Gìn giữ, lan tỏa tinh hoa đúc trống đồng Đông Sơn

Trống đồng với nhiều họa tiết tinh xảo là đặc trưng tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn thuộc thời đại kim khí. Dấu tích đó vẫn được lưu giữ và phát huy tại làng nghề đúc đồng làng Chè - Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa).

Giữ nghề truyền thống

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm phát hiện đồ đồng cổ tại làng Đông Sơn ở ven bờ Sông Mã, Viện nghiên cứu ứng dụng Văn hóa truyền thống Việt Nam và nghệ nhân Lê Văn Dương, một trong 6 nghệ nhân cao niên của làng nghề đúc đồng và làm trống đồng Trà Đông đã tái hiện lại quy trình đúc trống đồng truyền thống với đường kính 1,18 mét, có họa tiết của trống đồng Quảng Xương.

“Trống đồng họa tiết Quảng Xương có họa tiết hoa văn cổ là những cảnh sinh hoạt của cư dân trồng lúa nước. Mẫu trống đồng Quảng Xương đang trưng bày tại bảo tàng Thanh Hóa”, nghệ nhân Lê Văn Dương chia sẻ.

Clip nghệ nhân Lê Văn Dương chia sẻ về kỹ thuật đúc trống đồng theo phương pháp truyền thống:

Ngoài 60 tuổi, nghệ nhân Lê Văn Dương có gần 50 năm tuổi nghề. Ông chia sẻ, vào những năm 80 của thế kỷ trước, làng nghề trở nên sa sút khi không có người đặt hàng. Nhiều người trong làng đã bỏ nghề. Kể từ đó, các lò đúc đồng trong xã bắt đầu lạnh ngắt than lửa.

“Ngày đó, tôi cũng có ý định chuyển sang nghề khác, nhưng vì đam mê với nghề truyền thống của gia đình nên tôi đã quyết tâm giữ nghề, bằng cách chuyển hướng làm lư hương, tượng đồng... Tôi đến với nghề làm trống đồng từ khoảng năm 1986 khi có người mang những trống đồng cổ bị hỏng đến nhờ phục hồi, chế tác lại. Đến những năm 1990, trước nhu cầu của xã hội về làm trống đồng trưng bày, tôi đã tìm hiểu lại kỹ thuật đúc đồng xưa của cha ông và đúc lại trống đồng theo mẫu đang được lưu giữ tại Bảo tàng Thanh Hóa”, nghệ nhân Lê Văn Dương chia sẻ.

Đốt lò nấu chảy đồng và một số hợp chất.

Đốt lò nấu chảy đồng và một số hợp chất.

Những năm gần đây, khách hàng yêu cầu đúc trống có âm thanh vang nên nghệ nhân Lê Văn Dương tìm tòi tư liệu, tham vấn các chuyên gia để tìm bí quyết đúc trống đồng xưa. Ngoài tỷ lệ pha chế đồng, yếu tố mang tới âm thanh vang còn liên quan đến độ dày của mặt trống và thành trống.

Chia sẻ về quy trình đúc trống đồng truyền thống, nghệ nhân Lê Văn Dương cho biết, trong đúc trống đồng, làm khuôn là khó nhất. Trống đồng do Viện nghiên cứu ứng dụng Văn hóa truyền thống Việt Nam đặt có đường kính 1,18 m thuộc dạng trống lớn, nặng 400 kg, thời gian làm khuôn mất gần 2 tháng. Những trống đồng nhỏ cỡ 12 cm làm khuôn cũng mất 2 tuần.

Nghệ nhân Lê Văn Dương (áo xanh) cùng con trai và thợ trong làng nghề đổ đồng nấu chảy vào khuôn.

Nghệ nhân Lê Văn Dương (áo xanh) cùng con trai và thợ trong làng nghề đổ đồng nấu chảy vào khuôn.

Đặc biệt, nguồn đất nặn khuôn là của làng Thiệu Trung, phảiđào đến độ sâu 8 mét. Đồng thời, họa tiết theo khuôn cũng phải vẽ tỷ mỷ, có hồn để có mặt và tang trống đẹp như xưa. Đó là những bản điêu khắc nổi với hình tượng chim Lạc và những vẩy rồng mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn. Các công đoạn này mất thời gian nhất trong quá trình đúc trống đồng”, nghệ nhân Lê Văn Dương chia sẻ.

