'Gieo chữ' ở vùng cao Chiềng Khay

Từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai, vượt qua cung đường hơn 40 km, chúng tôi có mặt tại Trường PTDT bán trú THCS Chiềng Khay, xã Chiềng Khay, thấu hiểu những khó khăn vất vả và cảm nhận rõ hơn lòng yêu nghề của các thầy, cô giáo miệt mài 'gieo chữ' nơi vùng cao.

Hơn chục năm về trước, cung đường về vùng cao Chiềng Khay là thử thách không nhỏ đối với các thầy cô giáo, ngày nắng thì đường bụi mù, mưa xuống bùn lầy, trơn trượt, thế nên sự lựa chọn khả dĩ nhất là đi bộ… Cũng bởi giao thông cách trở, nên điều kiện sinh hoạt hằng ngày của thầy, cô giáo ở đây rất vất vả. Đầu tháng, đầu tuần, mâm cơm còn có vài món tươi, chứ cuối tháng hay cuối tuần, mâm cơm chỉ vài con cá khô và bát canh rau tự trồng... Phải thật sự yêu nghề, mến trẻ, mới bám trụ được ở vùng cao.

Trường PTDT bán trú THCS Chiềng Khay.

Trường PTDT bán trú THCS Chiềng Khay.

Trở lại trường lần này, chúng tôi ấn tượng trước khuôn viên xanh - sạch - đẹp, trường lớp khang trang, những khóm hoa, cây cảnh được cô, trò cắt tỉa gọn gàng, đẹp mắt. Thầy giáo Nguyễn Trung Thành, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Năm học 2024 – 2025, nhà trường có 570 học sinh, đều là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng các em học sinh vùng cao rất ngoan và hiếu học, đây chính là động lực động viên 36 cán bộ, giáo viên nhà trường, dù phải xa gia đình, chấp nhận thử thách, khó khăn, đoàn kết, tận tâm truyền dạy kiến thức cho các em học sinh.

Giờ học của thầy và trò Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Khay.

Giờ học của thầy và trò Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Khay.

Nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp, như: Tổ chức dạy 2 buổi/ngày; phân loại học sinh yếu kém để phụ đạo thêm; phân công các thầy, cô giáo thay nhau chăm sóc, hướng dẫn học tập cho các em học sinh bán trú vào buổi tối. Nhờ đó, những năm học qua, chất lượng giáo dục của nhà trường chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh lên lớp chiếm trên 30%, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt trên 98%, duy trì sĩ số đạt 99%. Tuy là trường vùng III, nhưng trường luôn đứng tốp đầu trong việc nâng cao chất lượng dạy học của ngành giáo dục và đào tạo huyện Quỳnh Nhai.

Là người có thâm niên “gieo chữ” lâu nhất tại Chiềng Khay từ năm 2002, thầy giáo Đinh Văn Hoan, giáo viên tiếng Anh, Trường PTDT bán trú THCS Chiềng Khay, coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Sau khi lập gia đình, anh động viên vợ lên sinh sống và công tác ở Chiềng Khay và đã 20 năm, vợ chồng anh gắn bó với mảnh đất vùng cao này.

Thầy giáo Đinh Văn Hoan chia sẻ: Ngày đó, đường về Chiềng Khay đều là đường đất, chưa có điện phải dùng đèn dầu, trường lớp đều là phòng học tạm, các thầy cô đều phải ở nhờ nhà dân. Vượt qua thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, các thầy cô vẫn kiên trì bám lớp; băng rừng, lội suối vận động các em đi học, vì thời điểm đó, nhận thức của bà con về việc học rất hạn chế… Mừng nhất là nhiều học sinh trong trường đã tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành nhà giáo, trở về quê hương tiếp tục sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao.

Giờ học thể dục của thầy và trò Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Khay.

Giờ học thể dục của thầy và trò Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Khay.

Với đặc thù là trường vùng cao, năm học nay, nhà trường có 349 học sinh được hưởng chế độ bán trú. Do thiếu phòng ở, bếp ăn chưa đảm bảo, nhà trường tổ chức nấu ăn, ở bán trú cho 257 em, còn 92 em được nhà trường liên hệ, vận động các hộ dân cho các em ở trọ, các chế độ bán trú của các em được cấp phát đầy đủ. Với số lượng học sinh bán trú nhiều, đảm bảo cho các em học sinh bán trú được học tập và sinh hoạt trong môi trường tốt nhất, ngay từ đầu năm học, nhà trường tiến hành tu sửa cơ sở vật chất, chỗ ăn, chỗ ở của học sinh.

Rèn cho học sinh bán trú ăn ở, sinh hoạt theo đúng nền nếp, nhà trường xây dựng nội quy bán trú, thời gian biểu, đồng thời, phân công giáo viên trực, quản lý học sinh bán trú. Ngoài giờ học trên lớp, học sinh biết sắp xếp thời gian học tập, lao động hợp lý. Cùng với đó, giáo viên có điều kiện gần gũi, thân thiện với học sinh, nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh, tập quán; từ đó, có phương pháp giảng dạy phù hợp với học sinh...

Căn cứ chế độ Nhà nước hỗ trợ, nhà trường cân đối tổ chức nấu cho học sinh ngày ăn 3 bữa, từ sáng thứ 2 đến sáng thứ 7 hằng tuần. Nhà trường chọn những đơn vị cung ứng thực phẩm tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng; tuân thủ các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các bữa ăn đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng, sạch sẽ, an toàn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, giúp các em có sức khỏe tốt, yên tâm học tập.

Cùng các bạn thưởng thức bữa ăn nóng hổi sau giờ tan học, em Lò Thị Cảnh Triều, học sinh lớp 9B, ở bản Nà Mùn, xã Chiềng Khay, chia sẻ: Nhà em cách trường khoảng 30 km, đi lại rất khó khăn. Được ăn, ở bán trú tại trường giúp chúng em có sức khỏe để học tập. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ công của các thầy cô giáo.

Bữa ăn của học sinh bán trú.

Bữa ăn của học sinh bán trú.

Vùng cao luôn là nơi thử thách lòng nhiệt tình của các những thầy giáo, cô giáo. Vượt qua những khó khăn, vất vả, những "kỹ sư tâm hồn" vẫn miệt mài từng ngày "gieo chữ", thắp sáng tri thức cho con em đồng bào các dân tộc, giúp các em hướng tới tương lai tươi sáng.

Việt Anh - Duy Tùng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/gieo-chu-o-vung-cao-chieng-khay-IaQK4dMNR.html
Zalo