Giao thông thông minh giải bài toán ùn tắc, ô nhiễm và ATGT
Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System - ITS) đang trở thành yếu tố then chốt giúp các đô thị trên thế giới giải quyết các thách thức về ùn tắc, ô nhiễm và ATGT. Dưới đây là một số mô hình phát triển hệ thống ITS ở một số quốc gia trên thế giới mà Việt Nam có thể tham khảo học hỏi để triển khai áp dụng vào thực tế.
Nhật Bản: tích hợp công nghệ góp phần giảm TNGT
Nhật Bản hiện đang sở hữu một mạng lưới giao thông được đánh giá là phát triển nhất thế giới. Hệ thống giao thông ở Nhật Bản phát triển hiện đại và đồng bộ, với độ chính xác cao và an toàn thân thiện môi trường. Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại như AI, IoT và Big Data, ITS không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý giao thông mà còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, đem lại sự hài lòng cho người dân.
Có được điều đó, Nhật Bản đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ giao thông thông minh. Đơn cử tại Thủ đô Tokyo, hệ thống quản lý giao thông dựa trên dữ liệu thực được triển khai để giảm thiểu ùn tắc và cải thiện an toàn. Hệ thống dịch vụ thông tin giao thông cung cấp thông tin về tình hình giao thông theo thời gian thực qua các thiết bị như GPS và màn hình trên xe cho người dân tiếp cận một nhanh chóng.
Với hệ thống trên, lái xe được hướng dẫn các lộ trình ít ùn tắc hơn, giúp tiết kiệm thời gian và nhiên liệu. Bên cạnh đó, hệ thống này còn có cảnh báo về tình trạng nguy hiểm như tai nạn, đường trơn trượt hoặc thời tiết xấu, giúp giảm thiểu các vụ tai nạn. Nhờ ứng dụng hệ thống này mà số vụ tai nạn giảm 15% tại các khu vực thử nghiệm.
Không chỉ trên các tuyến đường được ứng dụng hệ thống thông minh mà các bãi đỗ xe thông minh cũng được trang bị cảm biến và hệ thống tự động thanh toán, giảm thiểu thời gian tìm kiếm chỗ đỗ. Những bãi đỗ này đã giúp giảm lượng xe lưu thông không cần thiết, góp phần giảm ùn tắc tới 20% tại các đô thị lớn như Tokyo.
Thời gian qua, Nhật Bản đã triển khai nhiều sáng kiến giao thông thông minh nhằm nâng cao hiệu quả và an toàn cho hệ thống giao thông. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn áp dụng các biện pháp như cấm đỗ xe trên đường phố, buộc chủ xe phải để xe trong nhà hoặc tại các bãi đỗ hợp pháp nhằm giảm ùn tắc và TNGT.
Đức: Hệ thống giao thông thông minh giúp giảm 18% lượng khí thải CO2
Đức có hệ thống giao thông đa dạng, kết nối thông minh và được quản lý chặt chẽ. Giao thông công cộng ở Đức tạo ra một môi trường sống thân thiện và tiện ích cho người dân với đặc trưng là tính chính xác và đáng tin cậy. Tàu điện ngầm và tàu hỏa thường xuất phát đúng giờ và thời gian hành khách chờ đợi được giảm thiểu tối đa.
Không chỉ là quốc gia nổi tiếng với ngành công nghiệp ô tô, Đức đã ứng dụng ITS không chỉ để tối ưu hóa giao thông mà còn giảm phát thải khí CO2. Tại những tuyến đường chính của Đức được lắp đặt cảm biến để theo dõi mật độ giao thông, từ đó điều chỉnh tốc độ và lưu lượng phương tiện. Những tuyến đường này cũng được kết nối với hệ thống xe tự lái, cho phép giao tiếp giữa hạ tầng và phương tiện, giảm thiểu tai nạn và tiết kiệm năng lượng.
