Giáo sư David Dapice: Biến cố áp thuế thúc đẩy Việt Nam tập trung củng cố nền sản xuất trong nước

LTS: Mặc dù ngày 9.4 Tổng thống Donald Trump thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại không trả đũa Hoa Kỳ nhưng quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vào xứ cờ hoa, công cố vào ngày 2.4, đã tạo nên cú sốc với nền kinh tế thế giới.

Tất nhiên, bản thân nước Mỹ cũng bị tổn thương mà như các chuyên gia cảnh báo đó là chính sách thuế mới của Tổng thống Trump đã đẩy thuế quan trung bình của Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 1903, ảnh hưởng tới 75% hàng nhập khẩu. Người tiêu dùng sẽ chịu tác động nặng nề, kinh tế có nguy cơ suy thoái do giảm nhập khẩu và tăng chi phí.

Trong cuộc nói chuyện trực tuyến với cựu học viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, GS David Dapice - học giả Quốc tế Đại học Tuft, Trường Quản lý Nhà nước John F.Kennedy, Đại học Harvard và là chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển ở Đông Nam Á, đã chia sẻ góc nhìn của ông về chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

* * *

GS-TS David O. Dapice. Nguồn: Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

"Rất nhiều người, trong đó có tôi quan tâm đến những nguyên tắc định hướng chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.

Ông Trump là một doanh nhân từng trải. Từ góc nhìn của một nhà kinh doanh, thâm hụt thương mại là điều tồi tệ. Ông cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ gặp vấn đề. Hoa Kỳ bị lợi dụng, bị gian lận thương mại. Tuy nhiên, đa số các nhà kinh tế đều không nghĩ như vậy. Thương mại tự do giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ có thêm nhiều lựa chọn hàng hóa với giá cả hợp lý. Đối với nguyên vật liệu đầu vào, tăng thuế nhập khẩu đồng thời làm tăng giá hàng hóa đầu ra. Ngược lại, giảm thuế sẽ thúc đẩy xuất khẩu.

Áp thuế giúp dịch chuyển những nhà máy thâm dụng lao động quay trở lại Hoa Kỳ là một ý tưởng không thực tế khi mà ông ấy hạn chế nhập cư, trục xuất hàng triệu lao động không có giấy tờ hợp pháp (đương nhiên chính sách này giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm cơ học) trong khi tăng trưởng lao động Mỹ thấp bởi tỷ lệ sinh thấp. Ngay cả trường hợp sử dụng robot thay thế lao động sống thì vẫn có nhiều loại hàng hóa Mỹ không thể tự chủ được nguyên liệu, chẳng hạn như cà phê, sản lượng không đáng kể ở Hawaii.

Việt Nam đứng thứ ba trong danh sách những quốc gia có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thuế suất 46% áp đặt lên hàng hóa Việt Nam là không phù hợp. Thuế suất nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện đã dưới 10%.

Thế giới phản ứng khác nhau với chính sách thuế đối ứng dựa vào mức thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa (hữu hình), hiện chia thành ba nhóm. Đầu tiên là Trung Quốc. Là một nước lớn và không còn phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Hoa Kỳ như nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ. Liên minh châu Âu (EU) có xu hướng tìm cách đàm phán hơn là đối đầu với Hoa Kỳ bởi EU vẫn cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ về an ninh quốc phòng, đặc biệt là trong cuộc chiến tại Ukraine. Việt Nam thuộc nhóm thứ ba, gồm những quốc gia bày tỏ mong muốn đàm phán với Hoa Kỳ.

Trưa 4.4.2025, Tổng thống ỹ Donald Trump cho biết , ông vừa “có một cuộc điện đàm rất hiệu quả” với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Ảnh chụp màn hình

Trưa 4.4.2025, Tổng thống ỹ Donald Trump cho biết , ông vừa “có một cuộc điện đàm rất hiệu quả” với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Ảnh chụp màn hình

Tổng Bí thư Tô Lâm là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên chủ động điện đàm với Tổng thống Trump. Ông Tô Lâm nói Việt Nam sẵn sàng giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Hoa Kỳ về zero và thể hiện thiện chí tiếp tục đàm phán. Một số nguồn tin thân cận từ Nhà Trắng cho hay Tổng thống Trump hào hứng với thiện chí từ lãnh đạo Việt Nam. Ông ấy thích đàm phán song phương.

