Giáo viên bị tạm đình chỉ giảng dạy: Quy định mới cần biết từ năm 2026

Bắt đầu từ ngày 1/1/2026, Luật Nhà giáo 2025 chính thức có hiệu lực, trong đó quy định rõ ràng về việc tạm đình chỉ giảng dạy đối với giáo viên trong một số trường hợp đặc biệt.

Đây là nội dung đáng chú ý tại Điều 36 của luật, nhằm đảm bảo quá trình xử lý kỷ luật minh bạch, công bằng và không gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.

Cụ thể, người đứng đầu cơ sở giáo dục có quyền quyết định tạm đình chỉ giảng dạy đối với nhà giáo đang trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật, nếu việc tiếp tục giảng dạy của người này có thể gây khó khăn cho việc xử lý hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo, tâm lý của người học.

Trường hợp người đứng đầu cơ sở giáo dục là người đang bị xem xét vi phạm, thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ sẽ thuộc về cấp có thẩm quyền bổ nhiệm người đó.

Từ 2026, giáo viên có thể bị tạm đình chỉ nếu gây ảnh hưởng tâm lý học sinh. Ảnh minh họa/Nguồn: Báo Pháp luật TP.HCM

Từ 2026, giáo viên có thể bị tạm đình chỉ nếu gây ảnh hưởng tâm lý học sinh. Ảnh minh họa/Nguồn: Báo Pháp luật TP.HCM

Trong thời gian bị tạm đình chỉ, quyền lợi về lương và chế độ sẽ được bảo đảm tùy theo loại hình cơ sở giáo dục. Đối với giáo viên tại các trường công lập, chế độ lương và quyền lợi trong thời gian bị đình chỉ được thực hiện theo pháp luật về viên chức và các quy định liên quan. Trong khi đó, giáo viên tại các cơ sở ngoài công lập sẽ được xử lý theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Điều 35 của Luật Nhà giáo 2025 cũng nêu rõ các nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với giáo viên. Với giáo viên là viên chức tại các cơ sở giáo dục công lập, việc kỷ luật được áp dụng theo đúng quy định hiện hành dành cho viên chức.

Đối với giáo viên hợp đồng, việc xử lý được thực hiện theo pháp luật lao động và quy chế chuyên môn của cơ sở giáo dục. Quá trình xử lý kỷ luật phải đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động học tập của học sinh, đồng thời phải giữ gìn hình ảnh, uy tín và tính nhân văn trong môi trường sư phạm.

Quy định mới được kỳ vọng sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp, chuẩn mực trong hoạt động giáo dục, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cả giáo viên và học sinh.

Luật Nhà giáo 2025 là một trong những đạo luật quan trọng của ngành giáo dục, lần đầu tiên khẳng định địa vị pháp lý riêng cho đội ngũ nhà giáo, tạo nền tảng pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh.

Yến Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/sao-hoc-duong/giao-vien-bi-tam-dinh-chi-giang-day-quy-dinh-moi-can-biet-tu-nam-2026-202507130939521077.html
Zalo