Gió mát trên đầm quê
Tôi đạp xe trên con đường dẫn về đầm Chuồn - một điểm hẹn 'đánh thức bình minh' và 'đánh thức hương vị tình quê' như lời bạn. Bây giờ đường về đầm Chuồn không còn 'nhấp nhô' như mấy chục năm trước, mà đã trở thành một cung đường của dân đạp xe thể dục buổi sáng. Bạn hít một hơi thật dài, giang hai tay chào đón mặt trời. Cứ nhìn cái cách bạn nhắm mắt tận hưởng ngọn gió đầm ban mai mát rượi, môi hé nở nụ cười mà tôi thấy lòng mình cũng reo vui theo. Bỗng thấy thương bạn khi nhớ lại cuộc trò chuyện của hai đứa 'Nghe tin Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương mà lòng mình vui rộn rã. Huế ơi, núm ruột của tôi ơi!'.
Bình minh trên đầm Chuồn. Một ngày mới bắt đầu, nghe yên vui và no ấm đến từ những cuộc trò chuyện nhỏ của người mua và người bán, hỏi thăm về mùa vụ nuôi trồng năm nay. Tôi chỉ cho bạn những dải lụa hồng dài bay phấp phới trên đầm, đó là những chiếc cờ phướn mà bà con cắm trên khu vực nò sáo của gia đình mình sau lễ Thu tế và cúng đầm vào ngày 21/7 âm lịch. Giữa vùng đầm nước mênh mông còn chìm trong màn sương sớm, dải cờ phướn như một nét son trong bức tranh thủy mặc chuyển đi một thông điệp hết sức tha thiết của bà con vùng biển, đầm phá, là lời cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, đi ghe, đi thuyền bình an vô sự. Cái dải lụa mềm mại nhỏ nhắn nhưng là biểu hiện của sự sống, là những nhịp đập của trái tim, là hơi thở con người, rằng bà con đang có một cuộc sống bình an, có nghề nghiệp, có cơm áo no đủ. Cuộc đời con người nào mong gì hơn.
“Những con người đầm phá hiền như những cọng rong đầm”, nhà văn Hồng Nhu đã viết như thế trong truyện ngắn “Lễ hội ăn mày”. Đó là những con người đã sống một cuộc đời quá lênh đênh, nghèo khổ “theo đuôi con cá”, lấy thuyền làm nhà, là “mọi đầm”. Bây giờ đầm Chuồn không còn người ở nôốc, ở ghe, tất cả đã lên bờ định cư. Nhớ hôm tôi về thăm chú Thương - một cư dân ở đầm Chuồn, chú vui vẻ “Năm 2025 là thôn Định Cư của chú kỷ niệm tròn 40 năm lên bờ. Dịp ni phải ăn mừng lớn vì bà con thôn chú đã thoát đời “bồng bềnh” sông nước rồi. Còn xây được cái đình của thôn nữa. Bây giờ ổn định đời đời rồi, biết ơn đầm Chuồn đã cho con cá, con tôm, cho cơm áo”. Kể cho bạn nghe về cuộc sống của bà con ở đây, bạn mừng rỡ “Nghe ấm lòng quá, bà con no đủ là mừng rồi!”.
Mặt trời đã lên, gió trên đầm mát rượi, tôi nhìn ra xa, vùng đầm phá mênh mông này đã nuôi dưỡng bao nhiêu thế hệ con người. Tôi nhìn những giọt nước trên mái chèo của anh thanh niên đầm Chuồn rơi thành dòng khi anh gác mái, thấy có trong đó màu mắt, dáng hình, màu da của những con người đầm Chuồn chân chất, thiệt thà, thấy có quê hương, có Huế trong ấy, nghe lòng mình cũng bát ngát như gió trên đầm buổi bình minh.
Đạp xe trở về, trên đường quê gặp một đám rước dâu rộn ràng, vui vẻ. Bạn dừng xe, ghi lại tất cả trong chiếc máy ảnh, miệng cũng cười toe như nắng mới “Cứ về Huế là được “sống” tròn đầy, hạnh phúc ri đây!”. Tôi nghe những cơn gió từ đầm vẫn còn thổi mát đến tận trên đường. Lòng thầm cảm ơn buổi ban mai trong lành trên đầm Chuồn và nhận ra quê hương - ấy là nhịp sống của thiên nhiên và con người, là một tình yêu không cần lời giải thích.