Giáo viên chủ nhiệm ở Hàn Quốc 'sơ hở là bị tố cáo'

Làm giáo viên chủ nhiệm vốn là niềm tự hào của các thầy cô ở Hàn Quốc, nhưng hiện tại, mọi người đều tránh né vị trí này vì sợ bị phụ huynh gây khó dễ.

 Làm giáo viên chủ nhiệm trở thành nỗi sợ hãi của nhiều thầy cô Hàn Quốc. Ảnh: Masterfile.

Làm giáo viên chủ nhiệm trở thành nỗi sợ hãi của nhiều thầy cô Hàn Quốc. Ảnh: Masterfile.

Tháng 3/2024, Min Ji-young (30 tuổi), giáo viên chủ nhiệm lớp 2 tại một trường tiểu học ở Busan (Hàn Quốc), khiển trách một học sinh vì mất tập trung trong lớp. Cô giáo yêu cầu em này "chú ý lên bảng".

Khi học sinh đó vẫn không chú ý nghe giảng, cô Min yêu cầu em đứng dậy để đọc to một đoạn trong sách giáo khoa.

Kết quả, cha mẹ học sinh này báo cảnh sát, tố cô Min "ngược đãi trẻ em" và cho rằng con của họ bị làm nhục.

Sau một tháng cảnh sát điều tra và xác định cô Min Ji-young không có hành vi vi phạm, cha mẹ em này lại tiếp tục nộp đơn khiếu nại lên phòng giáo dục.

Trong thời gian này, cô giáo phải đối mặt với loạt lời lăng mạ và bình luận tiêu cực từ xã hội như "Loại như cô không nên làm giáo viên, nghỉ việc đi". Điều này khiến cô Min trầm cảm và phải điều trị trong một thời gian. Tệ hơn nữa, ngay trước học kỳ 2, phụ huynh đòi đổi giáo viên khác, theo Chosun Daily.

Từ chức vì không chịu nổi sức ép

Không riêng cô Min Ji-young, hàng loạt giáo viên Hàn Quốc khác cũng phải đối mặt với tình cảnh tương tự. Điều này cũng khiến số giáo viên chủ nhiệm tự nguyện từ chức tăng đều đặn theo từng năm.

Mới đây, vào ngày 9/10, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết số giáo viên chủ nhiệm từ chức/bị yêu cầu từ chức tăng với tốc độ chóng mặt, lần lượt là 54 người vào năm 2020, 90 người vào năm 2021, 118 người vào năm 2022 và 124 người vào năm 2023.

Còn tính đến tháng 7/2024, thêm 55 giáo viên tự nguyện nghỉ việc và số giáo viên phải rời vị trí theo yêu cầu của phụ huynh cũng tăng từ 17 người (năm 2020) lên 79 người vào năm 2023.

Tổng cộng, 203 giáo viên chủ nhiệm bị thay thế ở các trường tiểu học, THCS và THPT vào năm 2023, đánh dấu "cột mốc" năm thứ hai liên tiếp con số này vượt quá 200. Trong khi vào năm 2020, số giáo viên bị thay thế chỉ dừng ở mức 71.

Năm 2023, hầu hết trường hợp đổi giáo viên xảy ra ở trường tiểu học. Bộ Giáo dục ước tính 125 giáo viên tiểu học (tương đương 61%) bị thay thế. Con số này ở bậc THCS và THPT lần lượt là 36 (tương đương 18%) và 42 (tương đương 21%).

Khi một giáo viên chủ nhiệm bị thay thế, các trường sẽ tham khảo ý kiến của cố vấn nhân sự để thuê một giáo viên tạm thời mới hoặc giao vai trò này cho một giáo viên bộ môn. Ở các trường THCS, người thay thế thường bao gồm trợ giảng hoặc giáo viên bộ môn của lớp.

 Giáo viên Hàn Quốc dễ bị phụ huynh tố cáo chỉ vì những chuyện rất nhỏ. Ảnh: Rhee Choul-won.

Giáo viên Hàn Quốc dễ bị phụ huynh tố cáo chỉ vì những chuyện rất nhỏ. Ảnh: Rhee Choul-won.

Sơ hở là bị tố cáo

Bàn về tình trạng thay giáo viên, các tổ chức về quyền giáo viên tại Hàn Quốc cho rằng hiện tượng này gia tăng do nhà giáo bị xâm phạm quyền lợi và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Họ phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ nhưng mức lương lại quá khiêm tốn. Chưa dừng lại ở đó, phụ huynh lại can thiệp quá mức vào việc học của con ở trường, thậm chí quan tâm thái quá.

Tại Hàn Quốc, việc trở thành giáo viên chủ nhiệm, đặc biệt là ở các trường tiểu học, vốn là điều mang lại niềm tự hào cho các thầy cô. Trách nhiệm của họ là định hình sự phát triển về mặt giáo dục và đạo đức cho trẻ.

Một giáo viên tiểu học có 34 năm kinh nghiệm làm giáo viên chủ nhiệm cho biết khi mới vào nghề, cô sẽ rất buồn nếu không được làm chủ nhiệm. Nhưng hiện tại, bức tranh ngành giáo dục đã khác, mọi giáo viên trẻ đều né tránh, không muốn nhận nhiệm vụ này.

Một giáo viên khác cũng bày tỏ nỗi sợ khi làm chủ nhiệm. Suốt 23 năm trong nghề và từng làm chủ nhiệm của nhiều lớp, điều giáo viên này sợ nhất chính là bị phụ huynh tố cáo "lạm dụng trẻ em", trong khi họ chỉ yêu cầu trẻ làm bài tập về nhà trong giờ ra chơi.

Tương tự, một giáo viên khác cũng nói bản thân không dám can thiệp, xử lý mâu thuẫn của học sinh vì sợ bị phụ huynh tố cáo. Khi trẻ cãi nhau, người này chỉ nói rằng "người tốt sẽ không cãi nhau với bạn bè".

Hàn Quốc cũng từng xảy ra vụ việc một trường tiểu học bị tố cáo lên cảnh sát chỉ vì không chào đón học sinh đúng cách. Phụ huynh học sinh báo cáo và cho rằng đây là hành vi "ngược đãi trẻ em".

Mâu thuẫn giữa phụ huynh và giáo viên tăng cao, giáo viên ngày càng mệt mỏi với sự đòi hỏi vô lý từ cha mẹ. Do đó, Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc đề nghị các nhà chức trách cần bố trí bộ phận hòa giải để giải quyết khiếu nại giữa phụ huynh và giáo viên nhằm bảo vệ các nhà giáo khỏi sự tấn công vô lý dù họ đang làm đúng trách nhiệm của mình.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/giao-vien-chu-nhiem-o-han-quoc-so-ho-la-bi-to-cao-post1503898.html
Zalo