'Giấy thông hành' cho trái cây tươi xuất ngoại
Gia Lai đang đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây như: chuối, chanh dây, sầu riêng... Và, việc minh bạch sản xuất không còn là lựa chọn mà là 'giấy thông hành' để trái cây Gia Lai vươn ra thị trường quốc tế.
Minh bạch đầu vào, chuẩn đầu ra
Năm 2024, diện tích cây ăn quả của tỉnh Gia Lai đạt khoảng 33.250 ha, tăng gần 2,1 lần so với năm 2019; sản lượng trái cây đạt khoảng 569.500 tấn, mức tăng bình quân trong giai đoạn 2019-2024 là 36,93%/năm. Đây là con số cực kỳ ấn tượng, cho thấy Gia Lai không chỉ mở rộng diện tích cây ăn quả mà năng suất cũng đã được cải thiện rõ nét.
Trong đó, nhiều loại cây ăn quả có giá trị hàng hóa lớn như: chuối (diện tích khoảng 7.280 ha, sản lượng khoảng 237.000 tấn), sầu riêng (khoảng 6.380 ha, sản lượng khoảng 47.000 tấn), chanh dây (khoảng 5.450 ha, sản lượng khoảng 172.000 tấn)…

Mặt hàng chanh dây đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Đ.T
Ngành hàng trái cây tươi xuất khẩu của tỉnh đang có bước tiến khá thuận lợi khi các doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng ở các thị trường truyền thống và tích cực khai thác mở rộng thị trường mới.
Ông Lê Hoàng Linh-Giám đốc Dự án vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn-cho biết: Chuối là loại cây trồng đặc trưng của vùng nhiệt đới, chỉ phù hợp với khí hậu nóng ẩm quanh năm.
Chính vì vậy, nhu cầu tiêu dùng loại trái cây này luôn rất cao tại các quốc gia ôn đới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đây chính là lợi thế lớn cho Công ty khi tiếp cận và mở rộng thị phần tại những nước này. Từ năm 2019 đến nay, Công ty đã mở rộng diện tích chuối già lùn Nam Mỹ lên 550 ha, trong đó có 400 ha tại huyện Đak Đoa và 150 ha tại huyện Chư Prông. Hầu hết diện tích đã đạt tiêu chuẩn Global GAP.
Để phát triển vùng nguyên liệu chuối lớn như thế, Công ty đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ cao như đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt Israel, sử dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật, quan sát theo dõi tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng, đồng thời lắp đặt các thiết bị chuyên dụng phục vụ việc thu hoạch, vận chuyển chuối từ trang trại về nhà máy, đầu tư kho lạnh bảo quản...
Thời gian từ lúc chuối mới bắt đầu trổ buồng đến lúc thu hoạch khoảng 100 ngày. Trong thời gian này, Công ty thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc đặc biệt để kiểm soát chặt chẽ chất lượng quả chuối cả về hình thức lẫn phẩm chất bên trong. Công ty cũng trồng chuối theo lứa để bảo đảm nguồn hàng không bị gián đoạn.
Mỗi năm, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn xuất khẩu khoảng 20.000 tấn chuối. Dự kiến giai đoạn 2025-2026, sản lượng sẽ tăng lên khoảng 35.000 tấn/năm. Trong đó, khoảng 80% lượng hàng xuất đi thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Qua nghiên cứu thị trường và thông tin từ các đối tác, hiện nay, nhu cầu thị trường đang cần nguồn hàng rất lớn. Vì vậy, thời gian tới, Công ty tiếp tục mở rộng diện tích để phát triển thêm một số thị trường mới như Singapore, Malaysia, Trung Đông…
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đak Đoa-cho hay: Huyện đã xây dựng được các mô hình liên kết trồng chuối, chanh dây theo các tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ cao. Đây là 2 mặt hàng chủ lực của địa phương để định hướng xuất khẩu.
Thời gian qua, huyện tập trung các giải pháp xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, quy chuẩn kỹ thuật của thị trường nhập khẩu để sản phẩm trái cây được xuất khẩu chính ngạch.
