Giao quyền tự chủ và chấp nhận rủi ro về nghiên cứu
Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã có những điều chỉnh quan trọng, trong đó nhấn mạnh việc giao quyền tự chủ cho cơ sở nghiên cứu là điều cần thiết.
Sáng 6/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều, tăng hai điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Theo tờ trình, Dự thảo luật đã có những điều chỉnh quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu cơ bản, cân đối giữa nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn. Đặc biệt chú trọng đến các yêu cầu triển khai nghiên cứu cơ bản xuất phát từ vấn đề nảy sinh cần giải quyết từ nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ.
Một trong những mục tiêu lớn của Dự án Luật là đưa Việt Nam từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Để thực hiện được tư duy đột phá này, việc giao quyền tự chủ cho cơ sở nghiên cứu là điều cần thiết.
Phó Thủ tướng chính phủ Lê Thành Long cho biết: “Cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu”.
Cũng theo tờ trình, ngân sách Nhà nước cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sẽ được ưu tiên phân bổ ngân sách để làm chủ công nghệ chiến lược, thay vì dàn trải như trước.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị cần thể hiện rõ nét hơn vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, chủ thuyết phát triển trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, có quy định mang tính đột phá, vượt trội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cũng như cần nghiên cứu kỹ chính sách thu hút vốn và các quỹ đầu tư.
Ông Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Nghiên cứu, hoàn thiện quy định liên quan đến các quỹ, bổ sung quy định việc kết nối, liên thông, phối hợp, đối ứng giữa các quỹ bộ, ngành, địa phương với Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước, tránh manh mún, dàn trải. Đề nghị giải trình về tính phù hợp, cơ chế quản lý nguồn ngân sách chi cho các quỹ khi quy định năm loại quỹ trong Dự thảo luật”.
Về cơ chế quản lý kinh phí, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu quy định về cơ chế rút gọn thủ tục đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm.