Giáo viên vẫn phải che rèm, lén lút dạy thêm ở nhà
Phụ huynh nói rằng hoạt động dạy thêm tại nhà hiện nay chủ yếu vẫn tự phát, chưa được quản lý chặt và sẽ khó kiểm soát nếu thiếu các quy định, chế tài rõ ràng.
“Lớp dạy thêm vẫn đầy ra, toàn là của giáo viên tự mở ngoài. Tôi nghĩ sẽ không quản hết được vì nhu cầu rất lớn”.
Đây là chia sẻ của chị Lê Hải, phụ huynh ở Hà Tĩnh, khi được hỏi về công tác quản lý dạy thêm, học thêm. Vị phụ huynh cho rằng dù trong tương lai, Bộ GD&ĐT ra quy định mới, việc quản lý vẫn rất khó thực hiện vì dạy, học thêm đã gắn với thói quen của nhiều người. Giáo viên có nhu cầu kiếm thêm thu nhập, học sinh muốn thêm kiến thức, sợ bị tụt lại nên ai cũng cuống cuồng đi học thêm.
Nhu cầu học thêm rất lớn
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Hải cho biết nơi chị sống hiện tại được gọi vui là “xóm giáo viên” vì rất nhiều gia đình giáo viên định cư tại đây. Hai nhà sát vách và nhà đối diện chị Hải đều là giáo viên các cấp, từ tiểu học đến THPT.
Do sống chung xóm với giáo viên, hình ảnh chị Hải thường xuyên thấy vào các buổi tối và cuối tuần chính là cảnh học sinh đạp xe, được cha mẹ chở đến nhà thầy cô để học thêm. Do học ở trường cả ngày, thầy cô sẽ tranh thủ dạy thêm vào các ca chiều tối và tối từ 17-19h, 19h20-21h30 hoặc các ngày cuối tuần. Con của chị Hải đang học THCS cũng đăng ký lớp học thêm môn Toán và Tiếng Anh của hai giáo viên trong xóm.
Vị phụ huynh cho biết thêm các lớp dạy thêm tại nhà của giáo viên chủ yếu là tự phát vì học sinh có nhu cầu học, giáo viên có nhu cầu dạy để kiếm thêm thu nhập. Do tự phát, giáo viên đôi khi phải tạm hoãn lớp để tránh thanh tra, hoặc chuyển chỗ dạy thêm qua một địa điểm khác.
“Nhiều lần, khi có thanh tra, các thầy cô sẽ phải cho học sinh tạm nghỉ. Một số người cẩn thận hơn thì lắp thêm rèm, cửa cuốn để che xe đạp, xe đạp điện của học sinh, tránh bị phát hiện đang tổ chức dạy thêm”, chị Hải chia sẻ.
Cũng giống như con chị Hải, con chị Hoàng Ngân, phụ huynh ở Hà Nội, cũng đăng ký lớp học thêm do giáo viên tổ chức tại nhà.
Hà Nội nhiều trung tâm, lớp dạy thêm quy mô lớn, nhưng chị Ngân vẫn quyết định cho con họ thêm ở nhà giáo viên với quy mô lớp chỉ 7 học sinh. Người mẹ nói rằng những lớp học thêm như vậy riêng tư và đảm bảo chất lượng vì con được giáo viên kèm cặp sát sao hơn.
Chị Ngân chia sẻ với Tri Thức - Znews lớp học thêm của con chị hiện tại là tự phát. Các phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm cùng nhau lập nhóm rồi đề xuất với giáo viên mở lớp. Mỗi tuần, trẻ học 3 buổi tối vào thứ ba, thứ năm và thứ bảy với mức học phí 1 triệu đồng, chia đầu người cho 7 học sinh.
“Tôi thấy các lớp học thêm bây giờ phần lớn vẫn là tự phát, chỉ có các trung tâm, lò luyện thi mới có đăng ký, có giấy tờ rõ ràng. Nhưng các trung tâm như vậy tôi lại không tin tưởng, nên tôi vẫn thường cho con học lớp nhóm với giáo viên tại nhà”, chị Ngân thông tin.
Khó kiểm soát
Từ cuối tháng 8/2024, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm. Dự thảo nêu rằng các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, đồng thời cần công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp.
Giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục phổ thông, nếu muốn dạy thêm ngoài trường, cần phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Dự thảo cũng nêu rằng trong trường hợp lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp đang trực tiếp dạy học trong trường, giáo viên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.
Là một phụ huynh, cá nhân chị Lê Hải ủng hộ dự thảo này của Bộ GD&ĐT. Nếu dự thảo được thông qua và chính thức có hiệu lực, công tác dạy thêm, học thêm sẽ có hệ thống và được quản lý chặt chẽ hơn, tránh tình trạng giáo viên dạy “chui” như hiện tại, vừa mệt cả thầy lẫn trò, vừa ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nhà giáo.
Tuy nhiên, người mẹ vẫn nghĩ rằng công tác quản lý dạy thêm vẫn sẽ rất khó, có thể gặp một số trở ngại nhất định vì nhu cầu học thêm của học sinh vẫn quá lớn, giáo viên muốn tăng thu nhập nên cũng tìm đủ cách để tổ chức lớp dạy thêm cho học sinh.
“Một giáo viên cùng xóm từ nói với tôi rằng họ không muốn ủng hộ dự thảo của bộ. Bởi vì nếu thông tư được thông qua, họ sẽ phải đăng ký kinh doanh và phải xin phép nhà trường. Những việc liên quan sổ sách, giấy tờ mất thời gian. Họ ngại làm những việc này vì khi dạy tự phát, họ có thể báo hôm nay rồi mai dạy luôn, nhưng việc đăng ký lại khó làm được như vậy”, chị Hải nói.
Trong khi đó, chị Hoàng Ngân lại đề cập đến một nội dung trong dự thảo là “giáo viên cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm”. Bản thân người mẹ nói Bộ GD&ĐT cần phải quyết liệt hơn trong câu chuyện này. Còn nếu chỉ nêu “khơi khơi”, không có chế tài xử phạt, tình trạng ép học sinh đi học thêm vẫn sẽ diễn ra.
Con chị Ngân may mắn không bị ép học thêm, nhưng con của một đồng nghiệp của chị lại rơi vào tình trạng này. Giáo viên không thể hiện sự ép buộc bằng lời, nhưng học sinh, phụ huynh đều ngầm hiểu rằng nếu không tham gia lớp học thêm, các em sẽ không được dạy kiến thức ngoài sách, không biết trước đề kiểm tra và cũng không được ưu ái hơn khi lên lớp.
“Nhìn chung, tôi thấy học thêm, dạy thêm là nhu cầu chính đáng. Việc Bộ GD&ĐT ra dự thảo mới cũng cho thấy bộ đang quan tâm đến nhu cầu này. Nhưng nếu bộ không quyết liệt và đưa ra những biện pháp xử lý mạnh tay, tôi nghĩ sẽ rất khó để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm ở các địa phương”, chị Ngân nêu quan điểm.