Giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông gây tai nạn, ai chịu trách nhiệm?
Nhiều độc giả đặt câu hỏi 'Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà gây tai nạn thì ai phải chịu trách nhiệm?
Trong những ngày qua, sự việc “nhóm quái xế” khoảng 20 đến 30 xe môtô đua xe, lạng lách, gây náo loạn đường phố, tông chết chị Q. (27 tuổi) đang dừng đèn đỏ tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (Hoàn Kiếm - Hà Nội) vào rạng sáng ngày 3/11/2024 đã gây ra làn sóng trong dư luận. Vấn đề này, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của chính bản thân người điều khiển phương tiện, mà còn gây mất an toàn xã hội, gây lo lắng, hoang mang cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo, ngoài việc xử lý theo pháp luật đối với người tổ chức đua xe trái phép, người đua xe trái phép và người gây tai nạn thì còn phải xem xét trách nhiệm với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong vụ việc trên, có rất nhiều “tay đua” chưa đủ 18 tuổi.
Từ thực trạng trên, nhiều độc giả đặt câu hỏi “Giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông gây tai nạn thì ai phải chịu trách nhiệm? Các bậc phụ huynh giao xe cho con chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông gây tai nạn thì có bị xử lý "hình sự" không?
Luật sư Nguyễn Thị Tuyết (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý thì, hành vi giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông của các bậc phụ huynh là hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội và đáng bị lên án. Những hành vi như vậy cần bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực tế sẽ có muôn vàn lý do đưa ra để ngụy biện cho những hành vi giao phương tiện này như: Bố mẹ quá bận công việc không thể đưa, đón con đi học nên “đành” giao xe cho con hoặc mua xe cho con bởi vì “con nhà người ta có thì con mình cũng có”… Nhưng cho dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa, đã là hành vi vi phạm pháp luật thì đều không thể chấp nhận được.
Luật sư Nguyễn Thị Tuyết cho rằng, hiện nay pháp luật đã quy định 2 loại chế tài điều chỉnh hành vi giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Một là xử phạt vi phạm hành chính, hai là xử lý theo pháp luật hình sự. Cụ thể, theo quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cha mẹ giao phương tiện cho con chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng; đối với ô tô thì phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Còn theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì cha, mẹ giaophương tiệncho con chưa đủ tuổi điều khiển, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác từ 61% trở lên, hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc làm chết người… thì có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt tù cao nhất lên đến 7 năm tù.
Có thể thấy, pháp luật đã có chế tài điều chỉnh khá rõ ràng và nghiêm minh, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được Nhà nước quan tâm, điều còn lại, để hạn chế thấp nhất tình trạng giao phương tiện cho người không đủ điều kiện nhưng vẫn tham gia giao thông chính là ý thức của người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Có quá lời không khi nói rằng, sự nuông chiều của các bậc cha mẹ là một trong những nguyên nhân làm đau đầu các lực lượng thực thi pháp luật và ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng. Tệ hơn là, việc các bậc phụ huynh có hiểu biết pháp luật nhưng vẫn “cố tình” và “vô tư” giao xe cho con, em mình khi chúng không đủ điều kiện tham gia giao thông mà không lường đến hậu quả tai hại - đó là hành vi không chỉ hại mình, mà còn hại cả người.
“Gia đình là tế bào của xã hội”! Vì vậy, hãy bắt đầu từ nơi gần gũi, thân yêu nhất của chúng ta. Các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc giáo dục và quản lý con cái, quản lý phương tiện. Nhất quyết không giao xe cho con, em khi chúng chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Bởi mỗi vụ tai nạn không chỉ là một con số thống kê khô khan mà còn là nỗi đau, sự mất mát của cả gia đình và xã hội. Việc xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông từ chính mỗi người trong mỗi gia đình chính là góp phần to lớn tạo dựng một xã hội an toàn, hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi nhà.