Giao khoán vườn cà phê: Công nhân nói bị ép, doanh nghiệp nói hiểu nhầm
Nhiều công cho rằng phương án giao khoán vườn cà phê của các công ty thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam gây thiệt thòi cho người lao động.
Thời gian gần đây, giá cà phê liên tục tăng cao, đạt hơn 130.000 đồng/kg khiến người trồng cà phê phấn khởi. Tuy nhiên, nhiều công nhân tại Công ty Cà phê Ia Sao 1 và Công ty Cà phê 706 (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lại không đồng tình với phương án giao khoán vườn cà phê của hai đơn vị này.
Cụ thể, công nhân cho rằng giá thành giao khoán 10.000 đồng/kg là thấp, trong khi mức thu đóng bảo hiểm xã hội quá cao, gây thiệt thòi cho người công nhân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất.
Công nhân phản ứng mức đóng bảo hiểm quá cao
Theo phương án khoán, công nhân nhận giao khoán vườn cà phê sẽ nộp khoán hơn 4 tấn cà phê tươi/ha/năm; đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê từ 1,4 đến hơn 1,7 tấn/ha/năm. Ngoài ra, theo bậc lương, người lao động còn phải thêm bảo hiểm bằng tiền ở mức 5-10 triệu đồng/người.
![Nhiều công nhân phản ánh mức giá khoán cà phê thấp và nộp đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê cao gây khó khăn cho đời sống. Ảnh: VĐ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_19_114_51514079/460a92b3bdfd54a30dec.jpg)
Nhiều công nhân phản ánh mức giá khoán cà phê thấp và nộp đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê cao gây khó khăn cho đời sống. Ảnh: VĐ.
Chị NT (công nhân Công ty Cà phê Ia Sao 1) cho biết chị đã làm công nhân nhận khoán cà phê ở đây đã 17 năm rồi. Trước đây, công ty đóng bảo hiểm cho công nhân bằng tiền nhưng nay lại đổi hình thức sang đóng bằng cà phê và công nhân phải nộp thêm hơn 1,7 tấn/ha, quy ra đều cho các bậc lương từ bậc 1 đến bậc 6.
“Công ty ép công nhân phải ký vào hợp đồng giao khoán, nếu không ký thì không được phân lô. Chúng tôi mong muốn có sự điều chỉnh cho phù hợp” - chị NT nói.
Theo công nhân phản ánh, với mức giá cà phê cao mà công nhân phải đóng thêm hơn 1,7 tấn/ha/năm chi phí bảo hiểm xã hội thì công ty có lời, còn công nhân chịu thiệt.
![Hợp đồng giao khoán cà phê và mức nộp giao khoán, đóng bảo hiểm xã hội tại Công ty Cà phê Ia Sao 1.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_19_114_51514079/6e51a1e88ea667f83eb7.jpg)
Hợp đồng giao khoán cà phê và mức nộp giao khoán, đóng bảo hiểm xã hội tại Công ty Cà phê Ia Sao 1.
Tương tự, chị DH (công nhân Công ty Cà phê 706) ý kiến: “Các khâu chăm sóc công nhân chúng tôi đều tự bỏ ra cả. Ngoài định mức khoán, nộp bảo hiểm bằng cà phê thì tôi đóng thêm hơn 10 triệu đồng tiền bảo hiểm. Với giá như hiện nay, tôi không thể có lời”.
Công ty nói công nhân hiểu nhầm về phương án khoán
Trước những phản ánh trên, ông Trịnh Xuân Bảy, Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 1, cho rằng công nhân phản ánh phải nộp bằng cà phê đóng bảo hiểm xã hội hơn 1,7 tấn/ha/năm quá cao là hiểu nhầm, chưa rõ về phương án khoán.
![Ông Trịnh Xuân Bảy, Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 1, cho rằng công nhân hiểu nhầm về khoản nộp bảo hiểm xã hội đóng bằng cà phê. Ảnh: LK.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_19_114_51514079/0c2ac693e9dd008359cc.jpg)
Ông Trịnh Xuân Bảy, Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 1, cho rằng công nhân hiểu nhầm về khoản nộp bảo hiểm xã hội đóng bằng cà phê. Ảnh: LK.
Cụ thể, căn cứ Nghị định 168 quy định về khoán vườn cây, công ty đã xây dựng phương án khoán từ năm 2023 (chu kỳ 5 năm từ 2023 đến 2025) và được toàn thể công nhân thống nhất. Còn việc đóng bảo hiểm là dựa trên bảng lương.
Lý do trước đây đóng bảo hiểm bằng tiền, nay chuyển qua đóng sản phẩm là do nhiều công nhân không đóng tiền bảo hiểm xã hội, dẫn đến nợ đọng kéo dài. Việc quy ra sản lượng đóng bảo hiểm được tính trên giá thành sản xuất theo phương án khoán là 10.000 đồng/kg.
Theo ông Bảy, thời điểm xây dựng phương án, giá cà phê xuống thấp, công nhân không có ý kiến gì, nay giá cao mới có sự việc như vậy. Như chu kỳ trước, công ty xây dựng đơn giá 8.000 đồng/kg và giá thực tế giảm xuống còn 6.000 đồng/kg thì công ty phải bù lỗ đóng bảo hiểm cho người lao động. Nay giá lên, phần chênh lệch này công ty không giữ mà nộp về Tổng Công ty. Phương án này có hiệu lực 5 năm.
