Gieo niềm tin giữa vùng cát trắng

Giữa những đụn cát trắng ven biển miền Trung khắc nghiệt, nơi gió Lào thổi bỏng rát và mùa mưa thì ngập lụt triền miên, có một điểm sáng âm thầm nhưng bền bỉ tiếp sức cho người dân bám đất, giữ làng, đó là Đồn Biên phòng Lý Hòa, BĐBP Quảng Bình. Không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển, những người lính quân hàm xanh nơi đây còn là chỗ dựa đáng tin cậy, người bạn đồng hành thân thiết của nhân dân trên hành trình xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm chủ cuộc sống.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lý Hòa giới thiệu mô hình nuôi chim trĩ đỏ lấy trứng với các nhà báo. Ảnh: Phương Thùy

Cán bộ Đồn Biên phòng Lý Hòa giới thiệu mô hình nuôi chim trĩ đỏ lấy trứng với các nhà báo. Ảnh: Phương Thùy

Từ chủ trương đến hành động

Giữa cái nắng hanh hao và những đụn cát trải dài ở xã Đức Trạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, ít ai ngờ được nơi đây đang hình thành một hướng phát triển kinh tế mới, xanh, sạch và bền vững từ một loài chim quý mang tên... chim trĩ đỏ. Đặc biệt hơn, mô hình ấy không xuất phát từ một doanh nghiệp lớn hay viện nghiên cứu nào, mà từ chính tâm huyết của những người lính mang quân hàm xanh thuộc Đồn Biên phòng Lý Hòa.

Với quyết tâm "giúp dân từ những điều nhỏ nhất", đầu năm 2024, Đồn Biên phòng Lý Hòa đã mạnh dạn triển khai mô hình nuôi chim trĩ đỏ lấy trứng tại khuôn viên đơn vị. Ban đầu, 150 con chim giống được nhập về nuôi thử nghiệm trong chuồng trại đơn sơ được thiết kế phù hợp với khí hậu nóng ẩm, nhiều gió cát. Trung tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lý Hòa cho biết, với khu chuồng nuôi rộng khoảng 170m², ban đầu, đơn vị chỉ nuôi thử nghiệm 150 con chim trĩ đỏ giống (140 con mái và 10 con trống). Trứng chim trĩ đỏ là một sản phẩm giàu dinh dưỡng, ngày càng được thị trường ưa chuộng. Sau một thời gian chăm sóc kỹ lưỡng, đàn chim sinh trưởng ổn định, cho sản lượng trứng đều đặn.

Hiện nay, mỗi ngày đàn chim đẻ từ 30-50 quả trứng, với giá bán ổn định từ 10.000 - 12.000 đồng/quả. Ước tính, sản lượng đạt gần 17.000 quả mỗi năm cho thu nhập từ 150-170 triệu đồng/năm. Đây là một con số đầy hứa hẹn với vùng đất cát từng khát mô hình sinh kế hiệu quả. Với phương thức nuôi chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn sẵn có như thóc, cám, rau muống, chuối cây..., mô hình này giúp giảm thiểu chi phí đầu tư mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, việc xử lý nền chuồng bằng mùn cưa, trấu và đệm lót sinh học giúp duy trì vệ sinh, phòng bệnh hiệu quả cho đàn chim là một kinh nghiệm quý báu để người dân học hỏi và áp dụng. “Ban đầu, anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cũng lo, vì nuôi chim trĩ không phổ biến ở Quảng Bình. Nhưng sau một thời gian theo dõi, đàn chim phát triển rất tốt, đẻ đều, chất lượng trứng đảm bảo. Quan trọng hơn là nó có thể nhân rộng cho bà con trong vùng” - Trung tá Ninh bộc bạch thêm.

Không chỉ là mô hình kinh tế đơn thuần, đây còn là bước thử nghiệm thành công giúp nhân rộng trong cộng đồng, mang lại hướng sinh kế bền vững cho người dân vùng biển. Ngay sau khi thực nghiệm mô hình thành công, Đồn Biên phòng Lý Hòa đã chủ động mời bà con đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu phát triển mô hình nuôi chim trĩ, nhất là các hộ nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn.

