Gieo mầm văn hóa truyền thống trong từng thế hệ học sinh
BHG - Thời gian qua, các trường học ở huyện Đồng Văn đã có nhiều sáng tạo trong lồng ghép văn hóa truyền thống (VHTT) vào chương trình giảng dạy. Những tiết học không chỉ mang lại kiến thức mà còn góp phần nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc thấm sâu vào mỗi học sinh. Nỗ lực này đã tạo nên sức hút cho các em khi đến trường, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.
Sáng thứ Tư, chúng tôi có mặt tại ngôi trường nằm sâu giữa bao la núi đá tai mèo. Giữa sân trường khang trang, sạch đẹp, gần 500 học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sính Lủng, xã Sính Lủng (Đồng Văn) đang mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình tập bài thể dục giữa giờ. Kết thúc bài thể dục, từng nhóm học sinh tập trung theo từng khu vực riêng để học thổi sáo, múa khèn. Có nhóm được nghệ nhân tỉ mỉ hướng dẫn kỹ thuật đan lát của người Cờ Lao. Trên gương mặt mỗi em đều hiện rõ sự hào hứng, vui vẻ.
Em Nguyễn Quỳnh Hương, học sinh lớp 8C chia sẻ: “Em là một người con của đồng bào dân tộc Tày. Khi học tập tại trường, em không chỉ được học về VHTT của đồng bào mình mà còn có cơ hội được tìm hiểu về văn hóa của người Cờ Lao, người Mông. Nhờ đó em biết được những người bạn của em hát, múa các giai điệu dân ca rất hay, nhiều bạn lại vô cùng khéo léo… Điều này làm cho em cảm thấy thêm yêu quý và trân trọng giá trị văn hóa của mỗi dân tộc”.
Trao đổi với thầy giáo Nguyễn Viết Lâm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sính Lủng, được biết: Trên 90% học sinh trong trường là con em dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là dân tộc Mông và Cờ Lao. Nhà trường đã thực hiện đưa VHTT vào giảng dạy thông qua việc thành lập các Câu lạc bộ (CLB) ngay từ đầu năm học như: CLB Văn hóa truyền thống; CLB đan lát; CLB thể dục thể thao và trò chơi dân gian. Hàng năm, mời các nghệ nhân trên địa bàn đến truyền dạy được 32 buổi cho trên 1.300 học sinh về các giai điệu dân ca Mông, Cờ Lao, múa khèn; mời nghệ nhân truyền dạy đan lát được 35 buổi với 700 lượt học sinh tham gia; giáo viên trong trường hướng dẫn học sinh thực hiện các trò chơi dân gian được 35 buổi với 1.500 lượt học sinh tham gia. Bên cạnh đó, nhà trường cũng duy trì các hoạt động như: Tổ chức mặc trang phục truyền thống ngày thứ Hai, thứ Tư hàng tuần; tuyên truyền bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh cho các em với hơn 1.400 học sinh tham gia. Trường luôn tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm giá trị VHTT của các dân tộc. Không chỉ là hoạt động trải nghiệm, mà còn giúp khuyến khích học sinh gần hơn với VHTT, thôi thúc các em say mê tìm hiểu, khám phá những nét độc đáo, đặc sắc trong văn hóa của dân tộc mình.
Được biết, hiện tại tất cả các trường học trên địa bàn huyện Đồng Văn đã duy trì mặc trang phục dân tộc vào thứ Hai, thứ Tư hàng tuần. Căn cứ vào tình hình thực tế tại các địa phương để mời nghệ nhân dân gian truyền dạy các nghề truyền thống như: Đan lát, thêu thùa, làm khèn, dạy hát, múa... Đặc biệt, các trường đều có góc văn hóa truyền thống, cũng là nơi để các em học sinh giao lưu, thể hiện năng khiếu của mình.
Đồng chí Hà Đình Phong, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Thời gian qua, ngành Giáo dục huyện đã đạt được kết quả tích cực từ hoạt động đưa VHTT vào trường học. Có thể thấy, đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, cần nhân rộng. Tuy nhiên, thời gian tới, để hoạt động này ngày càng trở nên hấp dẫn, hiệu quả, có sức lan tỏa, phòng đã chỉ đạo các trường học lựa chọn nội dung phù hợp với lứa tuổi, tăng thời gian giảng dạy và thay đổi phương pháp để tạo sự hấp dẫn cho học sinh khi tham gia. Trong đó, ưu tiên truyền dạy các loại hình VHTT của các dân tộc đang có nguy cơ mai một của đồng bào DTTS rất ít người trên địa bàn như Cờ Lao, Pu Péo, Lô Lô. Đặc biệt chú trọng việc tổ chức cho học sinh giao lưu, học hỏi giữa các trường với nhau. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử, nghề truyền thống, trải nghiệm các hoạt động tại lễ hội truyền thống để các em cảm nhận rõ ràng, sâu sắc hơn về giá trị VHTT.
Có thể khẳng định, tại một huyện vùng cao như Đồng Văn với trên 90% người dân là đồng bào DTTS, có bề dày văn hóa lâu đời. Việc đưa VHTT vào giảng dạy tại trường học sẽ tiếp tục bồi đắp cho học sinh thêm nhiều kiến thức văn hóa để thế hệ trẻ ngày một trân trọng, giữ gìn và lan tỏa các giá trị tốt đẹp, xây dựng nền văn hóa đậm đà, bản sắc.