Sau khi nắm bắt thông tin, công ty đã có báo cáo với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Hiện Công ty Cà phê Ia Sao 1 quản lý khoảng 500 ha cà phê, có 294 người ký hợp đồng giao – nhận khoán.
Tương tự, ông Trần Minh Tuân, Giám đốc Công ty Cà phê 706, khẳng định đơn vị xây dựng phương án khoán công khai, minh bạch, không có chuyện áp đặt và được công nhân đồng thuận. Đây là chu kỳ thứ hai công ty thực hiện phương án này. Trước đây, phương án cũ, giá cà phê thấp khiến công ty phải bù lỗ.
![Công ty Cà phê 706 đã báo cáo sự việc cho Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_19_114_51514079/0799c320ec6e05305c7f.jpg)
Công ty Cà phê 706 đã báo cáo sự việc cho Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.
Cụ thể, chu kỳ 2017-2022, đơn giá 8.500 đồng/kg, giá thực tế 7.000 đồng/kg khiến doanh nghiệp bù lỗ 1.500 đồng/kg. Thời điểm xây dựng phương án cho chu kỳ mới 2023-2028 là 10.000 đồng/kg, lúc này giá cũng chưa cao nên phù hợp với tình hình chung, công nhân không ý kiến.
Theo phương án giao khoán vườn cà phê, nếu giá xuống thấp thì công ty sẽ bù lỗ đóng bảo hiểm cho công nhân, công nhân không phải đóng thêm. Trong cơ cấu đầu tư, chi phí được tính theo tỉ lệ doanh nhiệp 40%, công nhân 60%.
Trao đổi với PLO, ông Trần Văn Lực, Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai, cho biết công ty cà phê đăng ký đóng bảo hiểm bằng hệ số lương, bằng tiền. Liên quan việc này, doanh nghiệp không nộp cà phê vào quỹ bảo hiểm mà đóng bằng tiền. Còn về phương án giao khoán vườn cà phê là thỏa thuận giữa doanh nhiệp với người lao động.
Theo ông Lực, trong sự việc này cũng cần có sự hài hòa giữ, thống nhất giữa người lao động và doanh nghiệp. Lúc xây dựng phương án thì giá cà phê thấp, nay giá cà phê cao nên người lao động cảm thấy thiệt thòi.
Về mức đóng bảo hiểm cho người lao động: Tại Công ty Cà phê Ia Sao 1 (năm 2023), bình quân khoảng 23,8 triệu đồng; Công ty Cà phê 706 (năm 2024), mức thu cho bậc lương thấp nhất khoảng 17 triệu đồng/người, bậc cao nhất khoảng 30 triệu đồng/người.
Đề xuất thưởng thêm cho công nhân
Liên quan sự việc giao khoán vườn cà phê trên, ông Lê Đình Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cà phê 706, khẳng định không có doanh nghiệp nào có quyền thu bảo hiểm ngoài đơn vị bảo hiểm xã hội. Việc công nhân nói “đóng bảo hiểm bằng cà phê cho công ty” là do hiểu nhầm trong phương án khoán.
Theo ông Hoàng, trong phương án giao khoán vườn cà phê, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm 21,5%. Chi phí này từ tổ chức sản xuất, xây dựng phương án để cho ra một khối lượng sản phẩm bù đắp được toàn bộ chi phí bỏ ra trong năm. Nếu doanh thu vượt thì có lợi nhuận, nếu âm thì lỗ.
Ở chu kỳ khoán trước, do giá cà phê thấp nên doanh nghiệp phải bù lỗ. Nay giá cao nên mới xảy ra câu chuyện công nhân phản ánh, nguyên nhân là do người lao động hiểu chưa thấu đáo về phương án khoán. Trong chuyện này, vai trò công đoàn rất quan trọng, cần phải có cách tuyên truyền phù hợp, dễ hiểu hơn cho người lao động.
Ông Hoàng bày tỏ khi xây dựng phương án giao khoán vườn cà phê, ông đại diện công đoàn tham gia xây dựng và cũng là người phản biện, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Phương án đóng bảo hiểm là phải đảm bảo “tính đúng, tính đủ; thu đúng, thu đủ”, đảm bảo quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Thời điểm xây dựng phương án, giá cà phê rất thấp và phía doanh nghiệp đã chấp nhận mạo hiểm cho chu kỳ thực hiện trong 5 năm, trước đó là thua lỗ. Nay giá cao, phương án đó không thể thay đổi được, nhưng cần có sự điều chỉnh mức thưởng thêm tháng lương hoặc hỗ trợ phù hợp cho người lao động đã cống hiến. Vấn đề này, công đoàn đã ý kiến ra Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.
Hiện tại, với mức giá 28.000 đồng/kg, sản lượng bình quân mỗi ha cà phê từ 13-15 tấn/ha, trừ các định mức nộp khoán, bảo hiểm xã hội hơn 5.500 – 6.000 kg/ha thì người lao động vẫn có lời khoảng 170 triệu đồng/ha.