Giáo sư Hà Minh Đức: Một nhân cách lớn luôn đặt tri thức và đạo đức lên hàng đầu

Trong suốt gần 60 năm giảng dạy, Giáo sư Hà Minh Đức đã truyền kiến thức và cảm hứng cho hàng nghìn sinh viên, trong đó, nhiều người đã trở thành nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, nhà báo nổi tiếng.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Vân Khánh/Vietnam+)

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Vân Khánh/Vietnam+)

Cuộc đời của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức là một hành trình dài đầy cống hiến cho giáo dục, nghiên cứu và văn hóa Việt Nam. Ông không chỉ là một nhà khoa học xuất sắc, một người thầy tận tụy mà còn là một nhân cách lớn, luôn đặt tri thức và đạo đức lên hàng đầu.

Đó là nhận định của Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong buổi lễ ra mắt ấn phẩm mới của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức ngày 23/5.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, di sản của thầy Hà Minh Đức không chỉ là những công trình nghiên cứu, những thế hệ học trò, mà còn là một tinh thần học thuật, một tình yêu không bao giờ vơi cạn với nghề giáo và sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

 Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức trong vòng tay các thế hệ học trò. (Ảnh: Vân Khánh/Vietnam+)

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức trong vòng tay các thế hệ học trò. (Ảnh: Vân Khánh/Vietnam+)

“Trong dòng chảy của thời gian, những thế hệ thầy cô và sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ tiếp tục bước đi, nhưng những gì mà Giáo sư Hà Minh Đức để lại sẽ mãi là một phần không thể thiếu trong hành trang tri thức và tinh thần của họ. Những cuốn sách ông viết, những bài giảng ông để lại, những tư tưởng mà ông theo đuổi sẽ tiếp tục đồng hành cùng những ai yêu văn chương và khao khát khám phá những giá trị nhân văn sâu thẳm trong đó,” ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Ngày 23/5, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức sự kiện “Bài giảng danh dự" và lễ ra mắt ấn phẩm mới “Người thầy và những trang sách” cho Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức.

Trong không gian ấm cúng, nhà giáo Hà Minh Đức bày tỏ sự xúc động: “Với tôi, đây là điều vinh dự, là niềm vui và là lòng biết ơn đối với nhà trường. Không có niềm vui nào bằng sự trân trọng của học trò dành cho mình. Tôi đã gắn bó với nghề dạy học gần 60 năm, nhưng nếu còn sức khỏe, còn được dạy nữa, tôi vẫn có thể tiếp tục cố gắng được.”

 Ấn phẩm “Người thầy và những trang sách” khái lược lại 60 năm làm nghề giáo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ấn phẩm “Người thầy và những trang sách” khái lược lại 60 năm làm nghề giáo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Theo Tiến sỹ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) chia sẻ, cách đây 35 năm, khi nền báo chí cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn chuyên nghiệp hóa và hội nhập thì tại Đại học Tổng hợp Hà Nội - ngôi trường đại học khoa học đầu ngành của cả nước, một khoa mới đã được thành lập: Khoa Báo chí. Người thầy đầu tiên được giao trọng trách tổ chức, lãnh đạo và dẫn dắt đơn vị mới mẻ đó chính là Giáo sư Hà Minh Đức.

“Với tầm nhìn rộng mở, phương pháp đào tạo tiên tiến và đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy lý luận, cảm quan văn học và thực tiễn truyền thông, thầy đã đặt nền móng cho việc xây dựng chương trình đào tạo báo chí bài bản - nơi không chỉ truyền dạy kiến thức làm báo, mà còn bồi đắp tư tưởng, đạo đức và văn hóa cho người làm báo cách mạng,” Tiến sỹ Phan Văn Kiền bày tỏ.

Trong sự kiện tri ân ý nghĩa này, các thế hệ học trò của Giáo sư Hà Minh Đức đã lắng nghe bài giảng danh dự của ông về “Văn hóa Hồ Chí Minh.” Đây cũng là tựa đề của cuốn sách tâm huyết mà ông vừa xuất bản mới đây.

“Cuốn sách này được tôi viết trong nhiều năm. Mỗi ý tứ đều được chọn lọc từ những tác phẩm mang yếu tố văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó, tiếp tục phân tích và tổng hợp,” Giáo sư Hà Minh Đức chia sẻ.

 Một số ấn phẩm từng được xuất bản của Giáo sư Hà Minh Đức. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Một số ấn phẩm từng được xuất bản của Giáo sư Hà Minh Đức. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Theo đó, văn hóa Hồ Chí Minh được thể hiện qua tám khía cạnh chính như: văn hóa học đường, văn hóa và đời sống xã hội, văn hóa và ứng xử, văn hóa và báo chí, văn hóa và văn học-nghệ thuật, văn hóa và đổi mới, văn hóa quân sự và văn hóa với công tác tuyên giáo. Những tư liệu mà Người để lại là di sản vô giá.

Ở tuổi 90, Giáo sư Hà Minh Đức ra mắt ấn phẩm “Người thầy và những trang sách” khái lược lại 60 năm làm nghề giáo. Đây là đầu sách thứ 107 trong sự nghiệp của ông. Tác giả tự lên ý tưởng và làm việc trực tiếp với nhà xuất bản. Đó là điều đặc biệt của cuốn sách lần này./.

Tiểu sử Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức:

- Sinh năm 1935 tại Xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

- Lịch sử công tác:

Từ năm 1957-1991: Giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội

Từ năm 1991-2000: Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ năm 1995-2003: Viện trưởng Viện Văn học.

- Các danh hiệu: Nhà giáo Ưu tú, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân

- Các giải thưởng và ghi nhận:

Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì

Huân chương Lao động hạng Ba

Huân chương Lao động hạng Nhất

Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ năm 2000

Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001

Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012

Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về tác phẩm “Đi tìm chân lý nghệ thuật” năm 2009

Giải thưởng Sách hay của Bộ Thông tin và Truyền thông về tác phẩm “Một nền văn hóa nghệ thuật đậm bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú” năm 2011

Giải thưởng cuộc thi viết “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của Ban Tuyên giáo Trung ương về tác phẩm “Hồ Chí Minh anh hùng dân tộc và tầm thời đại của Người” năm 2015.

Giải thưởng Sách hay Quốc gia lần thứ nhất Bộ Thông tin và Truyền thông về tác phẩm “Hà Nội-Gặp gỡ với nụ cười” năm 2018

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/giao-su-ha-minh-duc-mot-nhan-cach-lon-luon-dat-tri-thuc-va-dao-duc-len-hang-dau-post1040315.vnp
Zalo