Giao thông xanh chật vật tìm lối đi

Hệ thống giao thông xanh ở TPHCM đã bắt đầu từ nhiều năm trước. Tuy nhiên tới nay, mạng lưới của các phương tiện này vẫn còn khá ít, chưa đáp ứng được kỳ vọng và phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đầu tiên là hệ thống giao thông công cộng với các phương tiện sử dụng điện và khí CNG. Về cơ bản, phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu này tốt hơn rất nhiều so với nhiên liệu đốt hóa thạch (xăng, dầu).

Nhưng việc chuyển đổi giữa 2 loại nhiên liệu lại là điều không hề dễ dàng bởi thực tế, hệ thống xe buýt ở TPHCM do doanh nghiệp đầu tư, vận hành và ngân sách Nhà nước có trợ giá thêm để duy trì hoạt động. Vì thế, không dễ để trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp có thể bỏ ra rất nhiều vốn đầu tư các phương tiện mới thay thế các phương tiện sử dụng xăng, dầu vốn rất phổ biến trước đó.

Ngoài ra, do các trạm tiếp nhiên liệu khí CNG cũng ít hơn các trạm nhiên liệu xăng dầu cũng khiến cho hoạt động của phương tiện gặp không ít khó khăn, tốn chi phí.

Đó là nguyên nhân khiến số lượng xe buýt chạy bằng nhiên liệu khí sạch, vẫn ít hơn các phương tiện sử dụng chất đốt xăng dầu, dù được thành phố khuyến khích. Ngoài ra, hệ thống xe buýt ở TPHCM còn có một tuyến xe buýt điện D4 được vận hành thương mại có trợ giá từ đầu năm 2022. Điều đáng nói, dù được trợ giá và ưu tiên rất nhiều về lộ trình tuyến đi nhưng tới nay, chủ đầu tư đã không thể mở rộng hoạt động của mạng lưới xe buýt thêm các tuyến khác dù nhiều số liệu báo cáo được đánh giá là tích cực. Theo đó, khi khai trương tuyến D4, đơn vị vận hành dự kiến sẽ mở thêm 4 tuyến khác, vì nhiều nguyên nhân tới nay, các tuyến này vẫn chưa thể tìm được lối đi thích hợp.

Chưa ai biết thời điểm nào, các tuyến xe buýt điện ở TPHCM sẽ được mở rộng thêm hay vẫn “giậm chân tại chỗ” với duy nhất 1 tuyến như mấy năm qua.

Theo Sở GTVT TPHCM, kế hoạch tới năm 2030, tất cả phương tiện giao thông công cộng ở TPHCM sẽ sử dụng nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp một số khó khăn về lãi suất nguồn vốn dành cho doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện, đầu tư trạm sạc, tiếp nhiên liệu…

Không chỉ có các phương tiện giao thông công cộng gặp khó, mô hình chuyển đổi các phương tiện xe sử dụng xăng dầu sang xe điện tại huyện đảo Cần Giờ, địa phương được chọn làm mô hình thí điểm để thực hiện mô hình giao thông xanh bền vững cũng đang chật vật. Với vị trí địa lý biệt lập (chưa có cầu đường bộ) cũng như rừng bao phủ phần lớn diện tích, Cần Giờ là huyện lý tưởng để thực hiện chuyển đổi mô hình giao thông xanh bền vững. Theo kế hoạch, các phương tiện (xe du lịch, người dân tham quan…) khi tới huyện đảo này sẽ bắt buộc phải là xe điện. Ngoài ra, toàn bộ phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng dầu của người dân ở đây sẽ được hỗ trợ chuyển sang xe điện (chủ yếu phương tiện xe gắn máy). Theo bà Phan Thụy Kiều - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, sau một thời gian nghiên cứu và thống kê thì xe gắn máy là phương tiện phát thải ra môi trường nhiều nhất ở huyện Cần Giờ. Vì vậy, nếu chuyển đổi từ xe máy thông thường sang xe máy điện, thành phố cần hỗ trợ khoảng 975 tỷ đồng. Khoản tiền này được chia làm 2 giai đoạn (từ nay tới 2025 và tới năm 2030), chủ yếu để hỗ trợ người dân mua phương tiện.

Theo đó, nếu là hộ nghèo, cận nghèo thì được hỗ trợ 50% chi phí đổi xe. Ngoài ra, nguồn tiền trên cũng dành để hỗ trợ chi phí đăng ký, thu mua phương tiện cũ, lãi suất ưu đãi vay mua phương tiện mới cho các hộ dân trên địa bàn. Được biết, dù cần nguồn vốn lớn nhưng việc chuyển đổi thành công hay không, mô hình giao thông có nhiều lợi ích này cũng phụ thuộc rất lớn vào ý thức, mong muốn của người dân. Bởi do phần lớn cư dân sinh sống tại Cần Giờ có mức thu nhập thấp, việc sử dụng phương tiện xe điện hay tái sử dụng xe nhiên liệu khác cũng là vấn đề cần quan tâm.

Cuối cùng, một tín hiệu tích cực là trong “bức tranh giao thông xanh” ở TPHCM, nhóm phương tiện cá nhân công cộng (taxi, xe ôm công nghệ) thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực với hàng ngàn phương tiện chạy điện được đưa vào sử dụng.

Tuy vậy, đây hầu hết là phương tiện phát triển theo hình thức “tự phát” và không mang tính thay thế. Nghĩa là, dù có thêm phương tiện xe điện nhưng các phương tiện xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng không bị giảm đi.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giao-thong-xanh-chat-vat-tim-loi-di-10289061.html
Zalo