Huyện cũng đã thu hút được các dự án trồng chuối xuất khẩu của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; đồng thời cũng có nhiều trang trại lớn liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây triển khai trồng cây ăn quả. Đây là tiền đề để đẩy mạnh xuất khẩu hàng trái cây tươi trong thời gian tới.
Bên cạnh mặt hàng chuối, sầu riêng là ngành hàng tiềm năng có thể mang về kim ngạch xuất khẩu lớn cho tỉnh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đã bắt đầu tăng cường việc kiểm soát chặt chẽ quy trình liên kết sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Lập-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Minh Phát Farms (huyện Chư Prông) cho biết: “Sản xuất bền vững là yêu cầu bắt buộc để nông sản tiến xa ra thị trường. Sau khi ký kết hợp tác với Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) về liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng, sắp tới, Hợp tác xã Minh Phát Farms sẽ tăng sản lượng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Hiện nay, Hợp tác xã gặp khó khăn trong liên kết với bà con nông dân, thống nhất sản xuất theo đúng quy trình để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, sản lượng hàng đủ lớn, đáp ứng được nhu cầu của đối tác.
Tuy vậy, câu chuyện đưa hàng đi xuất khẩu không chỉ dừng lại ở sản lượng hay chất lượng mà còn phải minh bạch vùng trồng, chuẩn hóa quy trình, truy xuất nguồn gốc. Nói cách khác, hàng sầu riêng muốn xuất khẩu theo đường chính ngạch thì không thể thiếu tính minh bạch”.
Hướng đến chiến lược dài hạn
Tính đến hết quý I-2025, Gia Lai đã được cấp 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.668,7 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu với tổng công suất 1.550-1.700 tấn quả tươi/ngày, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ...
Cũng trong quý I, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã cấp 7 giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng nội địa. Lũy kế đến nay, Sở đã cấp 17 giấy xác nhận mã số vùng trồng nội địa cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Hiện trên địa bàn đã hình thành chuỗi liên kết phát triển sản xuất cây ăn quả với diện tích hơn 13.250 ha, với sự tham gia của 52 doanh nghiệp, 58 hợp tác xã và 35 nông hội. Việc thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị đã từng bước định hướng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường và tạo ra nguồn hàng đủ lớn, bảo đảm chất lượng.

Chuối xuất khẩu sẽ được đánh giá cả về chất lượng từ phẩm chất bên trong lẫn hình thức bên ngoài. Ảnh: V.T
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-đánh giá: “Trong khoảng 3 năm gần đây, ngành hàng trái cây đã trở thành điểm sáng về xuất khẩu nông sản với kim ngạch tăng qua từng năm. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu trái cây (cả trái cây chế biến và trái cây tươi) đạt hơn 150 triệu USD.
Tuy vậy, ngành hàng trái cây của tỉnh vẫn đang đối mặt với một số thách thức như: một phần không nhỏ nông dân vẫn phát triển tự phát, chạy theo giá, thiếu tính liên kết bền vững. Bên cạnh đó, hệ thống đóng gói, sơ chế, kho lạnh, trạm trung chuyển… còn thiếu để bảo quản và vận chuyển, dễ dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao”.
Theo ông Có, mỗi quốc gia đều có những tiêu chuẩn chất lượng riêng về hàng nhập khẩu. Để sản phẩm trái cây như chuối, chanh dây, sầu riêng của Gia Lai có thể xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính, các hợp tác xã và doanh nghiệp phải đáp ứng hàng loạt điều kiện khắt khe từ tiêu chuẩn chất lượng, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, hệ thống truy xuất nguồn gốc…
“Nếu việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được thực hiện theo nguyên tắc đầu vào rõ ràng, đầu ra ổn định, quy hoạch lại vùng trồng theo hướng chuyên canh tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất đạt chứng nhận tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng hạ tầng bài bản cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm thì có thể thâm nhập các thị trường khó tính trên thế giới”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường khẳng định.