Hiện nay, trong 4 người con của nghệ nhân Lê Văn Dương, chỉ có anh Lê Văn Tuấn là kế nghiệp cha theo nghề đúc trống đồng và làm đồ đồng. Sau thời gian đúc đồng theo theo phương thức thủ công truyền thống, đến nay, anh Tuấn thực hiện các công đoạn làm khuôn và vẽ họa tiết mặt trống. “Đây là công việc đòi hỏi sự tỷ mẩn, kiên trì và hiểu biết về văn hóa, lịch sử”, anh Lê Văn Tuấn bày tỏ.

Lan tỏa văn hóa trống đồng

Qua nhiều thăng trầm, nghệ thuật đúc đồng ở Trà Đông vẫn giữ những công đoạn thủ công, thực hiện theo phương thức cha truyền con nối. Khâu quan trọng nhất là tạo ra các hoa văn họa tiết tinh xảo, tỷ lệ hài hòa với kíchthước trống, giúp sản phẩm giữ được nguyên bản dáng vẻ thần thái của trống đồng Đông Sơn xưa.

Đơn đặt hàng đúc trống đồng thời gian gần đây nhiều hơn, giúp các cơ sở đúc đồng ở xã Thiệu Trung thường xuyên “đỏ lửa”.

Sau khoảng 5-6 tiếng, thợ bắt đầu dỡ khuôn.

Sau khoảng 5-6 tiếng, thợ bắt đầu dỡ khuôn.

Anh Lê Văn Tuấn cho biết: “Ngày nay, số người chơi trống đồng cũng nhiều hơn trước, tính bình quân, một tháng cơ sở của gia đình làm theo đơn đặt hàng hơn 20 trống đồng. Loại bé từ 12 cm đến loại cỡ lớn 2 m. Tuy nhiên, loại cỡ trung bình 36 cm được nhiều người đặt nhất bởi dễ trưng bày”.

Bên cạnh mẫu mã trưng bày, nhiều nơi cũng đặt hàng những trống đồng yêu cầu có tiếng vang theo các cung bậc khác nhau. Theo nghệ nhân Lê Văn Dương, khách hàng yêu cầu khi thỉnh lên, trống phải có tiếng rền vang, nhưng âm thanh phải ấm. Gõ vào các điểm gần tang trống phải hòa điệu như một bản nhạc núi rừng. Do đó, việc chỉnh âm trên mặt trống hết sức công phu.

Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa cho biết, nền văn hóa Đông Sơn được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào phát hiện ngẫu nhiên một nhóm đồ đồng cổ vào năm 1924 tại làng Đông Sơn ở ven bờ sông Mã (Thanh Hóa) có niên đại cách ngày nay 2.000 - 2.500 năm. Tại Bảo tàng Thanh Hóa lưu giữ ba bảo vật quốc gia đều đúc bằng đồng, trong đó có thanh kiếm hình người và trống đồng tượng vịt, có niên đại khoảng 2.000 năm và chiếc vạc đồng.

Lý giải về việc sử dụng trống đồng của người xưa, ông Trịnh Đình Dương cho biết: Những người quyền quý được Vua ban cai quản một vùng đặt trống đồng tại nơi ở như là biểu trưng quyền lực. Về văn hóa, trống đồng là nhạc khí trong các lễ hội và cũng được sử dụng làm trống trận.

Trống đồng sau khi hoàn thiện.

Trống đồng sau khi hoàn thiện.

“Về hình thức, họa tiết, các trống đồng đúc mới tại làng nghề Thiệu Trung cơ bản làm giống mẫu trống đồng xưa. Còn âm điệu đang được các cơ sở tiếp nhận để hoàn thiện. Quy trình tái hiện đúc trống đồng theo nghi thức truyền thống phục vụ công tác bảo tồn và phát triển du lịch đã được các cơ sở tại Thanh Hóa triển khai. Một số đoàn nghiên cứu của các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đến đây rất ngạc nhiên khi thấy người làng Thiệu Trung vẫn giữ được nghề truyền thống”, ông Trịnh Đình Dương chia sẻ.

Ông Lê Xuân Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, Hiệp hội có ý tưởng đề xuất với tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ hội trống đồng, tạo thành một thương hiệu và xây dựng thành một sản phẩm du lịch. Chúng tôi nhận thấy dùng mô hình trống đồng làm quà tặng lưu niệm rất có ý nghĩa, nhất là gắn với nền văn hóa Đông Sơn.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/gin-giu-lan-toa-tinh-hoa-duc-trong-dong-dong-son-20250117235211593.htm
Zalo