Gió đổi chiều trong quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật
Cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 7/2 đã diễn ra một cách 'ấm áp'. Kết quả là Tokyo đã tránh được 'mức thuế chết người' mà ông Trump áp đặt đối với các đồng minh khác của Mỹ, ít nhất là trong ngắn hạn.
![Thủ tướng Ishiba Shigeru và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, hôm 8/2. (Nguồn: Fortune/Getty Images)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_194_51441800/7fd8a94e9d00745e2d11.jpg)
Thủ tướng Ishiba Shigeru và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, hôm 8/2. (Nguồn: Fortune/Getty Images)
Thương mại là trọng tâm
Trước cuộc gặp, giới quan sát cho rằng, chuyến đi này của ông Ishiba sẽ rất khó khăn bởi các vấn đề mà hai bên đặt lên bàn thương thảo. Đó là vấn đề thâm hụt thương mại, thuế quan, bế tắc trong câu chuyện hạt nhân Triều Tiên và nhân tố Trung Quốc.
Thế nhưng, bầu không khí "nhẹ nhàng" với những lời khen ngợi lẫn nhau tại Nhà Trắng cho thấy hai nhà lãnh đạo dường như đã đạt được cam kết sẽ sát cánh cùng nhau tìm giải pháp thỏa đáng cho các xung đột thương mại, một lĩnh vực được ông Trump ưu tiên hàng đầu bên cạnh vấn đề nóng khác ở khu vực Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, bên cạnh những tuyên bố "nhẹ tay" với vị khách quý đến từ một đồng minh thân cận ở Đông Bắc Á, ông Trump cũng đã giục ông Ishiba phải cắt giảm thâm hụt thương mại với Mỹ xuống mức 0 và không quên cảnh báo rằng Tokyo vẫn có thể phải đối mặt với mức thuế cao đối với hàng hóa xuất khẩu nếu điều này không được thực hiện.
Đáng chú ý, trong vụ lùm xùm giữa Nippon Steel của Nhật Bản với US Steel của Mỹ, ông Trump khẳng định rằng sẽ xem xét đầu tư thay vì mua lại, một kết quả khác hẳn với người tiền nhiệm Joe Biden vốn chặn việc mở rộng đầu tư của Nippon Steel vào US Steel do lo sợ mất an ninh kinh tế. Hồi tháng 1 vừa rồi, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra phán quyết ngăn chặn thượng vụ sáp nhập 2 tập đoàn sản xuất thép nói trên với trị giá 14,1 tỷ USD nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.
Động thái này đã khiến cho 2 tập đoàn cảnh báo sẽ có hành động pháp lý để kiện Chính phủ Mỹ “vi phạm quy trình tố tụng và luật pháp”. Trong vụ kiện trên, cả Nippon Steel và US Steel dự kiến trao đổi các lập luận bằng văn bản vào cuối tháng 3 tới và các phiên điều trần toàn diện sẽ diễn ra vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, việc hai nhà lãnh đạo đạt được nhất trí về mặt chủ trương là “đầu tư” thay vì “sáp nhập” được cho là sẽ mở ra hướng đàm phán mới cho hợp tác giữa hai doanh nghiệp đình đám này trong tương lai.
Có đi có lại
Giới quan sát cho rằng, để có được sự ủng hộ của ông chủ mới Nhà Trắng, là lời hứa của vị khách đến từ xứ hoa anh đào về khoản đầu tư 1 nghìn tỷ USD vào Mỹ cùng lời cam kết sẽ tăng cường nhập khẩu các thiết bị quốc phòng, khí đốt và hàng hóa khác của Washington. Ông Ishiba cũng khẳng định rằng, mặc dù hiện Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Mỹ nhưng Tokyo sẽ tiếp tục tăng cường chi tiêu để dần rút ngắn khoảng cách thâm hụt thương mại với Washington.
Cho đến nay, như những gì đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã bắt đầu áp thuế đối với Trung Quốc, Mexico và Canada nhưng bất ngờ lại tuyên bố tạm dừng việc này với hai láng giềng trong vòng một tháng. Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ áp thuế đối với Liên minh châu Âu (EU) một cách "thuế quan có đi có lại" nhưng chưa khẳng định sẽ bắt đầu thực hiện khi nào.
