Gieo mầm văn hóa đọc

Thời gian qua nhiều hoạt động về sách như: Ngày đọc sách, Đường sách, Phố sách, các giải thưởng sách đã diễn ra. Mới đây nhất, giải thưởng 'Gia đình đọc sách - Phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương' đã góp phần phát triển văn hóa đọc và tôn vinh sách. Tuy vậy, để khơi dậy tình yêu đối với sách trong giới trẻ thì vẫn cần bền bỉ gieo mầm...

“Góc đọc cuối tuần” trở thành điểm hẹn của thanh thiếu nhi. Ảnh: P.Hà.

“Góc đọc cuối tuần” trở thành điểm hẹn của thanh thiếu nhi. Ảnh: P.Hà.

Nỗ lực đưa giới trẻ đến gần với sách

Sở Văn hóa - Thể Thao Hà Nội vừa trao thưởng Cuộc thi “Gia đình đọc sách - Phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương”. Sự kiện cho thấy nhiều gia đình đã chia sẻ tốt về việc định hướng cho con phương pháp đọc sách, lựa chọn sách phù hợp, hiệu quả, biết ứng dụng việc đọc sách vào cuộc sống. Đặc biệt sự tham gia của các thế hệ trong gia đình thể hiện văn hóa đọc là nét đẹp mang tính truyền thống.

Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh cho biết, cuộc thi nhằm xây dựng và hình thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, giới thiệu mô hình tủ sách gia đình, khuyến khích tham gia xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, nhằm duy trì bền vững thói quen đọc sách, ham đọc sách, coi trọng tri thức, kích thích tinh thần tự đọc, tự học trong mỗi gia đình. Cùng với đó vận động và phát động phong trào tạo lập tủ sách gia đình, biểu dương và tôn vinh, ghi nhận các gia đình, dòng họ và cá nhân điển hình, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo.

Nỗ lực đưa giới trẻ đến gần hơn với sách, 1 năm qua chuỗi sự kiện “Góc đọc cuối tuần” của Nhà xuất bản Kim Đồng (55 Quang Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã trở thành điểm hẹn bổ ích cho thiếu nhi. Đội ngũ tổ chức góc đọc cũng có sự phân chia hợp lý về chủ đề, khuyến khích các em cùng cha mẹ tham gia. Tại nhiều chương trình, độc giả trẻ được trực tiếp đối thoại với tác giả tạo nên sức cuốn hút, tương tác rất hiệu quả.

Góp phần phát triển văn hóa đọc, không thể không nhắc tới TS Nguyễn Thụy Anh - người sáng lập và chủ nhiệm câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, gần 14 năm qua chị đã hỗ trợ phát triển văn hóa đọc gia đình, tạo cảm xúc và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên thông qua phương pháp đọc - kể tương tác. “Tôi kỳ vọng thông qua câu chuyện đọc sách sẽ giữ gìn, làm bền chặt hơn sợi dây kết nối về cảm xúc trong các gia đình, trong mỗi con người để có sự chia sẻ và đồng hành. Chính vì thế, tên của câu lạc bộ không chỉ là đọc sách mà là Đọc sách cùng con” - TS Thụy Anh nói.

Làm gì để hình thành thói quen đọc sách?

Từ góc độ nhà quản lý, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa có quyết định về kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông phát triển văn hóa đọc năm 2024, nhằm nâng cao nhận thức tầm quan trọng của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, hướng tới khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là cần làm gì để hình thành thói quen luôn mang theo sách của giới trẻ. Nhìn ra các quốc gia khác như: Pháp, Đức, Nhật Bản… mới biết người ta đọc sách ngay trên tàu điện ngầm, xe buýt, sân bay, ghế đá công viên, khuôn viên bảo tàng, quán cà phê, trong khi giới trẻ ở ta phần đông chỉ chăm chú vào màn hình điện thoại.

Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc thì các bạn trẻ hãy như các quốc gia phát triển hơn với hành động luôn mang sách theo bên mình. Dành tất cả thời gian có thể để đọc sách sẽ tăng thêm hiệu quả cuộc sống và hàm lượng văn hóa, khoa học, điều đó tạo thành thói quen, từ thói quen tạo nên giá trị.

Cũng cần nhìn lại thực trạng số lượng sách trên đầu người của Việt Nam là tương đối thấp, thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng ta hiện chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Còn thống kê mới nhất của Hội Xuất bản cho thấy, hiện nay sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường. Nếu để riêng sách giáo khoa và sách tham khảo, số còn lại chia đều trên số dân thì người đọc sách được khoảng 1,2 cuốn/người/năm. Trong khi đó ở Malaysia, trung bình người dân nước này đọc 10 cuốn/năm; Singapore là 14 cuốn/năm; người Nhật, Pháp, Israel là 20 cuốn/năm.

Ở một khía cạnh khác, trong thời đại công nghệ thông tin, sách điện tử là một lựa chọn được rất nhiều độc giả quan tâm. Đánh giá về vai trò của sách điện tử trong sự lan tỏa văn hóa đọc, Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Nguyên nhận định: Sách điện tử là một xu hướng không thể đảo ngược. Thời gian qua, thể loại sách này phát triển khá mạnh tại Việt Nam, số lượng các đơn vị xuất bản điện tử trong một vài năm đã tăng lên 6 - 7 lần, hiện đã có 30% nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử, số đầu sách cũng chiếm khoảng trên 10%.

Vậy vì sao văn hóa đọc mai một, giới trẻ thiếu mặn mà với sách? Nhà văn Võ Thị Xuân Hà lý giải: Ở nước ta, có một thời kỳ văn hóa đọc đã phát triển mạnh mẽ, nhưng sau đổi mới, mở cửa, chúng ta quá chú trọng kinh tế mà không chú trọng văn hóa, trong đó, văn hóa đọc đóng một vai trò quan trọng. Và văn hóa đọc bị đứt đoạn. Tuy vậy, tinh thần khai sáng của sách là điều không chối cãi, dù muộn, chúng ta vẫn cần bền bỉ gieo mầm để các thế hệ con em chúng ta coi trọng văn hóa đọc hơn nữa.

Có ý kiến cho rằng, giới trẻ hững hờ với việc đọc sách là do thị trường chưa có nhiều cuốn sách đủ hay, đủ hấp dẫn độc giả, giá sách còn khá cao. Do đó, một thị trường sách phong phú, chất lượng, giá cả phù hợp sẽ là động lực đưa độc giả trẻ đến với sách.

Hà Thành

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gieo-mam-van-hoa-doc-10292460.html
Zalo