Gieo hạt, gặt xuân: Xuân về qua đôi mắt em

Cô trò nhỏ ngày nào giờ đã là một thiếu nữ.

Minh họa: Vietpink

Minh họa: Vietpink

Đôi giày cũ tôi tặng đã đồng hành cùng em suốt những năm tháng học trò, từng bước trên những con đường đất đỏ, những con phố đông đúc, và không ít lần đã giẫm lên những con đường mơ mộng trong kí ức.

Dải đất miền Trung nơi gió Lào cát trắng, tháng Chín mùa sim nở muộn tím một góc trời, tôi nhận quyết định về công tác tại Trường THPT Nghi Lộc 2. Trường nằm giữa ngôi làng nhỏ bên dòng Khe Lở, uốn mình dưới chân dãy Đại Bàng xanh, nơi khởi nguồn của dải Trường Sơn hùng vĩ, với những hàng cây xanh mát và không gian yên bình. Giáo viên mới ra trường còn rất nhiều bỡ ngỡ, nhưng điều khiến tôi cảm thấy đặc biệt là niềm tin mãnh liệt vào sự thay đổi mà giáo dục có thể mang lại.

Năm đầu về nhận lớp, tôi được phân công giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm lớp 10A3. Lớp học gần 40 em. Thư dáng người nhỏ thó, mảnh khảnh, mắt em không nhìn thấy gì như bao bạn khác. Em sống trong một thế giới im lặng, nhưng gương mặt em luôn ánh lên một sự tò mò, khát khao học hỏi. Lên 4 tuổi, căn bệnh sởi quái ác đã cướp đi nguồn sáng thiêng liêng nhất của cuộc đời. Từ ấy, Thư sống âm thầm trong bóng tối, tưởng chừng như vô vọng trước số phận. Với em, lớp học không phấn trắng, bảng đen…

Tôi ngồi cạnh, nắm lấy tay em, kiên nhẫn giúp em cảm nhận các con chữ trên từng trang giấy. Mỗi lần em lướt tay qua một chữ cái, tôi lại nhìn thấy trong ánh mắt em sự hân hoan, niềm vui như một đứa trẻ lần đầu tiên nhận ra thế giới xung quanh.

Thư lớn lên trên miền quê nghèo như bao bạn bè cùng trang lứa. Bệnh tật khiến con trở thành “gánh nặng” của cả nhà. “Bố mẹ chia tay khi em mới năm tuổi. Mẹ nuôi em một mình từ đó”, trầm buồn, Thư ngước cặp mắt mờ tối nhìn ra ngoài cửa sổ. “Bố bỏ đi thật xa, chẳng bao giờ về, mẹ thì lúc nào cũng vất vả. Mẹ lao động phổ thông, ai thuê gì làm nấy. Có lúc em thấy mẹ làm công việc lau dọn cho nhà người ta, có lúc lại đi bán hàng ngoài chợ”.

Tôi im lặng, cảm nhận được nét u buồn vương trên gương mặt ấy.

“Mới tháng trước thôi, mẹ bị tai nạn giao thông gãy cả hai chân không thể đi lại được. Em là người duy nhất ở bên cạnh mẹ lúc đó. Không có ai giúp đỡ, nội ngoại chẳng có ai để nương tựa. Hằng ngày, em tự tay chăm sóc mẹ, lo cơm nước, giặt giũ, làm tất công việc nhà. Em thấy mình như muốn gục ngã, nhưng nghĩ đến mẹ, nghĩ đến những ngày qua mẹ đã vất vả vì em”.

Thư ngừng lại một lúc, như để vơi đi nỗi buồn trong lòng. Tôi nhìn cô bé mà lòng rưng rưng. Chợt ùa về trong tôi là những lần bắt gặp em chỉ mang dép đến lớp giữa ngày Đông lạnh buốt mà tự trách mình còn vô tâm. “Thư, thầy sẽ giúp em, cùng em chăm sóc mẹ”, nói với em đấy nhưng thực ra tôi tự nhủ với mình.

Cô bé mỉm cười yếu ớt, như thể cảm nhận được sự chân thành trong lời tôi nói, đáp lời: “Em cảm ơn. Thật sự em rất cần người hiểu và sẻ chia. Nhưng em sợ làm phiền thầy ạ”.

Tôi quyết định đưa Thư về nhà mình. Cảm giác của tôi lúc ấy là muốn làm điều gì đó để san sẻ nỗi lo toan của cô học trò bé bỏng. Khi bước vào ngôi nhà ấm cúng của tôi, Thư trông có vẻ yên tâm hơn cất tiếng cười chan hòa.

Chiều Đông buốt giá sau giờ học, tôi gọi Thư lại gần và đưa cho em một món quà. Đó là đôi giày vải còn mới nguyên xanh màu cỏ úa. Thư ngạc nhiên hỏi:

“Thầy sao thầy lại tặng em giày?”.