Ngay sau cuộc gặp giữa hai bên tại Washington, đồng yên Nhật đã tăng giá so với USD lên mức cao nhất 8 tuần vào ngày 9/2. Trong khi đó, ông Fumio Matsumoto, chiến lược gia trưởng tại Okasan Securities, cho rằng cách ông Ishiba xử lý cuộc gặp với ông Donald Trump có khả năng sẽ giúp Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản cải thiện được tỷ lệ ủng hộ từ cử tri nước này.
Bên cạnh đó, hãng tin Yonhap dẫn lời ông Ishiba rằng, đã có các cuộc thảo luận "thẳng thắn" với Tổng thống Donald Trump về một loạt thách thức mà Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hai bên đang phải đối mặt, bao gồm các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh, ông và Tổng thống Trump khẳng định quyết tâm không cho phép các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép, và phản đối các nỗ lực như vậy ở Biển Hoa Đông và Biển Đông để bảo vệ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do và rộng mở".
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản còn cho biết hai bên cũng đã nhất trí thúc đẩy hợp tác với các quốc gia "có cùng chí hướng", bao gồm quan hệ đối tác ba bên với Hàn Quốc cũng như các cơ chế đa phương khác do Mỹ dẫn đầu như Bộ tứ (Quad) với Ấn Độ và Australia.
Gỡ nút thắt
Trong tuyên bố chung mà Tổng thống Trump và Thủ tướng Ishiba đưa ra sau cuộc hội đàm được Đài TNHK trích dẫn: “Hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng của họ và nhu cầu giải quyết các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định cam kết kiên quyết của họ đối với phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.
Tổng thống Donald Trump còn nhấn mạnh rằng, mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là "tài sản rất lớn cho tất cả mọi người" và cho biết: "rất hợp với ông ấy". Ông Trump cũng tuyên bố rằng "đang ngăn chặn chiến tranh" và nếu không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, thế giới sẽ "kết thúc trong một tình huống rất tồi tệ". Ông Trump dường như muốn nhắc lại rằng, với mối quan hệ của ông với ông Kim được vun đắp thông qua hoạt động ngoại giao cá nhân trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, một cuộc xung đột nghiêm trọng đã không bùng phát.
Trong khi đó, Thủ tướng Ishiba lại muốn sử dụng các cuộc đàm phán và két quả đạt được với ông Trump để đưa ra "cảm giác cấp bách mạnh mẽ" của Tokyo liên quan đến vấn đề công dân Nhật Bản bị Bình Nhưỡng bắt cóc cách đây nhiều thập kỷ. Ông Ishiba nhấn mạnh khi trả lời báo giới rằng, nếu chúng ta có thể tiến tới giải quyết các vấn đề với Triều Tiên, thì điều đó sẽ được nhất trí. Đối với chúng tôi, điều đó không chỉ bao gồm phi hạt nhân hóa mà còn là giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc".
Về phần mình, Bình Nhưỡng không phản hồi trực tiếp lời đề nghị của Tổng thống Trump trong việc nối lại liên lạc với nhà lãnh đạo Kim Jong Un mà thay vào đó nhấn mạnh ý định “tăng cường” năng lực hạt nhân của mình. KCNA đưa tin, Bình Nhưỡng đã tuyên bố vào ngày 8/2 rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không nhằm mục đích đàm phán mà được sử dụng để tấn công kẻ thù đe dọa người dân nước này và hòa bình thế giới.
Tuy nhiên, với các kết quả đạt được trong chuyến công du Mỹ đầu tiên và là nhà lãnh đạo thứ hai gặp Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng sau Thủ tướng Israel – một đồng minh thân cận bậc nhất của Washington - Thủ tướng Ishiba cho thấy mối quan hệ giữa hai bên vẫn rất đặc biệt. Việc Tokyo tránh được Mỹ áp thuế, không giống như ông Trump đã làm với Trung Quốc và đối tác hàng đầu của mình là Mexico và Canada cho thấy những ưu tiên và cân nhắc nhất định trong quan hệ với Tokyo và cá nhân ông Ishiba, một người được cho là có tính cách cá nhân rất khác biệt với ông chủ Nhà Trắng thứ 47 của nước Mỹ.