Giao thông đất Chín Rồng 'vươn mình' vào kỷ nguyên mới - Bài cuối: Động lực cho không gian phát triển mới
Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu cả nước phấn đấu đến hết năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu có khoảng 600 km để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, 80 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2025), 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Đó cũng là động lực góp phần tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp mới, khu đô thị mới, giá trị gia tăng mới của đất, tạo công ăn việc làm và sinh kế tốt hơn cho người dân vùng đất Chín Rồng nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, đoạn qua xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An/TTXVN
Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ
Trên công trường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 đoạn qua xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cán bộ kỹ thuật phụ trách xây dựng phần đường (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C) Cao Đình Dương cho biết, nhà thầu bố trí 8 máy bơm cát từ sà lan lên công trường; trong đó, có hai máy bơm, có thể tiếp nhận cát 24/24 giờ hàng ngày. Nhà thầu tổ chức tăng ca làm việc đến 23 giờ hàng ngày, bố trí năm mũi thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, đắp cắt gia tải, cố gắng kết thúc việc gia tải giai đoạn 1 trước ngày 20/4/2025 và giai đoạn 2 trước ngày 20/6/2025.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, nhu cầu cát của dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 khoảng 2,3 triệu m3. Trong năm 2024, tỉnh đã giao 4 mỏ cát cho nhà thầu thực hiện thủ tục khai thác theo cơ chế đặc thù với khối lượng khoảng 1,9 triệu m3. Để có đủ khối lượng cát cung cấp cho dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tham mưu UBND tỉnh Đồng Tháp cho phép đối với khối lượng cát chưa khai thác hết trong năm 2024 được tiếp tục khai thác trong năm 2025 và kéo dài thời gian khai thác.
Trong quá trình thực hiện cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và các sở, ngành liên quan nỗ lực giải quyết những khó khăn, nhất là về giải phóng mặt bằng và cát san lấp. Đến nay, những vướng mắc đã từng bước được tháo gỡ, nhà thầu đang cố gắng “vượt nắng thắng mưa”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” và thi công cả trong dịp lễ, Tết để phấn đấu hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng đúng tiến độ.
Với tầm quan trọng các dự án hạ tầng giao thông chiến lược vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp nhiều lần làm việc với các bộ, ngành, địa phương trong vùng. Nhiều lần kiểm tra công trường, đôn đốc, thăm, động viên cán bộ, công nhân, nhà thầu thi công, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, thăm bà con khu vực các dự án, kiểm tra công tác tái định cư, ổn định đời sống người dân,…
Trước tình trạng thiếu cát, sỏi, vật liệu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh có nguồn vật liệu đá (An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu,…) tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt hỗ trợ, phối hợp với các chủ đầu tư để ưu tiên cấp đá cho các dự án trọng điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu cát, sỏi, vật liệu thông thường, nguồn cấp phối đá dăm.
Chủ tịch UBND các tỉnh có nguồn vật liệu san lấp như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang sẽ áp dụng mọi cơ chế, chính sách đặc thù và cơ chế thuận lợi nhất để giải quyết đủ nguồn vật liệu theo chỉ tiêu được giao, cũng như đã cam kết về trữ lượng, công suất khai thác. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát bám sát công việc, chủ động làm việc với UBND các địa phương, các sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc cung ứng vật liệu san lấp đắp nền đường.
Tại tỉnh Đồng Tháp, hưởng ứng đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” của Trung ương, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch và tổ chức thực hiện đợt thi đua “Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1”. Theo đó, tỉnh đã phân công cụ thể nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến dự án nhằm mục tiêu đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Định hướng cho tương lai
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, nguyên Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (trước đây), việc phát triển giao thông phải gắn liền với nhu cầu phát triển hạ tầng logistics, kết nối với các công trình đầu tư phát triển khác của vùng. Cần xác định quan điểm phát triển rõ ràng, có tư duy hệ thống đảm bảo yêu cầu tích hợp trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, không cục bộ địa phương. Đồng thời, sắp xếp không gian và nguồn lực đầu tư phù hợp với yêu cầu phối hợp đồng bộ, hiệu quả đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình.
Đồng bằng sông Cửu Long cần lồng ghép các nguồn vốn đầu tư công khác, cũng như tạo lực hút vốn đầu tư xã hội; cần dựa trên cơ chế điều phối liên kết vùng về giao thông, ưu tiên các dự án liên tỉnh, liên kết nội vùng và liên vùng, đặc biệt là giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,…
Nằm ở vị trí đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước, Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau Tô Hoài Phương chia sẻ, Cà Mau có vai trò là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng, là nơi tập trung của nhiều đầu mối giao thông lớn như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 63, đường Hành lang ven biển phía Nam, thuận lợi với các tỉnh, huyện phụ cận; là cứ điểm quốc phòng, an ninh quan trọng của vùng bán đảo Cà Mau. Mục tiêu đến năm 2045, thành phố Cà Mau sẽ phát triển theo mô hình đô thị phi tập trung tầng bậc dựa trên sự hội tụ của các trục hướng tâm. Các cực trung tâm phân bố trên lãnh thổ theo tầng bậc, được kết nối với nhau bằng mạng lưới giao thông và các khu chức năng phân bố khá đồng đều cho các trung tâm.
Định hướng phát triển giao thông trong tương lai, ở vùng Đồng Tháp Mười, theo Sở Xây dựng Đồng Tháp, tỉnh phấn đấu phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ hiệu quả, phủ khắp từ khu vực thành thị đến nông thôn. Qua đó, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách được thuận lợi, nhanh chóng, thiết thực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với các tỉnh, thành trong vùng, tỉnh Đồng Tháp ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh các tuyến giao thông kết nối trọng điểm giữa tỉnh với quốc gia, các tuyến giao thông mang tính kết nối liên vùng, các tuyến giao thông chính của tỉnh, các trục chính đô thị, trục tuyến kết nối các đô thị, khu, cụm công nghiệp, các vùng nguyên liệu lớn. Quan tâm kết hợp quy hoạch khai thác quỹ đất hai bên đường để tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh tập hợp nhiều nguồn lực đầu tư phát triển, chú trọng nguồn lực thực hiện theo hình thức hợp tác công tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long cần phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Điều quan trọng hơn cả là cần rút kinh nghiệm để thời gian tới làm tốt hơn nữa. Những vấn đề khó khăn nhất đã vượt qua, hiện nay cần phải tạo động lực mới, khí thế mới, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm ngày Quốc khánh 2/9 và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Thực tế, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với tình trạng sụt, lún, sạt lở, hạn mặn,… Do đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan thực hiện dự án tổng thể giải quyết tình trạng này. Đồng thời, tích cực triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; tiếp tục hoàn thiện, mở rộng các sân bay Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá; đầu tư phát triển cảng biển Cái Cui, Trần Đề, Hòn Khoai,… từ đó mở ra các không gian phát triển mới.
Thủ tướng khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khó khăn nhưng tương lai phát triển rất tươi sáng. Hạ tầng giao thông được phát triển đồng bộ sẽ góp phần quan trọng giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa; mở ra cơ hội, không gian phát triển rộng lớn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp cho sự phát triển của đất nước,…