Giáo viên miền núi vận động, phát quà, chở học sinh trở lại lớp
Đến nay, nước ta cơ bản khống chế được dịch Covid-19. Quảng Bình nằm trong nhóm địa phương nguy cơ thấp, UBND tỉnh đã quyết định cho hơn 230 nghìn học sinh các cấp đi học trở lại vào sáng 4-5.
Để học sinh trở lại trường học tập an toàn, UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho HS. Những ngày qua, các trường đã huy động giáo viên (GV), nhân viên làm vệ sinh phong quang trường lớp, lau bàn ghế, đồ dùng HS, bổ sung thêm hệ thống cấp nước thuận lợi cho việc rửa tay trước khi vào lớp, chuẩn bị xà phòng, nước sát khuẩn và các điều kiện khác trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Các trường sẽ tiến hành đo thân nhiệt HS trước khi vào lớp và hạn chế việc phụ huynh đưa con em vào tận lớp học; bố trí bàn ghế và vị trí ngồi của từng HS giãn cách theo quy định.
Theo đại diện lãnh đạo Sở GD- ĐT Quảng Bình, trong khi việc chuẩn bị các điều kiện nhằm bảo đảm cho HS ở khu vực thành phố, vùng đồng bằng đến lớp đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra thì cái khó hiện nay ở Quảng Bình là vận động, đưa học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến trường trở lại. Nguyên nhân là do HS được nghỉ học đã khá lâu, tạo ra sức ì khi phải quay trở lại lớp; đồng thời đây đang vào cuối mùa rẫy, nghỉ học nên HS theo cha mẹ lên rẫy ở lại để sản xuất. Vì vậy, muốn học sinh trở lại trường, thầy cô giáo phải leo đèo, vượt suối đến từng bản vận động cha mẹ, trưởng bản hoặc người có uy tín động viên con em đi học trở lại.
Một thầy giáo ở Trường Dân tộc nội trú Thượng Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, ngay từ hôm nay, các thầy không chỉ đi vận động mà còn phải chở HS về lại trường chuẩn bị cho buổi học trở lại vào ngày mai. Vì vậy, khi các thầy cô giáo từ nhà riêng lên lại trường không chỉ chở theo can xăng, lương thực, thực phẩm mà còn kèm theo ít bánh kẹo để phát thưởng động viên học sinh trong buổi đầu trở lại lớp.