Giao lộ sáng tạo: Kết nối quá khứ - tương lai

Lần đầu tiên, giao lộ sáng tạo của Hà Nội sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của thành phố.

Nhiều người dân Hà Nội đến nay vẫn còn nhớ những ấn tượng về Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023. Thác nước Hàng Đậu tưởng chừng đã "ngủ quên" hay di sản công nghiệp Nhà máy Xe lửa Gia Lâm... được khoác áo mới trở nên hấp dẫn và lôi cuốn nhiều người.

Đánh thức tinh thần sáng tạo

Tiếp nối thành công của lễ hội nêu trên, ngày 12-9 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 266 về kế hoạch tổ chức hoạt động tham gia Mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024-2025. Trong đó, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 dự kiến diễn ra từ ngày 9 đến 17-11 với chủ đề "Giao lộ sáng tạo".

Không gian sáng tạo trong Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023

Không gian sáng tạo trong Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023

Điểm mới của lễ hội năm nay là lần đầu tiên, giao lộ sáng tạo của Hà Nội sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của thành phố. Khu vực chính diễn ra lễ hội là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, kết nối trục Bắc - Nam (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và trục Đông - Tây (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền). Các công trình kiến trúc nổi bật là Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ) Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trường Đại học Tổng hợp... và các vườn hoa: Lý Thái Tổ, Cổ Tân, Diên Hồng...

Trong đó, một số công trình lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan như Nhà khách Chính phủ; một số tour được "kích hoạt" gồm Nhà hát Lớn, Trường Đại học Tổng hợp… Các hoạt động sáng tạo được tổ chức tại đây sẽ là cuộc "đối thoại" giữa công trình hiện hữu, gắn ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo. Qua đó, nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong việc tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc, thúc đẩy thủ đô phát triển, xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc WonderTour, đánh giá việc phát triển tour du lịch gắn với các điểm tham quan lịch sử không chỉ giúp du khách hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa của Hà Nội mà còn tôn vinh những giá trị di sản mà thành phố lưu giữ. Với các công trình như Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hay Trường Đại học Tổng hợp..., du khách sẽ có cơ hội khám phá vẻ đẹp kiến trúc, câu chuyện lịch sử và văn hóa độc đáo.

"Lễ hội Thiết kế sáng tạo là dịp tuyệt vời để kết hợp truyền thống với hiện đại. Các tour du lịch nên bao gồm những hoạt động tương tác, trải nghiệm thực tế ảo, trình diễn nghệ thuật và thi công kiến trúc sáng tạo. Điều này không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách mà còn phản ánh đúng tinh thần "giao lộ sáng tạo" của sự kiện" - ông Năng nhìn nhận.

Cơ hội cho ngành du lịch

Theo bà Nguyễn Huyền Châu, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty VAN•HOA, điểm đặc biệt ở Hà Nội là truyền thống lịch sử và văn hóa, trong đó tài nguyên đặc biệt là di sản văn hóa. Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay rất linh hoạt trong việc tiếp thu, tạo nên tư duy cần thiết cho quá trình thiết kế sáng tạo. Đây là những yếu tố cần phát huy để đẩy mạnh sự sáng tạo ở thủ đô.

Hơn 4 năm qua, dù gặp không ít khó khăn - nhất là vào thời điểm dịch COVID-19 hoành hành - nhưng Hà Nội vẫn nỗ lực hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của mình khi gia nhập Mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO. Hà Nội hiện có khoảng 120 không gian sáng tạo. Trong đó, 33 không gian thuộc sở hữu nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân, 6 không gian công cộng…

Không gian văn hóa sáng tạo tại các tuyến phố đi bộ điển hình là Bích họa Phùng Hưng, Tinh hoa làng nghề Việt Nam, Kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội… Bên cạnh đó, sự xuất hiện liên tục của những tổ hợp vui chơi giải trí trong các nhà máy, xí nghiệp cũ ở nội thành Hà Nội cho thấy nhu cầu cấp thiết về không gian văn hóa - nghệ thuật, sáng tạo dành cho giới trẻ.

Tuy vậy, quá trình xây dựng, thiết lập các không gian sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn do thiếu không gian. Phần lớn các không gian là của tư nhân nên tính ổn định không cao.

Vì vậy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết thành phố sẽ tạo điều kiện tối đa cho các không gian sáng tạo phát triển thuận lợi, dựa trên việc bảo đảm hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa các bên, từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô.

Với Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024, ông Lê Công Năng cho rằng để tăng cường trải nghiệm của du khách, tour du lịch có thể ứng dụng công nghệ số, như mã QR cung cấp thông tin, ứng dụng di động hướng dẫn tự động hay tour thực tế ảo tái hiện những sự kiện lịch sử. Ngoài ra, các hoạt động tương tác như chụp ảnh, kể chuyện, trò chơi tìm hiểu di tích... cũng góp phần làm tăng sự hấp dẫn. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh Hà Nội tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Đưa Hà Nội trở thành thành phố hội tụ sáng tạo và đổi mới

Đến tháng 12-2023, Việt Nam có 3 thành phố nằm trong Mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO, gồm: Hà Nội, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và Hội An (tỉnh Quảng Nam). Trong đó, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, có lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật với 5.922 di tích lịch sử - văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định công nhận 18 nhóm với 169 bảo vật quốc gia được lưu trữ tại Bảo tàng Hà Nội và các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Tổng Giám đốc WonderTour Lê Công Năng kỳ vọng với sự đầu tư, quan tâm và hợp tác chặt chẽ giữa các bên, các tour du lịch sẽ trở thành điểm nhấn ấn tượng trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, góp phần tô đậm thêm hình ảnh thủ đô không chỉ là một thành phố di sản mà còn là nơi hội tụ những sáng tạo và đổi mới.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-lo-sang-tao-ket-noi-qua-khu-tuong-lai-196240926200626519.htm
Zalo