâng lên bàn thờ gia tiên, tỏ lòng thành kính tới các vua Hùng, giáo dục con cháu về truyền thống của gia đình, của dân tộc. Nhiều người cũng không quên phong tục dâng hương quốc tổ tại nhà và tại đền thờ Hùng Vương vào ngày 10-3 âm lịch.

Công viên Văn hóa Hùng Vương, huyện Trảng Bom, trong ngày giỗ tổ (mùng 10-3) năm 2024. Ảnh:Tuấn Nhựt

Công viên Văn hóa Hùng Vương, huyện Trảng Bom, trong ngày giỗ tổ (mùng 10-3) năm 2024. Ảnh:Tuấn Nhựt

Bà Trần Thị Lan (62 tuổi, ngụ phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi đi lễ giỗ tổ mỗi năm, dâng hương ngưỡng vọng công đức tổ tiên tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Năm nay, các hoạt động được tổ chức quy mô, gần gũi và ý nghĩa. Đây là dịp để mỗi người cùng nhắc nhau nhớ về nguồn cội, chung tay gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc”.

Không chỉ thu hút người lớn tuổi, nhiều bạn trẻ cũng hào hứng tham gia. Em Nguyễn Hữu Tài, học sinh Trường trung học cơ sở Hùng Vương, thành phố Biên Hòa cho biết, đây là năm đầu em được cùng với cha tham dự phần hội Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại đền thờ chính ở Biên Hòa. Không chỉ cảm nhận được sự linh thiêng và trang trọng của ngày lễ này mà em còn hiểu thêm nhiều công lao dựng nước, giữ nước của các vua Hùng, thêm yêu và tự hào về lịch sử dân tộc mình.

Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều gia đình cũng đồng loạt treo cờ Tổ quốc; các địa phương ra quân dọn dẹp vệ sinh, chấn chỉnh quảng cáo, đảm bảo mỹ quan, giữ gìn môi trường trước, trong và sau lễ giỗ tổ. Các hoạt động về nguồn, hội thi kể chuyện lịch sử được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở… đã và đang góp phần khơi dậy ý chí phấn đấu của tuổi trẻ, nhắc nhở các tầng lớp nhân dân về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh, ở bất cứ nơi đâu có người Việt sinh sống, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đặc biệt là thờ các vua Hùng luôn được gìn giữ và tôn vinh như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Các điểm thờ cúng vua Hùng không chỉ là nơi hành lễ mà còn là nhịp cầu nối liền hiện tại với quá khứ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt khắp năm châu. Đó là giá trị văn hóa truyền thống bền vững, là sợi dây thiêng liêng gắn kết con Lạc cháu Hồng.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/gio-to-hung-vuong-o-dong-nai-tri-an-coi-nguon-ket-noi-cong-dong-48d064c/
Zalo