Giáo viên cần nhiều hơn nữa hỗ trợ kỹ năng xử lý tình huống
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên gặp không ít bỡ ngỡ xen lẫn áp lực.
Chia sẻ thực trạng, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Hội đồng quản lý và Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu phát triển Giáo dục và Nghề nghiệp (STP) đồng thời đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ nhà giáo.
Thách thức không nhỏ
- Trực tiếp tham gia tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trường phổ thông, bà đánh giá ra sao về những thách thức khi triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với các trường?
- Thực tế từ giảng dạy, học tập cho thấy nhiều nơi vẫn chú trọng dạy kiến thức, dạy để thi chứ không vì hạnh phúc người học; chưa quan tâm nhiều đến cảm xúc, tinh thần giáo viên, học sinh. Một số địa phương bắt đầu tìm hiểu việc xây dựng trường học hạnh phúc nhưng chỉ dừng ở hình thức, chưa đi sâu vào bản chất.
Ngoài ra, đội ngũ giáo viên thiếu hụt cục bộ, mất cân đối cơ cấu giữa các môn học và chất lượng để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình GDPT 2018. Nhiều nhà trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn lực tài chính; trường học thiếu an toàn, thiết bị dạy học, kinh phí tổ chức hoạt động theo chương trình mới.
- Trong bối cảnh hiện nay, cần những giải pháp gì để hóa giải thách thức, thưa PGS?
- Chúng ta phải có giải pháp căn cơ và lâu dài. Trước tiên, quan tâm đến hoạt động chuyên môn và đảm bảo sức khỏe thể chất, tinh thần giáo viên, học sinh. Đưa việc xây dựng trường học hạnh phúc với 4 trụ cột do UNESCO khởi xướng thành chủ trương chính của ngành Giáo dục với chính sách cụ thể. Đưa trường học hạnh phúc vào tiêu chí đảm bảo chất lượng trường học mà hiện nay mới chỉ ở mức phong trào do Công đoàn Giáo dục Việt Nam và một số đơn vị triển khai.
Thứ hai, cần tăng cường đào tạo, thu hút giáo viên. Muốn vậy, phải đẩy mạnh tuyển sinh, cải thiện chất lượng các trường đại học sư phạm nhằm đảm bảo nguồn cung giáo viên có chuyên môn vững. Tối ưu hóa, điều chỉnh cơ cấu môn học theo nhu cầu, xu hướng thực tế. Tạo ra các chương trình đào tạo và nghề nghiệp hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và xã hội.
Thứ ba, phải tổ chức các khóa đào tạo, hỗ trợ thường xuyên giúp thầy cô có cơ hội học hỏi, thích nghi chương trình mới. Bộ GD&ĐT phải có tài liệu hướng dẫn tự học, tự bồi dưỡng thuận lợi và các nguồn tài nguyên, vật liệu giảng dạy hỗ trợ đội ngũ thực hiện chương trình mới. Các trường cần được giao tự chủ, trách nhiệm giải trình cao hơn. Mỗi nhà trường có thể tự chủ tuyển giáo viên để đảm bảo không thiếu hụt, mất cân đối cơ cấu giữa các môn học.
Thứ tư, cần tăng cường nguồn lực cơ sở vật chất, tài chính, huy động nguồn lực xã hội. Thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới giáo dục bằng cách hỗ trợ phương pháp dạy học hiệu quả, áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế giảng dạy. Khuyến khích các dự án, chương trình đổi mới trong giáo dục để nâng cao chất lượng, sự hứng thú của học sinh. Những giải pháp này cần triển khai hệ thống, bền vững để đảm bảo hiệu quả khi cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông tại Việt Nam.
Người thầy cần làm chủ công nghệ
- Trước sự xuất hiện của công nghệ mới, nhiều người cho rằng đây là cứu cánh giúp giáo viên thuận lợi hơn trong quá trình giảng dạy nhưng cũng có người lo ngại cho vị thế của nhà giáo. Quan điểm của bà về vấn đề này?
- Sống trong thời đại 4.0, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của công nghệ trên mọi mặt đời sống xã hội (trong đó có lĩnh vực giáo dục). Việc cung cấp kiến thức cho người học không đơn thuần từ người thầy mà đến từ nhiều nguồn khác nhau. AI, Chát GPT là những công cụ có thể tra cứu thông tin cho mọi người.
Với sự hỗ trợ của công nghệ AI, giáo viên sẽ giảm bớt một số công việc. Ví dụ như soạn giáo án/kế hoạch bài dạy. Công nghệ giúp giáo viên dạy học phát triển năng lực từng cá nhân để tiến bộ thực chất. Để làm được điều đó, thầy cô phải có đủ trình độ đặt câu hỏi, đưa dữ liệu cơ bản để AI thao tác tạo ra sản phẩm mà giáo viên trước đó mất nhiều thời gian làm ra. Đồng thời, biết chỉ ra sản phẩm AI lỗi ở chỗ nào, nội dung nào dùng được và sử dụng ở đâu. Điều này, giáo viên phải tự tay hoàn thiện.
Nói chung AI là trợ lý tuyệt vời nhưng không được ỷ lại. Giáo viên cần là người thầy của AI. Hơn nữa, giáo dục thời đại ngày nay, thầy cô phải thấu hiểu cảm xúc học trò. Khi có cảm xúc tích cực, các em có thể tự tìm hiểu nguồn tri thức qua công nghệ thông tin dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Điều này cho thấy, trong phát triển con người, thầy cô có vai trò không thể thay thế.