Lãnh đạo Việt Nam khôn khéo khi phát đi thông điệp rằng Việt Nam muốn được đối xử bình đẳng, công bằng như những nước khác. Nếu thuế suất 10% áp đồng đều lên hàng hóa từ các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ, tác động đối với Việt Nam không đáng kể dù hàng hóa sẽ đắt hơn một chút".

Những yếu tố tác động đến chính sách thuế đối ứng

"Có người phàn nàn rằng Việt Nam phá giá tiền đồng một cách không công bằng. Vấn đề phần nhiều nằm ở việc đồng đô-la mạnh hơn là đồng Việt Nam yếu. Nếu Hoa Kỳ duy trì ngân sách liên bang cân đối hơn, thì sẽ có đồng đô la yếu hơn. Nhưng nếu đồng nhân dân tệ, đồng yên, đồng euro đều yếu đi so với đồng đô-la thì đồng Việt Nam cũng phải yếu theo để cân bằng cán cân mậu dịch tổng thể (đa phương).

Thực tế là Việt Nam gần như cân bằng trong cán cân tài khoản vãng lai và tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nhu cầu nhập khẩu rất khiêm tốn. Vì thế, những bằng chứng ấy đã cho thấy Việt Nam không thao túng tiền tệ mà chỉ đơn thuần là quản lý tiền tệ để tránh thâm hụt. Nếu Trung Quốc ngừng mua hoặc bán trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, đồng đô-la sẽ yếu đi và đồng Việt Nam cũng phải điều chỉnh theo hướng đó. Nhưng về cơ bản, Trung Quốc, EU, hay Hoa Kỳ là những "con voi" và các nước nhỏ phải làm những gì có thể để tránh bị giẫm đạp.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng Cộng hòa là duy trì chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Chính sách này mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Hoa Kỳ dù ảnh hưởng đến thu ngân sách của Hoa Kỳ. Phần thâm hụt này sẽ được bù đắp bằng nguồn thu từ thuế đối ứng. Hàng hóa đắt đỏ hơn ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của tầng lớp thu nhập trung bình và người nghèo ở Hoa Kỳ. Thành viên Đảng Cộng hòa ủng hộ tổng thống nhưng cũng phải lắng nghe tiếng nói cử tri là cộng đồng kinh doanh, lo ngại hệ thống kinh tế sụp đổ. Điều này sẽ mang lại lợi thế cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Sau khi trái phiếu Hoa Kỳ bị bán tháo, Tổng thống Trump đã quyết định tạm hoãn chính sách thuế đối ứng 90 ngày với các nước (trừ Trung Quốc). Diễn biến xấu trên thị trường tài chính sẽ ảnh hưởng đến chính sách của ông Trump. Thêm nữa, một số thẩm quyền về thuế quan vẫn thuộc về Quốc hội. Quyền này sẽ được trao lại cho cơ quan lập pháp khi tỷ lệ nghị sĩ phản đối (chính sách của Tổng thống) quá bán, ngay cả trong trường hợp Tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp để mạnh tay hơn nữa. Điều quan trọng nhất với cử tri Hoa Kỳ vẫn là sự ổn định của nền kinh tế".

Tăng cường nội lực là giải pháp căn cơ, để nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu, thích ứng tốt hơn trước những cú sốc. Ảnh: Thaco

Tăng cường nội lực là giải pháp căn cơ, để nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu, thích ứng tốt hơn trước những cú sốc. Ảnh: Thaco

Tích lũy nội lực

GS David Dapice có niềm tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này dù “bị trầy xước nhưng không đến mức trọng thương”. Thuế đối ứng sẽ tác động đến Việt Nam trong ngắn hạn, chẳng hạn như mục tiêu tăng trưởng năm nay nhưng không ảnh hưởng đến tăng trưởng trung và dài hạn. Biến cố này thúc đẩy Việt Nam tập trung củng cố nền sản xuất trong nước.