Đồng hành, sẻ chia với nhân dân

Trên chặng đường phát triển quê hương, mỗi bước đi của người dân vùng biển Quảng Bình hôm nay đều in dấu chân lặng thầm của những người lính Biên phòng. Với mô hình kinh tế sáng tạo, những việc làm nghĩa tình và tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện, Đồn Biên phòng Lý Hòa đã và đang góp phần làm nên “thế trận lòng dân” vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.

Nhiều hộ gia đình xã Đức Trạch đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi chim trĩ đỏ lấy trứng. Ảnh: Phương Thùy

Nhiều hộ gia đình xã Đức Trạch đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi chim trĩ đỏ lấy trứng. Ảnh: Phương Thùy

Từ một ý tưởng nhỏ được ấp ủ giữa vùng đất cát ven biển xã Đức Trạch, mô hình nuôi chim trĩ đỏ lấy trứng của Đồn Biên phòng Lý Hòa đã mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng cho phát triển nông nghiệp sạch, hiệu quả và thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt giữa vùng cát trắng. Bà Nguyễn Thị Hoa, trú tại thôn Đức Trung, xã Đức Trạch là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn làm theo mô hình nuôi chim trĩ đỏ lấy trứng do Đồn Biên phòng Lý Hòa chuyển giao công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ nuôi gà, vịt mà dịch bệnh hoài, lời lãi chẳng được bao nhiêu. Thấy mấy chú bộ đội của Đồn Biên phòng Lý Hòa nuôi chim trĩ được quá, tôi xin làm theo. Nuôi sạch, ít bệnh, trứng lại bán được giá. Một tuần nay, mỗi ngày đàn chim gần 50 con của gia đình tôi đã cho thu nhập mấy chục trứng mà thương lái tới hỏi mua luôn”. Tương tự như hộ gia đình bà Hoa, ông Lê Văn Thái, một ngư dân nay đã chuyển sang nghề phụ chăn nuôi, bày tỏ: “Dân vùng biển này cực quen rồi. Nhưng nhờ mấy chú Biên phòng, giờ mình đã biết cách làm ăn bài bản, kỹ thuật đàng hoàng. Mấy chú không chỉ dạy cho tôi cách nuôi chim, mà còn chỉ cả cách xử lý chuồng, vệ sinh, phòng bệnh. Mấy chú là bộ đội mà như các kỹ sư nông nghiệp vậy!”.

Mô hình nuôi chim trĩ chỉ là một phần trong chuỗi hoạt động an sinh, phát triển kinh tế cộng đồng mà Đồn Biên phòng Lý Hòa thực hiện trong nhiều năm qua. Với phương châm “ba bám, bốn cùng”, cán bộ. chiến sĩ bám sát địa bàn, cùng dân phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và giữ gìn an ninh. Đặc biệt, trong mỗi mùa mưa bão, chính những người lính ấy là người đến trước, rời đi sau để giúp dân kê lại mái nhà, sửa lại thuyền bè. Trong những dịp lễ, Tết, Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” trao hàng trăm suất quà, giúp hàng chục hộ nghèo có thêm động lực bám biển, vươn lên.

Đặc biệt, trong bối cảnh mới, khi nông thôn ven biển đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu và bài toán sinh kế, thì những mô hình như nuôi chim trĩ lấy trứng không chỉ là giải pháp kinh tế, mà còn là minh chứng cho sự đồng hành, sáng tạo và sẻ chia của những người lính mang quân hàm xanh với nhân dân. Đó cũng chính là biểu tượng đẹp của tình quân dân gắn bó keo sơn, đó là một truyền thống quý báu cần tiếp tục gìn giữ và phát huy. “Chúng tôi xác định, bảo vệ biên giới không chỉ là tuần tra canh gác, mà còn phải bảo vệ cuộc sống nhân dân. Khi dân no, dân ấm, thì lòng dân sẽ là “lá chắn thép” giữ vững chủ quyền biển đảo”- Chính trị viên phó Phạm Xuân Ninh cho biết thêm.

Giữa trùng trùng sóng gió và cát trắng khô cằn, người dân Đức Trạch nay đã có thêm niềm tin, hy vọng vào sự đổi thay của cuộc sống. Từ những quả trứng chim trĩ nhỏ bé, từ những bàn tay áo lính kiên trì, cần mẫn sẽ gặt hái thêm nhiều quả ngọt để vùng cát trắng hồi sinh mạnh mẽ.

Phương Thùy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gieo-niem-tin-giua-vung-cat-trang-post490446.html
Zalo