Gieo chữ, xóa 'rào cản' ngôn ngữ ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Quân khu 4) đã tổ chức các lớp dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mông cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN). Sau một thời gian triển khai, lớp học đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Giữa không gian yên tĩnh của núi rừng huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), lớp học dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mông diễn ra trong không khí sôi nổi. Tại lớp học, các học viên là cán bộ, nhân viên, TTTTN chưa biết tiếng Mông được các “thầy giáo”, “cô giáo” kiêm nhiệm của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (KTQP) dạy tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc Mông. Những hiểu biết cơ bản về phong tục tập quán và văn hóa của đồng bào Mông cũng được truyền tải qua những bài giảng sinh động.

 Lớp học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mông do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 tổ chức.

Lớp học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mông do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 tổ chức.

Đánh vần theo từng con chữ do “thầy giáo” - Thiếu tá Lầu Bá Dênh, Phó đội trưởng Đội Sản xuất số 5 hướng dẫn, Trung tá Nguyễn Văn Mại, Trợ lý Dân vận - Bảo vệ chia sẻ: “Trước đây, khi chúng tôi tiếp xúc với bà con người Mông thì rào cản ngôn ngữ là một khó khăn không nhỏ. Nhiều khi muốn truyền đạt thông tin, vận động bà con thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, tôi phải nhờ đến người phiên dịch, vừa mất thời gian, vừa không thể truyền tải hết ý. Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi đã có thể giao tiếp những câu cơ bản. Điều này giúp tôi tự tin hơn rất nhiều trong công việc, dễ dàng gần gũi, chia sẻ và tạo được sự tin tưởng từ người dân”.

Theo dõi lớp học chúng tôi thấy, lớp học được tổ chức bài bản theo chương trình 18 bài dạy học tiếng đồng bào Mông của Bộ đội Biên phòng, với sự tham gia nhiệt tình của 40 học viên là cán bộ, nhân viên, TTTTN trực tiếp làm công tác dân vận tại các địa bàn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Cũng như các học viên khác, với TTTTN Vi Văn Tuấn, người dân tộc Thái, ngày mới về Đoàn KTQP 4 công tác, Tuấn cũng gặp rất nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ. Giờ đây, sau khóa học, Tuấn đã có thể tự tin giao tiếp với đồng bào. “Khi mới về Đoàn công tác, tôi cảm thấy khá “lạc lõng” vì không hiểu tiếng của bà con. Giờ đây, tôi có thể trò chuyện với các em nhỏ, các cụ già, tham gia vào các hoạt động của thôn, bản. Lớp học không những giúp tôi biết tiếng nói, chữ viết của bà con, mà còn hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, đời sống của họ, từ đó có thể hỗ trợ, giúp đỡ họ một cách thiết thực hơn” - Vi Văn Tuấn bộc bạch.

Nhờ biết tiếng đồng bào đã giúp cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 thuận lợi trong công tác dân vận.

Nhờ biết tiếng đồng bào đã giúp cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 thuận lợi trong công tác dân vận.

Kỳ Sơn và Quế Phong là hai huyện biên giới miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ đồng bào Mông, mà người dân trong huyện vẫn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách trợ cấp của Nhà nước. Cùng với đó, rào cản ngôn ngữ và văn hóa đã gây trở ngại trong việc triển khai các chính sách, tuyên truyền, vận động người dân. Đây cũng là lực cản không nhỏ đối với công cuộc phát triển đi lên của huyện.

Trước tình hình đó, từ năm 2023 đến nay, cùng với việc mở các lớp dạy tiếng Kinh cho đồng bào, Đoàn KTQP 4 đã mở 3 lớp học tiếng dân tộc thiểu số với hàng trăm lượt người tham gia. Việc trang bị “chìa khóa” ngôn ngữ và văn hóa cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và TTTTN là hoạt động thiết thực, hành động ý nghĩa, thể hiện sự tôn trọng, sẻ chia và đồng hành của lực lượng vũ trang với đồng bào các dân tộc thiểu số, vun đắp thêm tình quân dân thắm thiết nơi biên cương của Tổ quốc.

Thượng tá Lương Hải Kiên, Phó chính ủy Đoàn KTQP 4 nhấn mạnh: “Việc trang bị kiến thức về tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là tiếng Mông cho cán bộ, nhân viên và TTTTN được Đoàn triển khai từ nhiều năm nay. Lớp học không chỉ giúp cán bộ, nhân viên, TTTTN có thể hiểu về phong tục, tập quán của người dân địa phương, mà còn có thể giao tiếp, trao đổi thông tin với đồng bào dân tộc Mông, xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, tạo sự gần gũi, tin tưởng, nhờ đó công tác dân vận đạt hiệu quả tốt hơn”.

Thành công của lớp học tiếng Mông tại Đoàn KTQP 4 không chỉ là câu chuyện về những con chữ, tiếng nói của đồng bào, mà còn là minh chứng cho sự chân thành, trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ đối với nhân dân. Đây là “chìa khóa” vàng để mở cánh cửa lòng tin, xây dựng mối quan hệ quân dân gắn bó keo sơn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: HOÀNG THÁI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/gieo-chu-xoa-rao-can-ngon-ngu-o-doan-kinh-te-quoc-phong-4-827589
Zalo