Gìn giữ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Khắp nơi trên đất nước ta đang có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024).
Từ những ngày đầu mới thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sỹ, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, Nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, QĐND Việt Nam từng bước lớn mạnh và trưởng thành, đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Thật tự hào khi những người chiến sỹ QĐND Việt Nam được Nhân dân trao tặng danh hiệu cao quý: Bộ đội Cụ Hồ. Đây là một vinh dự lớn, thể hiện lòng tin yêu và quý trọng của mỗi người dân đối với các cán bộ, chiến sỹ của QĐND Việt Nam. Đã từ lâu, hình ảnh và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn được Nhân dân coi là hình mẫu của con người trong thời đại mới. Đó là những người sống có mục đích, lý tưởng, không ngại hiểm nguy, gian khổ, “vì Nhân dân quên mình, vì Nhân dân hy sinh”. Họ là những người “trung với Đảng, hiếu với Dân”; gắn bó máu thịt với Nhân dân, chiến đấu mưu trí, dũng cảm; có tính tự giác và kỷ luật nghiêm minh; đoàn kết, nghĩa tình, thương yêu đồng chí, đồng đội... Hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ đã được phản ánh qua rất nhiều các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Từ cái thưở “áo vải, chân không, đi lùng giặc đánh”... đến anh Vệ quốc quân và anh Giải phóng quân “con người đẹp nhất!”. Hình ảnh những người lính Cụ Hồ mộc mạc, giản dị đi đến đâu cũng đều được dân quý, dân thương “Các anh về mái ấm, nhà vui”, đã là hình mẫu lý tưởng cao đẹp in đậm trong tâm tưởng của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, QĐND Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Mở đầu bằng chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần buổi đầu mới thành lập đến những chiến thắng các chiến dịch như: Việt Bắc, Biên Giới, Điện Biên Phủ... Plâyme (Tây Nguyên), Mậu Thân 1968; Quảng Trị 1972; Điện Biên Phủ trên không và cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thu non sông về một mối. Bước chân các anh đã đi khắp mọi miền của Tổ quốc, vượt qua khó khăn, gian khổ và làm nên những chiến thắng vinh quang. Và chiến thắng nào cũng phải đánh đổi bằng máu, xương, sự hy sinh to lớn của những người lính bộ đội Cụ Hồ. Hình ảnh và phẩm chất của những người chiến sỹ QĐND được khắc họa trong những vần thơ như: “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên. Chiến sỹ anh hùng. Đầu nung lửa sắt. 56 ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt...” sẽ còn mãi mãi với thời gian để ngợi ca về những người lính đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"... Còn có rất nhiều những bài thơ, nốt nhạc, phim ảnh, áng văn chương ngợi ca hình ảnh cao đẹp và sự hy sinh to lớn của những người lính Cụ Hồ trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Hình ảnh anh hùng của các chiến sỹ khiến quân thù khiếp sợ, bạn bè tin yêu đã làm nên một “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”.
Đất nước trọn niềm vui, non sông thống nhất (1975) nhưng biên giới phía Tây Nam, phía Bắc “lửa đã cháy và máu đã đổ”, những người lính Cụ Hồ lại cầm súng lên đường. Những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế giúp Campuchia giải phóng khỏi ách thống trị của Tập đoàn Pol Pot, Nhân dân nước bạn đã trìu mến gọi những chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam là đội quân nhà Phật. Danh xưng đó là sự ghi nhận những nghĩa cử cao đẹp của các chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam đã quên mình cứu giúp, hồi sinh cả dân tộc Campuchia.
Ngày nay, hình ảnh cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn được toàn thể cán bộ, chiến sỹ QĐND Việt Nam gìn giữ, phát huy ở tầm cao mới với những nhiệm vụ mới. Quên sao được hình ảnh trong những tháng, năm đại dịch COVID-19 bùng phát, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ được điều động thực hiện nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc”. Giữa đêm khuy giá rét, hay nắng lửa, bão giông, các chiến sỹ căng mình tuần tra, canh gác từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Nhiều đơn vị bộ đội cơ động, hành quân dã ngoại để nhường doanh trại cho đồng bào phải cách ly. Giữa những vùng tâm dịch các chiến sỹ không quản hiểm nguy đến từng nhà giúp đỡ cung cấp thực phẩm và lo hậu sự cho đồng bào không may bị mắc dịch bệnh qua đời. Quên sao được hình ảnh những cán bộ, chiến sỹ QĐND đi vào tâm bão, lũ để cứu giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn. Các địa danh như: Rào Trăng 3 (tháng 10/2020), Làng Nủ (tháng 9/2024)... sẽ mãi còn gợi nhớ về sự hy sinh, vất vả khi thực hiện nhiệm vụ của những anh Bộ đội Cụ Hồ.
Ở tỉnh Ninh Bình, các cán bộ, chiến sỹ quân đội luôn cùng Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp dân bảo vệ cảnh quan, môi trường, hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho các gia đình chính sách... Đặc biệt, khi có thiên tai, bão lũ, các chiến sỹ QĐND là một trong lực lượng xung kích có mặt trên tuyến đầu ở vùng biển Kim Sơn hoặc vùng lũ, lụt Nho Quan, Gia Viễn. Đã có những mất mát hy sinh, không thể nói thành lời, nhưng hình ảnh của các anh mãi đẹp trong lòng dân, góp phần tô thắm thêm phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.
Mùa xuân mới sắp về trên quê hương, đất nước ta. Lại có một lớp thanh niên ưu tú hăng hái tòng quân lên đường nhập ngũ vào Quân đội tiếp nối việc giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Họ sẽ là những chiến sỹ góp phần xây dựng QĐND Việt Nam tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nhớ lại những hình ảnh, phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ có lẽ là một hành động thiết thực để kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân.