Gìn giữ giá trị văn hóa qua con phố cổ
Hà Nội 36 phố phường, cái tên đã định vị thương hiệu cho mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Hà Nội xưa và nay đi vào tiềm thức của nhiều người với những nét giản dị, mộc mạc nhất từ những cái tên như Hàng Mắm, Hàng Nón, Hàng Đường, Hàng Muối, Hàng Chiếu… Mỗi cái tên là đại diện cho mặt hàng chủ yếu được các tiểu thương trao đổi buôn bán.
Hà Nội trong tôi:
Phố cổ mang trong mình một nét rất riêng về đô thị, nơi phồn hoa đông đúc, lúc nào cũng tấp nập kẻ bán, người mua nhưng lại vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn đời xưa của Thăng Long. Mỗi con phố đều tập trung những người thợ từ các làng nghề có tiếng quanh kinh thành Thăng Long xưa, biến mỗi con phố nơi đây thành một làng nghề thu nhỏ giữa lòng Hà Nội.
Trải qua biết bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, 36 phố phường, có những con phố vẫn giữ nguyên tên gọi cũ, nhưng ngành nghề kinh doanh cũng đã ít nhiều đổi thay, cũng có rất nhiều con phố chuyển mình - đổi nghề. Trong đó, có một con phố rất đặc biệt, con phố gắn liền với nhiều câu chuyện văn hóa của người Hà Nội - phố Hàng Mã.
Nằm giữa lòng khu phố cổ Hà Nội, quanh năm buôn bán đồ lưu niệm, đồ trang trí. Mỗi một thời điểm trong năm, vào những dịp lễ, Tết như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và nhiều năm trở lại đây con phố nhộn nhịp hơn hẳn khi du nhập cả những lễ hội từ phương Tây như Giáng sinh, Haloween, phố Hàng Mã lại khoác lên mình những bộ quần áo mới rực rỡ sắc màu, càng lung linh hơn dưới ánh đèn phố xá.
Những chủ cửa hàng buôn bán ở đây kinh doanh từ rất lâu rồi, khách xa gần tới con phố này, có lẽ không chỉ đơn giản kiếm tìm cho mình những món đồ lưu niệm mà còn là nơi tìm thấy niềm vui, tìm về ký ức tuổi thơ. Bên cạnh những món đồ chơi, lưu niệm mang phong cách hiện đại, được du nhập từ nước ngoài thì những mặt hàng từ những nghệ nhân Việt Nam tự tay sản xuất luôn luôn có một chỗ đứng vững chãi và mang trong mình những giá trị văn hóa lớn lao.
Nhộn nhịp và ngóng trông nhất có lẽ là khi con phố này sáng đèn vào ngày Rằm tháng Tám hàng năm. Nào là đèn lồng ông sao, đèn kéo quân, đèn cá chép, mặt nạ giấy bồi, những chú tò he nhiều màu sắc… lung linh, huyền ảo. Dọc con phố như huyền diệu dưới ánh đèn đủ các màu lấp loáng và ngập tràn âm thanh vui nhộn tạo nên một bầu không khí nhộp nhịp, vui tươi. Không chỉ trẻ con mới mong ngóng đồ chơi, mà cả những người lớn cũng kiếm tìm không gian, ký ức tuổi thơ trong những dịp này.
Khi màn đêm buông xuống, cả con phố bừng sáng, lung linh bởi hàng ngàn ánh sáng từ những chiếc đèn trang trí. Thời điểm cuối năm, khi lễ Giáng sinh và Tết Nguyên đán đang tới rất gần, dòng người mỗi dịp cuối tuần lại đông hơn. Xuống phố, họ gần nhau hơn trong không khí lễ hội sôi động, ấm áp. Nhìn từ trên cao, cả con phố là một bức tranh rực rỡ sắc màu và hoài niệm.
Với tôi, phố Hàng Mã xưa nay không chỉ là nơi mua sắm mà còn là bảo tàng sống động về văn hóa Việt Nam và của người Hà Nội, nơi có thể tìm hiểu và cảm nhận rõ những nét tinh hoa của trong những ngày Tết cổ truyền. Giá trị thực sự ở con phố này, không chỉ là nơi trao đổi, mua bán, tìm lại và lưu giữ những món đồ chơi truyền thống mà còn là niềm vui, niềm háo hức, sự ngóng trông trước mỗi dịp lễ, Tết trong ánh mắt rạng rỡ của cả người lớn và trẻ em khi tìm lại chút hương vị tuổi thơ, những thời khắc vô tư giữa dòng chảy nhộn nhịp thời hiện đại, đó là những giá trị tinh thần không thể đong đếm.
Con phố Hàng Mã là hiện diện nét văn hóa, dòng chảy thời gian đậm chất truyền thống, mang theo niềm tự hào và tình yêu đối với những giá trị xưa cũ mà vẫn luôn tươi mới qua từng mùa lễ hội. Dạo bước trên con phố cổ này, ta không chỉ cảm nhận được sự náo nhiệt của những lễ hội truyền thống, mà còn thấy được sự gắn kết, sum vầy của tình thân, tình làng xóm và cả một niềm tự hào văn hóa kéo dài suốt bao thế hệ.