- Theo bà, để đổi mới giáo dục phổ thông cần những yếu tố nào, xuất phát từ đâu?
- Từ phân tích trên, muốn đổi mới giáo dục phổ thông cần các chính sách đúng đắn và thực thi thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Đầu tiên là chính sách với đội ngũ cán bộ, giáo viên. Cần có chính sách thu hút, nâng cao chất lượng đội ngũ, trong đó lương giáo viên phải đảm bảo để trang trải cuộc sống. Ngành Giáo dục cần rà soát quy định về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, có chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT mới mà các chương trình hiện hành chưa đáp ứng kịp.
- Bà kỳ vọng gì vào giáo dục phổ thông khi từ năm học 2024 - 2025, chương trình mới sẽ phủ từ lớp 1 đến lớp 12?
- Chúng ta đều mong mỏi toàn ngành có năm học thành công. Ngành Giáo dục quan tâm đến hạnh phúc của giáo viên, học sinh nhiều hơn là hướng tới phát triển toàn diện học tập để thầy và trò khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần; giảm bớt áp lực các kỳ thi, bệnh thành tích, chạy theo điểm số và quan trọng nhất là tạo ra nền giáo dục thực chất.
Coi trọng bồi dưỡng nghiệp vụ
- Ngành Giáo dục quan tâm đến hạnh phúc của giáo viên, học sinh nhiều hơn là hướng tới phát triển toàn diện học tập. Để thầy và trò khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần, theo bà cần có thêm các giải pháp nào?
- Đầu tiên, mỗi nhà trường cần tạo điều kiện để khối lượng công việc của thầy cô không quá nặng nề. Đặc biệt, không sử dụng thời gian nghỉ ngơi của giáo viên để giao việc hoặc phục vụ các công việc khác. Giáo viên cần có đủ không gian để giảm căng thẳng sau các giờ dạy, học sinh có không gian vui chơi.
Các trường cần tăng cường nhiều hoạt động kết nối giáo viên, học sinh qua hoạt động trải nghiệm, thể thao, văn hóa, nghệ thuật… Tránh các hoạt động mang tính hình thức, hành chính cồng kềnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số và công nghệ hỗ trợ (AI) trong dạy học, quản lý học sinh để giảm bớt hoạt động hành chính mất nhiều thời gian của giáo viên.
- Bồi dưỡng chuyên môn là việc làm thường xuyên, bắt buộc với đội ngũ. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy không ít vụ việc xảy ra trong trường học gây bức xúc dư luận liên quan đến kỹ năng ứng xử tình huống của giáo viên, cán bộ quản lý. Nhìn nhận của bà về vấn đề này?
- Các kỹ năng giao tiếp sư phạm đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp giảng dạy của một giáo viên. Năng lực sư phạm của nhà giáo được coi như chìa khóa mở cửa cho chất lượng giáo dục. Vì vậy mỗi nhà giáo là một hạt nhân quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng và góp phần vào đổi mới căn bản giáo dục. Ngoài ý thức tự giác nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp từ mỗi giáo viên thì người đứng đầu cơ sở giáo dục cũng cần chủ động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng xử lý tình huống thực tế trong sư phạm cho đội ngũ.
Qua nắm bắt thực tế, tôi cho rằng các nhà trường, ngành Giáo dục mỗi địa phương cần có giải pháp để phát triển kỹ năng thấu cảm, ứng xử sư phạm, xử lý tình huống của giáo viên với học sinh, phụ huynh. Qua những sự vụ liên quan đến bạo lực học đường vừa qua cho thấy, khâu quản lý cảm xúc là cần thiết đối với giáo viên.
Trong trường sư phạm trước đây chủ yếu dạy khoa học tâm lý, mang tính lý thuyết mà ít thực hành. Đây là khoảng trống cần lấp đầy trong bồi dưỡng năng lực cho giáo viên. Có làm tốt được điều này thì mới tránh những tình huống đau lòng như sự việc xảy ra ở Tuyên Quang.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT nên bổ sung một số chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên theo hướng này cho cán bộ quản lý giáo viên phổ thông như quy định Thông tư 17 và 18/2019.
- Xin cảm ơn PGS!
Chúng ta cần thay đổi định hướng học để thi như hiện nay, thay vào đó là học để phát triển bản thân. Học sinh tìm ra những tiềm năng của bản thân và được hướng dẫn để phát triển tốt nhất. Mỗi nhà trường cần làm cho công tác hướng nghiệp mang tính cá nhân hóa cao, tức là bắt đầu từ từng học sinh chứ không phải từ các hoạt động dịch vụ của nhà trường.
Thầy cô phải giúp học trò nhận ra bản thân mình có năng lực, sở trường gì và định hướng để phát huy. Từ đó mỗi học sinh biết rõ mình có ước mơ gì, kế hoạch để đạt tới ước mơ đó cần ưu tiên các việc gì? cần gặp ai để hỗ trợ?
Đồng thời, bản thân mỗi thầy cô và phụ huynh cũng cần có thông tin về thế giới nghề nghiệp, việc làm cũng như yêu cầu về năng lực để có thể làm việc, từ đó giúp học sinh rèn luyện thêm phẩm chất, năng lực phù hợp với ngành nghề đã lựa chọn. Bộ GD&ĐT có thể xây dựng một hệ thống thông tin nghề nghiệp hỗ trợ học sinh, sinh viên hướng nghiệp, phát triển nghề nghiệp và khởi nghiệp.