Tại TP. Darmstadt đã ứng dụng hệ thống FLIR Systems với 40.000 đèn giao thông, hơn 2.500 camera giám sát và gần 200 bảng hiển thị thông tin, giúp quản lý lưu lượng xe hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi và hạn chế ùn tắc vào giờ cao điểm. Đối với Cologne lại thí điểm dự án "Đường phố khí hậu" trên tuyến đường dài 4 km, sử dụng cảm biến môi trường để điều tiết giao thông tự động và hạn chế xe động cơ khi mức độ ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép. Những sáng kiến này không chỉ cải thiện đáng kể hiệu quả vận hành giao thông mà còn giảm 18% lượng khí thải CO2 trong 10 năm qua và tăng 25% tỷ lệ sử dụng xe điện tại Đức.
Bên cạnh đó, một số thành phố như Frankfurt hay Hamburg thì việc đầu tư xây dựng hạ tầng cho xe tự hành và thử nghiệm xe buýt thông minh càng củng cố vai trò của Đức như một hình mẫu về giao thông thông minh, vừa nâng cao chất lượng sống cho người dân, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Không chỉ có Chính phủ quan tâm đầu tư hệ thống giao thông thông minh mà các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Đức cũng chú trọng phát triển hệ thống hỗ trợ lái xe tự động (ADAS), bao gồm cảnh báo nguy hiểm, phanh tự động và hỗ trợ giữ làn đường. Một số mẫu xe điện như BMW i3 và Audi e-tron còn tích hợp hệ thống dự báo thời gian thực về tình trạng giao thông, giúp người lái chọn lộ trình tối ưu.
Singapore: Tính ưu việt từ thu phí điện tử
Thời gian qua, Chính phủ Singapore đã đầu tư phát triển hệ thống giao thông thông minh mạnh mẽ, với thiết bị cảm biến và camera thu thập dữ liệu về lưu lượng giao thông nhằm mang đến sự tiện lợi trong công tác giám sát, kiểm soát, quản lý giao thông, tạo sự an toàn, tiện lợi cho con người và tài sản khi tham gia giao thông. Mọi thông tin về giao thông được quản lý và điều hành rõ ràng, mạch lạc, chính xác nên các vấn đề về giao thông luôn được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.
Một trong những giải pháp thông minh là thu phí điện tử. Mức phí thu tại Singapore tùy thuộc vào quãng đường và thời gian đi của phương tiện, tất cả đều được kiểm tra tự động, không tốn nhiều chi phí thuê nhân viên giám sát. Việc thu phí tự động khi xe lưu thông qua các khu vực đông đúc nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng hoặc chọn khung giờ ít tắc nghẽn hơn. Một khảo sát cho thấy, lượng phương tiện cá nhân giảm 15% vào giờ cao điểm nhờ chính sách này.
Hệ thống giao thông thông minh ở Singapore được trang bị những chiếc đèn báo giao thông cảm ứng, phản ứng lại với những sự thay đổi. Hệ thống đèn giao thông thông minh giúp cho các giao lộ có thể kiểm soát lưu lượng, từ đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp cho người tham gia giao thông. Hệ thống này cũng có thể ưu tiên các loại hình như xe cấp cứu, xe cứu hỏa hay các phương tiện đặc thù.
Bên cạnh đó, Singapore cũng đầu tư lắp đặt hệ thống ERP, camera trên tất cả các chặng đường với mục đích giảm lượng phương tiện vào giờ cao điểm. Hệ thống này đảm bảo kiểm tra chính xác biển số xe của các phương tiện qua lại và hình thức thanh toán tự động. Hệ thống camera tại các trạm ERP không chỉ thu phí mà còn theo dõi lưu lượng hoạt động của các phương tiện, lưu lại biển số xe và giám sát việc các xe có gắn thiết bị thu phí hay không. Trong trường hợp các xe không chấp hành, trung tâm kiểm soát sẽ tiến hành phạt "nguội", gửi thông báo cho lái xe. Nếu nộp phạt chậm trễ, số tiền phải nộp sẽ ngày càng tăng và người vi phạm có thể bị phạt tù. Nhờ hệ thống ERP, mật độ giao thông tại Singapore đã giảm 20%.
Một quốc gia có được hệ thống giao thông minh là một trong những điểm mấu chốt, góp phần tạo nên sự phát triển của nền kinh tế - xã hội đất nước.