Gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Khởi nghĩa Trương Định

Ngày 16/8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học 'Dấu ấn lịch sử của Khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX'.

Tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang…, nguyên lãnh đạo cơ quan, đơn vị của tỉnh qua các thời kỳ.

Di tích Đền thờ Trương Định ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang).

Di tích Đền thờ Trương Định ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Gò Công, Anh hùng dân tộc Trương Định đã gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề, tạo được nhiều tiếng vang lớn. Dưới ngọn cờ “Bình Tây Đại nguyên soái”, ông động viên nhân dân đào hào, đắp lũy, bố trí trận địa, xây dựng chiến tuyến phòng giữ những nơi hiểm yếu, mặt Đông ra tận biển. Hơn 5 năm chiến đấu tính từ ngày thực dân Pháp xâm lược nước ta (tháng 2/1859) đến ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (ngày 20/8/1864) chưa phải là dài nhưng cuộc khởi nghĩa của ông đã ghi nhiều chiến công trong điều kiện lực lượng chênh lệch quá lớn giữa ta và địch. Uy danh của Trương Định và phong trào khởi nghĩa do ông lãnh đạo ở Gò Công lan rộng ra cả nước, xứng đáng là ngọn cờ đầu trong phong trào kháng Pháp ở Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX.

Tại hội thảo, các đại biểu đã có trình bày tham luận sâu sắc, phong phú, làm rõ hơn nội dung lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng như cuộc đời, sự nghiệp đấu tranh oanh liệt, kiên cường, bất khuất của Anh hùng dân tộc Trương Định.

Các nội dung tham luận đề cập đến nhiều nhóm chủ đề: Bối cảnh xã hội Việt Nam và Nam kỳ nửa đầu thế kỷ XIX tác động đến cuộc khởi nghĩa Trương Định; Những tư liệu mới, phát hiện mới về thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định cùng các nhân vật lịch sử liên quan đến khởi nghĩa Trương Định; Chiến lược, chiến thuật quân sự trong cuộc khởi nghĩa Trương Định; Phát huy tinh thần của cuộc Khởi nghĩa Trương Định trong thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang hiện nay và giai đoạn mới…

Những tham luận, đóng góp ý kiến tại hội thảo có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc, làm phong phú thêm tư liệu, tài liệu khoa học liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp Anh hùng dân tộc Trương Định cùng cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo. Hội thảo cũng cung cấp những luận cứ đáng tin cậy, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang, xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định: Tinh thần bất khuất, sự hy sinh oanh liệt của Anh hùng dân tộc Trương Định trở thành biểu tượng sáng ngời cho ngọn cờ đoàn kết, yêu nước của người dân Nam Bộ. Cuộc khởi nghĩa diễn ra cách đây 160 năm nhưng tên tuổi của ông được bao thế hệ sử gia trân trọng ghi chép vào sử sách, toàn bộ tiến trình cuộc khởi nghĩa luôn được lưu giữ trong ký ức của nhân dân. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử hào hùng của dân tộc, hướng đến phát triển du lịch Tiền Giang và Việt Nam, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Hội thảo là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết, diễn ra đúng dịp các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đó là: Mộ và Đền thờ Trương Định (thành phố Gò Công); Đền thờ Trương Định, Đám lá tối trời (xã Gia Thuận), Ao Dinh (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông); Lũy Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông).

Tin, ảnh: Hữu Chí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/gin-giu-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-lich-su-cua-khoi-nghia-truong-dinh-20240816132806162.htm
Zalo