Gìn giữ nét đẹp văn hóa của tết Chôl Chnăm Thmây
Giữa nhịp sống hiện đại, có những giá trị văn hóa không phai nhòa theo năm tháng. Với đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Lộc Ninh, tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ là thời khắc chuyển giao năm mới, mà còn là dịp để tìm về cội nguồn nơi tình thân được gắn kết, đạo hiếu được vun đắp và niềm tin được thắp sáng. Trong không khí rộn ràng ấy, từng nếp nhà, thôn sóc lại ngân lên thanh âm sum họp và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, người an nhà thịnh.

Đồng bào Khmer làm bánh chuẩn bị đón tết Chôl Chnăm Thmây
Nơi khởi nguồn của yêu thương và hiếu nghĩa
Với người Khmer, tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ là ngày lễ đón năm mới, mà còn là dịp gắn kết những thế hệ trong gia đình, để yêu thương được khơi nguồn và đạo hiếu được tôn vinh. Những ngày đầu tháng 4, khi nắng mùa khô bắt đầu gay gắt, cũng là lúc từng thôn sóc Khmer rộn ràng không khí chuẩn bị đón tết. Nhà cửa được quét dọn, trang trí. Người người chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, trẻ em thì vui mừng vì có quần áo mới.



Đồng bào Khmer cùng nhau dâng lễ và cầu nguyện tại chùa trong ngày tết Chôl Chnăm Thmây
Đồng bào Khmer xem tết Chôl Chnăm Thmây là dịp đặc biệt để thể hiện lòng hiếu thảo và sự tri ân đối với đấng sinh thành. Bên cạnh đó, việc đến chùa làm lễ nhằm bày tỏ sự thành kính đối với đức Phật và đón những điều may mắn trong năm mới. Bà Thị É, trú ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, chia sẻ: “Tết năm nào tôi cũng mong được nhìn thấy con cháu quây quần đầy đủ, khỏe mạnh, hạnh phúc. Mỗi khi thấy con biết lo cho cha mẹ, sống hiếu thảo, tôi vui lắm, cảm giác bao nhiêu vất vả trước đó cũng tan biến. Tết là lúc tôi ngồi lại kể cho các con nghe về chuyện ông bà, về những năm tháng cực khổ, để các con biết quý trọng hiện tại. Tôi chẳng mong gì nhiều, chỉ cần con cháu luôn sống có nghĩa tình, đoàn kết, rồi làm ăn khấm khá là tôi mãn nguyện”.
Lòng hiếu nghĩa không dừng lại trong từng gia đình, mà lan rộng ra cả cộng đồng. Mỗi chiếc bánh được gói không chỉ để dâng cúng tổ tiên, mà còn để chia sẻ cho hàng xóm láng giềng. Tết là dịp mà đồng bào dù đi làm xa cũng trở về sum họp. Bữa cơm đầu năm, tiếng cười rộn ràng, ánh mắt trìu mến của mẹ, lời dặn dò của cha... là bức tranh đoàn viên trong dịp này. Bà Thị Hắt, trú ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, cho hay: “Tết Chôl Chnăm Thmây năm nào cũng vậy, là dịp đặc biệt nhất trong năm đối với gia đình tôi. Cả nhà quây quần bên nhau. Mọi người cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị lễ vật, gói bánh để dâng lên chùa và chia cho bà con lối xóm. Tôi thấy vui lắm, không khí rộn ràng cả xóm. Điều tôi quý nhất, đây là dịp giúp con cháu nhớ về cội nguồn và biết trân trọng giá trị của gia đình”.
Tết cũng là dịp để gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, từ điệu múa dân gian đến những bộ trang phục rực rỡ, từ lời chúc chân thành đến những hoạt động cộng đồng... Ông Lâm SNoc, người có uy tín tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh tâm niệm: “Chôl Chnăm Thmây là dịp lễ quan trọng nhất trong năm với đồng bào Khmer. Đây là dịp để mọi người trở về với gia đình, với bản sắc văn hóa của dân tộc mình, cùng nhau tổ chức các nghi lễ truyền thống. Tôi luôn nhắc nhở con cháu và bà con trong sóc rằng: Tết là dịp để chúng ta thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ không chỉ bằng lời chúc mà bằng hành động cụ thể. Ngoài ra, tôi cũng mong lớp trẻ gìn giữ được nét đẹp trong trang phục truyền thống, những điệu múa Khmer… Đó là bản sắc quý không gì thay thế được".
Đón tết trong niềm tin và hy vọng
Tết Chôl Chnăm Thmây đối với người Khmer là điểm khởi đầu cho những hy vọng mới. Trước tết, dù đang lao động, sinh sống ở đâu, người Khmer đều trở về quê hương. Những khoảng sân rộng trở thành không gian để bà con tụ họp, gói bánh, làm lễ và vui chơi. Không khí ấy đã thể hiện sự gắn kết, biết trân trọng quá khứ và tin tưởng vào tương lai. Ông Lâm Bắc, già làng ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh nói: “Tôi luôn xem mình là người có trách nhiệm gìn giữ phong tục của người Khmer. Với vai trò là già làng, tôi chủ động tổ chức các buổi họp nhỏ để tuyên truyền, vận động bà con chuẩn bị tết thật chu đáo, có nề nếp, nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống. Tôi khuyến khích thanh niên mặc trang phục của dân tộc, học điệu múa truyền thống, tham gia lễ tắm Phật, lễ cúng tổ tiên. Có năm, tôi còn đứng ra hướng dẫn cả nhóm thanh niên tổ chức trò chơi dân gian để không khí thêm vui tươi. Tôi tin rằng, nếu những người lớn tuổi như tôi không hành động thì những giá trị văn hóa của dân tộc sẽ dần bị phai mờ theo thời gian. Tết cũng chính là dịp để truyền lửa truyền thống”.


Đồng bào Khmer múa hát mừng năm mới
Niềm tin ấy không chỉ là tin vào mưa thuận gió hòa hay mùa màng bội thu, mà còn tin vào tình người, vào sức mạnh của sự đoàn kết. Trong những lời chúc đầu năm, không ít người lớn tuổi gửi gắm hy vọng con cháu mình sẽ học hành thành đạt, sống tử tế và biết yêu thương. Với người trẻ, tết là cơ hội để họ báo hiếu và bắt đầu một năm đầy khát vọng. Bên cạnh đó, đồng bào Khmer cũng không ngừng đổi mới cách tổ chức tết phù hợp với đời sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Việc tổ chức các trò chơi dân gian, múa hát, lễ nghi trong chùa… giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa dân tộc mình, từ đó có ý thức bảo vệ và phát huy.
Tết Chôl Chnăm Thmây là niềm vui của sự sum vầy, mang nhiều hy vọng về một năm khởi sắc mới. Và sau tết, khi mỗi người trở lại guồng quay hối hả của cuộc sống, những giá trị ấy vẫn là mạch nguồn để năm sau, khi Chôl Chnăm Thmây lại về, đồng bào Khmer lại chia sẻ về sự thành công sau một năm chăm chỉ lao động, học tập và báo hiếu.