Tôi mỉm cười: “Vạn sự khởi đầu nan, hãy vững tin trên đôi chân của mình. Thầy nghĩ em cần một đôi giày mới để tiếp tục vững bước trên hành trình vạn dặm”.

 Thầy Nguyễn Minh Hiếu (người đội mũ sinh nhật) và học trò. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Minh Hiếu (người đội mũ sinh nhật) và học trò. Ảnh: NVCC

Mỗi ngày, Thư đều phải đi bộ đến trường và con đường đó không hề đơn giản. Mọi thứ xung quanh đều là một thế giới mờ ảo, không có hình thù rõ ràng. Thế nhưng, Thư chưa bao giờ cảm thấy cô đơn, vì đã có thầy luôn là người bạn đồng hành, giúp đỡ vượt qua mọi thử thách.

Chặng đường đến trường dài như vô tận với người khiếm thị, Thư chỉ nghe tiếng thầy: “Cố lên em, phía trước là bầu trời”. Những lời động viên của thầy như những tia sáng soi đường cho Thư trong thế giới đầy bóng tối của mình.

Bằng sự nỗ lực, kiên trì, phấn đấu không ngừng nghỉ, Thư đạt kết quả tốt nghiệp cao. Trở về địa phương học hòa nhập cộng đồng, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng em dần thích nghi với môi trường học của những người mắt sáng.

Sau ngày tốt nghiệp, sân trường trở nên hoang vắng và tĩnh lặng. Bầu trời xanh ngắt, ánh nắng mặt trời len lỏi qua những tán cây già, tạo những đốm sáng vàng nhẹ. Những chiếc lá úa vàng, cỗi cằn rải rác khắp sân trường, như cảm nhận sự cô đơn hiện diện khắp nơi. Chỉ có một vài bông hoa mười giờ còn chờ đợi.

Thư nắm tay tôi thủ thỉ:

- Thầy ơi, em có thể làm được mọi thứ phải không ạ?

Tôi mỉm cười, vỗ nhẹ vào vai em:

- Em sẽ làm được, Thư ạ. Em có thể làm được tất cả những gì em muốn, miễn là em có niềm tin và sự cố gắng.

Kể từ ngày đó, mỗi khi bước vào lớp học, tôi lại thấy ánh sáng trong đôi mắt em. Những nỗ lực của em đã giúp tôi hiểu rằng, dù cho hoàn cảnh có như thế nào, giáo dục vẫn là chìa khóa mở ra những cánh cửa, dẫn dắt các em đến với một tương lai tươi sáng.

Gió lạnh vẫn thổi qua, nhưng lòng tôi lại ấm áp lạ thường. Những kỷ niệm ấy như những mảnh lá vàng rơi xuống, tuy mỏng manh nhưng đầy ý nghĩa, khắc ghi trong tâm hồn. Và cái vĩ đại nhất đôi khi là cái đời thường nhất. Hạnh phúc giản dị lắm, cho đi để nhận lại, đâu chỉ giữ cho riêng mình.

***

Ngôi nhà nhỏ ven sông, vợ chồng Thư có căn nhà giản dị. Họ không nhìn thấy ánh sáng, không thể thấy được khuôn mặt của nhau, nhưng tình yêu giữa họ lại sáng ngời như những vì sao trong đêm tối.

Cuộc sống của họ không dễ dàng. Mỗi sáng, họ đi làm với chiếc gậy dẫn đường. Lắng nghe tiếng sóng vỗ, kể cho nhau nghe những câu chuyện về những gì đã cảm nhận trong ngày, về những tiếng động, về mùi hương của hoa cỏ và về cảm giác của làn gió thoảng qua.

Xuân đã về tràn đầy hy vọng, những cơn gió Xuân nhẹ nhàng thổi qua tràn đầy sức sống mang đến cảm giác tươi mới cho cả vạn vật. Đối với người khiếm thị, mùa Xuân không còn là những cánh hoa rực rỡ, những con đường phủ đầy lá xanh, hay bầu trời trong vắt sáng lên từng tia nắng mới; mà là cảm giác từ bàn tay và trái tim.

Đôi tay cảm nhận được sự ấm áp của ánh nắng tỏa xuống mặt đất, hay cái mơn man của gió nhẹ vờn qua làn da. Họ có thể nghe thấy tiếng chim hót líu lo trên cành cây, tiếng bước chân rộn ràng của những người qua lại, và cả tiếng xào xạc của những chiếc lá khẽ rung trong gió.

Với họ, Xuân đến từ những điều giản dị, tinh tế nhưng vô cùng sâu sắc. Đó là mùa của sự mở rộng trái tim, của việc tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ bé.

Như bao đêm nào, đêm nay Thư lại gọi điện cho tôi, và cũng chỉ mở đầu bằng câu nói quen thuộc: “Thầy ơi…!”.

Nguyễn Minh Hiếu (Giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 2, Nghi Lộc, Nghi Mỹ, Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gieo-hat-gat-xuan-xuan-ve-qua-doi-mat-em-post717036.html
Zalo