Giáo viên trải lòng về cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông

Giáo viên hướng dẫn và học sinh cần thực hiện các quy định về liêm chính khoa học để Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật các cấp đi vào thực chất.

Ngày 10/4/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông thay thế Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT.

Người viết là giáo viên trung học phổ thông nhận thấy, ưu điểm lớn nhất của của Cuộc thi này là "Góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; thúc đẩy giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM); nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục" đúng như mục đích của Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT.

Tuy vậy, Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông các năm qua được truyền thông phản ánh, không ít dự án năm sau giống với năm trước hoặc quá sức với học sinh.

Đáng chú ý, Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2024 - 2025 có dự án "Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh" của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Siêu, Hưng Yên, đoạt giải Nhất được cho là "giống" với một sản phẩm của nước ngoài.

Cụ thể, nội dung của dự án này đã được nhà khoa học Samuel Alexander công bố trên trang Hackaday.io - một nền tảng trực tuyến quốc tế dành cho cộng đồng kỹ sư, nhà sáng tạo và những người đam mê công nghệ. [1]

Người viết đã có 10 năm hướng dẫn học sinh bậc trung học phổ thông thực hiện các dự án khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh cũng không khỏi trăn trở về những lùm xùm xung quanh cuộc thi này. Trong phạm vi bài viết này, người viết xin có đôi điều về Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông hiện nay.

 Ảnh minh họa (Cao Nguyên chụp màn hình)

Ảnh minh họa (Cao Nguyên chụp màn hình)

Thứ nhất, Cuộc thi khoa học, kĩ thuật phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Người viết lấy ví dụ, Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn có một số phạm vi kiến thức liên quan đến Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật. Chẳng hạn, sách giáo khoa Ngữ văn bộ Cánh Diều có các bài học như sau:

Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề (Ngữ văn 10 - Cánh Diều, Tập 1); Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội (Ngữ văn 11 - Cánh diều, Tập 2); Viết báo cáo kết quả của bài tập dự án - (Ngữ văn 12 - Cánh Diều, Tập 1).

Sau khi học sinh được học những phạm vi kiến thức này thì cơ bản các em có thể viết báo cáo một dự án nhỏ. Từ dự án nhỏ, học sinh có thể phát triển thành một dự án lớn cho Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật các cấp.

Mặc dù vậy, giáo viên hướng dẫn vẫn phải dạy học sinh cách viết một dự án nghiên cứu khoa học, kĩ thuật bài bản về: 1) Lí do chọn dự án; 2) Câu hỏi nghiên cứu; vấn đề nghiên cứu; giả thuyết khoa học; 3) Thiết kế và phương pháp nghiên cứu; 4) Tiến hành nghiên cứu; 5) Tài liệu tham khảo.

Thứ hai, điều người viết băn khoăn là, Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT quy định học sinh lớp 8, lớp 9 bậc trung học cơ sở được phép tham gia dự thi Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật.

Nhìn nhận khách quan, nhiều học sinh lớp 8, lớp 9 có lực học giỏi và các em có khả năng nghiên cứu khoa học, kĩ thuật. Thế nhưng, so với học sinh trung học phổ thông, các em chưa được học những phạm vi kiến thức có liên quan nên giáo viên hướng dẫn hầu như phải cầm tay chỉ việc.

Ví dụ, học sinh lớp 8, lớp 9 chưa biết cách trình bày một tài liệu tham khảo, vì lên lớp 11 các em mới được học cách trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo (Chương trình môn Ngữ văn 11).

Cho đến việc khó hơn, đó là các loại hình nghiên cứu khoa học như: nghiên cứu thực nghiệm; nghiên cứu quan sát; nghiên cứu mô tả; nghiên cứu tương quan; nghiên cứu định tính; nghiên cứu định lượng - là hoàn toàn xa lạ với học sinh bậc trung học cơ sở.

Thứ ba, Điều 4 Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT quy định: "1. Bảo đảm tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không gian lận, sao chép trái phép, giả mạo; không sử dụng hoặc trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là kết quả nghiên cứu của mình."

Theo ghi nhận của người viết, Cuộc thi khoa học, kĩ thuật ở một số địa phương có tình trạng giáo viên hướng dẫn làm nhiều hơn học sinh thực hiện dự án; dự án sao chép nội dung của bài báo khoa học đã được công bố, sao chép nội dung đề tài ở địa phương khác;...

Như thế, cả giáo viên hướng dẫn và học sinh đều chưa thực hiện đúng các quy định về liêm chính khoa học. Thậm chí có giáo viên bằng mọi giá phải giúp học sinh đạt giải để có thành tích trong công tác.

Cùng với đó, khoản 3 Điều 5 Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT quy định thí sinh dự thi phải có đủ các điều kiện sau (trích): "Tự nguyện tham gia và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi".

Một điều dễ nhận thấy, không ít giáo viên gợi ý học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh tham gia dự thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật và các em miễn cưỡng chấp nhận. Vẫn có trường "ép" giáo viên phải tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cho có... phong trào.

Bên cạnh đó, Điều 4 Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT quy định về người hướng dẫn nghiên cứu như sau (trích):

"Mỗi dự án dự thi có ít nhất 01 (một) người hướng dẫn nghiên cứu là giáo viên, nhân viên có chuyên môn phù hợp với dự án dự thi đang làm việc tại cơ sở giáo dục nơi thí sinh đang học".

Điều đáng buồn là bên cạnh giáo viên hướng dẫn, không ít nhà trường vì "bệnh thành tích" đã mời chuyên gia, nhà khoa học học cùng tham gia dự án với học sinh.

Được biết, một giảng viên đại học có học vị tiến sĩ thường xuyên được một trường trung học phổ thông ở địa phương nơi người viết đang công tác mời làm giám khảo cho Cuộc thi khoa học, kĩ thuật cấp trường.

Sau khi chấm, giám khảo này yêu cầu học sinh (và cả giáo viên hướng dẫn) sửa lại nội dung dự án theo gợi ý. Đó cũng là lí do học sinh trường này nhiều năm liền được vào vòng chung kết cấp tỉnh.

Có thể khẳng định, trong sự phát triển của xã hội và con người thì tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học là không thể phủ nhận. Kết quả nghiên cứu giúp mở rộng kiến thức và cung cấp các giải pháp cho các thách thức mà con người đối mặt.

Tuy vậy, để Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật đi vào thực chất thì cả giáo viên hướng dẫn và học sinh thực hiện dự án phải liêm chính học thuật. Những dự án đạt giải cần công bố toàn văn lên trang web để công luận giám sát, phản biện.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/cuoc-thi-nghien-cuu-khkt-cap-quoc-gia-den-hen-lai-co-lum-xum-post250147.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/hoc-sinh-thi-sang-tao-khoa-hoc-ki-thuat-lam-sao-dung-bat-cac-em-gian-doi-post215112.gd

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-trai-long-ve-cuoc-thi-khoa-hoc-ki-thuat-danh-cho-hoc-sinh-pho-thong-post250378.gd
Zalo