Gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Mường, Thái tỉnh Thanh Hóa
Theo thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, người Mường là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có số dân đông nhất, sinh sống tập trung ở các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Bá Thước...
Di sản văn hóa của đồng bào Mường kết tụ trí tuệ, tinh hoa và tâm hồn của cha ông trong trường kỳ lịch sử của dân tộc, đồng bào Mường cũng là một trong những cái nôi của những giá trị văn hóa phi vật thể. Trong kho tàng truyền thuyết, truyện cổ của đồng bào Mường tỉnh Thanh bắt gặp quả bầu - biểu tượng về nguồn gốc và sự ra đời của các dân tộc anh em; cây Thần - cây Si trong mo “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường cành ngả ra tới đâu thành bản, thành làng tới đó. Hệ thống các nhân vật khổng lồ như: Ông Thu Tha, bà Thu Thiên, mụ Dạ Dần... là những vị thần khổng lồ kiến tạo trời và đất sáng tạo ra muôn vật, dạy cách trồng trọt, truyền nghề, lập nên những chiến công và kỳ tích phi thường, đánh đuổi kẻ thù bảo vệ cuộc sống...
Truyện thơ với hệ thống các truyện: Nàng Nga - Hai Mối, Út Lót Hồ Liêu, Nàng Ờm chàng Bồng Hương, chuyện nàng Con Côi... đặc sắc, do dân gian sáng tạo, tích hợp, chọn lọc những truyện thơ của cả nước nhưng vẫn mang những nét riêng của truyện thơ Mường tỉnh Thanh. Những truyền thuyết, chuyện cổ về đồi Lai Ly, Lai Láng, nơi có cây chu đá, lá chu đồng, bông thau quả thiếc trên ngọn núi thiêng mường Ký, xã Kỳ Tân; núi Làn Ai soi bóng xuống dòng sông Mã có cây Bồ yêu năm rụng một lá thuộc xã Hạ Trung (Bá Thước); núi Cửa Hà với cây thuốc trường sinh cứu sống nhân gian... giúp mọi người hiểu biết, khám phá và tìm thấy những quan niệm và triết lý biện chứng về vũ trụ, nhân sinh, vòng đời, lễ tục, tín ngưỡng, phương thức sản xuất của những người tối cổ buổi hồng hoang lịch sử, để thả hồn mình theo trí tưởng tượng bay bổng mà hình dung và mường tượng về những con người và địa danh thời sơ sử in đậm trong hệ thống truyền thuyết, truyện cổ Mường tỉnh Thanh. Đối mặt với thiên nhiên và môi trường sống khắc nghiệt để tồn tại, qua quá trình lao động, trải nghiệm, đồng bào Mường đã đúc rút ra nhiều thành ngữ, tục ngữ có giá trị. Những tri thức đó đã được họ ghi nhớ và trao truyền cho các thế hệ: Lúa dưới nước, cá dưới nước/ Khéo làm có ăn, siêng nằm chết đói. Hay: Khách đến nhà đừng đánh chó/ Có bạn đến nhà chớ đánh con...
Về dân vũ, đồng bào Mường có múa Pồn Pôông, kết hợp giữa múa hát, diễn tấu cồng chiêng và cây hoa đủ sắc màu tượng trưng cho cây vũ trụ, cầu mong vạn vật sinh sôi, cuộc sống đủ đầy. Cùng với múa Pồn Pôông còn có múa Mụ Chầy, múa Khăn, múa Kiếm, múa Quạt... sôi nổi và duyên dáng, đó là cơ sở để hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu sau này. Đồng bào Mường từ bao đời nay đã sáng tạo và thực hành nhiều loại hình dân ca phong phú và đa sắc màu. Dòng Mã giang chảy qua những cánh rừng, làng bản chở theo những làn điệu dân ca say đắm lòng người. Với vốn văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc như hát xường, rang, bọ mẹng, hát séc bùa, hát ru, hát đúm, dân ca nghi lễ, dân ca hôn lễ, hát mo..., người Mường tự hào với: Xường Mường Trám/ Ngâm xuống nước đến tám mươi đời/ Khi vớt lên vẫn còn tươi nguyên giọng ấy/ Xường Mường Trám/ Không đem bán lấy lúa lấy tiền/ Ai vừa tình vừa duyên thì ta cùng hát.
Với nhiều loại hình: Hát giao duyên, hát đối đáp, hát ru... diễn tả tâm hồn của đồng bào Mường với nhiều cung bậc tình cảm tinh tế, thiết tha đằm thắm, ngợi ca con người, cuộc sống và cảnh vật thiên nhiên, đậm đà hương sắc. Tộc người Mường ở Thanh Hóa cho đến nay vẫn còn giữ được dấu ấn của văn hóa Đông Sơn qua ngôn ngữ, tín ngưỡng và đặc biệt với nghệ thuật thêu dệt hoa văn trên trang phục. Phụ nữ Mường giỏi trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi... Sau khi tìm ra các Mường và tìm được lửa, biết làm nhà ở, người Mường bắt đầu truyền dạy cho con cháu việc dệt vải, may quần áo. Ban đầu các hoạt động này diễn ra tự nhiên và thuần túy, nhưng dần dần được nâng tầm thành nghệ thuật múa mô phỏng đó là điệu múa “Trồng bông dệt vải”, toàn bộ quá trình từ trồng bông, hái bông, xe sợi, dệt vải đều được thể hiện qua các động tác múa khéo léo, nhịp nhàng, tái hiện chân thực công việc lao động của người Mường, điệu múa tái hiện lại cảnh người dân Mường mở mang bờ cỏi, cải tạo thiên nhiên, biết ơn các thần linh, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, cho bông nở đều, lúa đầy bồ, khoai sắn đầy sân, trai gái mạnh khỏe, bản làng yên vui. Âm nhạc dân gian của người Mường chứa đựng nhiều sắc thái tình cảm. Đặc biệt, trống đồng, cồng chiêng là loại hình âm nhạc có từ thuở Vua Hùng, in đậm trong tâm thức mỗi người dân, trong từng bản mường hướng về cội nguồn dân tộc. Ngoài ra, người Mường còn có đàn đỉnh, trống chiêng... với muôn thanh âm và cung bậc tình cảm phong phú, đặc sắc.