Doanh nghiệp Việt Nam hiện thiếu kết nối với khu vực FDI. Chính phủ Việt Nam nên yêu cầu các tập đoàn bất động sản phải đa dạng hóa, đầu tư vào công nghiệp chế biến - chế tạo nếu muốn tiếp tục được hưởng chính sách ưu đãi. Nếu không cải thiện được tỷ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam sẽ khó phản biện được quan điểm cứng rắn của Peter Navarro (cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump), cáo buộc Việt Nam là điểm trung chuyển của hàng hóa Trung Quốc. Tăng cường nội lực là giải pháp căn cơ, để nền kinh tế có khả năng chống chịu, thích ứng tốt hơn trước những cú sốc. Bên cạnh đó là đa dạng hóa thị trường mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).

Nên tranh thủ sự ủng hộ từ những doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư ở Việt Nam

Trả lời câu hỏi nếu nhận được đề nghị đưa ra lời khuyên cho đoàn đàm phán của Việt Nam, GS David Dapice cho rằng một số hãng luật có quan hệ gần gũi với chính quyền ông Trump có lợi thế vận động chính sách. Tiếng nói ủng hộ từ những người thân cận với Tổng thống rằng Việt Nam không phải là vấn đề của Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ tích cực cho nỗ lực đàm phán. Việt Nam cần được đối xử bình đẳng như các quốc gia khác khi Hoa Kỳ thực hiện chính sách thuế đối ứng.

Mặt khác, Việt Nam cũng nên thể hiện thiện chí hợp tác bằng những hành động cụ thể. Phối hợp với Hoa Kỳ giải quyết tình trạng hàng hóa trá hình từ nước thứ ba. Bên cạnh đó là giải quyết một số gút mắc trong quan hệ thương mại hai nước, chẳng hạn như tăng nhập khẩu ethanol từ Hoa Kỳ lên 10% từ mức 5% hiện nay. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng thêm mấy trăm triệu USD, không giải quyết được thâm hụt thương mại nhưng lại tranh thủ được thêm nhiều tiếng nói ủng hộ có trọng lượng.

Câu chuyện những người nuôi tôm ở bang Louisiana lo ngại không cạnh tranh được với tôm Việt Nam cũng không phải là vấn đề lớn, khi mà 90% lượng tôm của Hoa Kỳ đến từ nhập khẩu. Việt Nam cũng nên tranh thủ sự ủng hộ từ những doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư ở Việt Nam, cũng như Đảng Dân chủ vốn có nhiều thiện cảm với Việt Nam.

Thượng Tùng ghi

___________________

(*) GS-TS David O. Dapice là học giả Quốc tế Đại học Tuft, Trường Quản lý Nhà nước John F.Kennedy, Đại học Harvard. Ông là chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển ở Đông Nam Á. Ông nghiên cứu chuyên sâu về Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

GS Dapice từng là cố vấn trưởng cho Bộ Tài chính Indonesia khi đất nước này đang tăng trưởng nhanh chóng. GS. Dapice đã nghiên cứu nền kinh tế Việt Nam từ cuối thập niên 1980, trọng tâm là các vấn đề kinh tế vĩ mô, chính sách đầu tư công, và phát triển vùng. Chính phủ Việt Nam thường xuyên tham khảo ý kiến chuyên môn của GS. Dapice về các vấn đề chính sách kinh tế. Ông là tác giả và đồng tác giả của nhiều nghiên cứu chính sách, cụ thể là công trình Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông và Đông Nam Á và tương lai Việt Nam.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bien-co-ap-thue-thuc-day-viet-nam-tap-trung-cung-co-nen-san-xuat-trong-nuoc-47828.html
Zalo