Đứng thứ hai sau đồng bào dân tộc Mường là đồng bào dân tộc Thái, người Thái có ngôn ngữ, chữ viết riêng. Căn cứ vào tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục tập quán và các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, người Thái Thanh Hóa phân thành hai nhóm rõ rệt. Một nhóm nằm ở phía Nam sông Chu, gắn với khối Tày Mường ở Nghệ An, có tên gọi lịch sử là Tày Dọ. Nhóm này tự danh là Thái trắng, nhưng đặc điểm ngôn ngữ, và văn hóa lại gần với Thái đen hơn. Nhóm thứ hai, sinh tụ tập trung trong vùng trung lưu sông Mã đến phía Bắc sông Chu, gắn với khối Thái tỉnh Sơn La, Hòa Bình và tỉnh Hủa Phăn (Lào). Nhóm này tự danh là Phú Tay; người Tày Dọ gọi họ là Tày Mưới; người Lào và người Thay Lam (Thái Lan) gọi nhóm này là Tày Đèng (Thái Đỏ). Cả hai nhóm Thái ở Thanh Hóa đều có chữ viết truyền thống từ lâu đời và được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quản lý hành chính. Nhưng, từ đầu thế kỷ XX, chữ người Tày Dọ ít được quan tâm truyền bá và sử dụng, đến nay không còn người biết thứ chữ viết này.
Chữ Thái là một kho tàng văn hóa dân tộc, là niềm tự hào của một dân tộc đã có trình độ văn minh. Chữ Thái cổ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử hàng nghìn năm. Nhưng đến thời điểm này, để đáp ứng với yêu cầu khoa học hiện đại thì bộ chữ Thái cổ còn có hạn là: Chữ viết tay, truyền dạy theo phương pháp dân gian, nên một số ký tự chữ cái có nét viết không thống nhất; dùng chữ cái phụ âm đầu để biểu thị dấu thanh, không đủ ký tự để phân biệt thanh điệu, phải dựa thêm vào văn cảnh để phân định âm tiết phát ra và nghĩa của từ; và do tiếng Thái không có các phụ âm tắc, phụ âm rung và phụ âm sát, nên khi có nhu cầu phiên âm tiếng dân tộc khác thì có một số trường hợp viết không chuẩn xác.
Chữ Thái Thanh Hóa là một loại chữ ghi âm, ghép vần, gồm 18 cặp phụ âm gọi là tô và 14 nguyên âm gọi là mai; nét chữ uốn cong, mềm mại như hình hoa lá; viết và đọc hàng ngang từ trái sang phải; có thể viết cách âm tiết hoặc viết liền thành dây; dùng chữ ghi phụ âm cao, phụ âm thấp để biểu hiện dấu thanh. Quy tắc đọc, viết và đa số các ký tự cơ bản gần giống chữ Thái trắng, Thái đen, chữ Lào. Tuy nhiên có một số ký tự nét chữ sai lệch nhau.
Điểm đặc biệt của chữ Thái Thanh Hóa là bám sát quy tắc tạo hình chữ cái. Các ký tự đóng vai trò phụ âm và nguyên âm (tô, mai) đều thể hiện hình ảnh cách điệu của sự vật, hiện tượng cùng tên thường gặp trong đời sống tự nhiên, xã hội người Thái. Sách chữ Thái Thanh Hóa và các nơi khác còn khác nhau bởi ngôn ngữ bản địa. Sách chữ Thái chứa đựng nhiều tri thức bản địa, giúp người đọc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, thế giới quan và nhân sinh quan của người Thái. Tuy nhiên, do nhiều biến cố lịch sử, đến nay, sách chữ Thái đã bị mất khá nhiều, việc dạy và học chữ Thái ở Thanh Hóa bị gián đoạn hơn nửa thế kỷ, số người biết đọc, biết viết còn quá ít so với trước đây và dân số hiện tại. Nguyện vọng của cán bộ và Nhân dân ở các địa phương có đông người Thái và những người thuộc dân tộc khác rất muốn được học và sử dụng chữ Thái.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng trên thực tế, công tác này vẫn còn không ít những khó khăn, bất cập. Điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương vùng này và của chính bản thân đồng bào trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vẫn còn hạn chế...
NNƯT Hà Nam Ninh - Bùi Hồng Nhi
Bài viết Sở VHTT&DL đặt hàng theo Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025”.