Giao hưởng ở Việt Nam: Một 'kỳ quan' âm thanh của thời đại
Giao hưởng từng rơi vào tình trạng khủng hoảng, gần như mất chỗ đứng ở Việt Nam. Thế nhưng, với sự phát triển của đời sống, giao hưởng Việt Nam đã trở lại và bắt đầu con đường vươn ra thế giới.
Dòng nhạc khơi gợi những xúc cảm
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thập niên 20 - đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, giao hưởng đã tạo nên một làn sóng. Không ít thanh niên, học sinh thành thị đã tìm đến các gia sư người Pháp để học cách tự mình diễn tấu những bản nhạc phương Tây trên nền nhạc cụ phương Tây.
Giao hưởng cổ điển không chỉ mang phong vị phương Tây đến Việt Nam mà còn khơi nguồn cho những sáng tác. Nhiều tác phẩm với đề tài quê hương, đất nước được ra đời như Đất nước anh hùng (La Thăng), Lửa cách mạng (Trần Ngọc Xương), Tượng đài vô danh(Đức Trịnh) v.v.
Hơn nữa, các nhà soạn nhạc còn lồng ghép tính dân tộc khi thể hiện bản nhạc giao hưởng của mình bằng những chi tiết đậm màu sắc Việt Nam. Trong đó phải kể đến câu chuyện nhạc sĩ Trần Thế Bảo đưa câu nói bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Concerto cho piano độc tấu.
Nhưng chỉ một thời gian, vị trí của giao hưởng bị đe dọa trước sự ồ ạt của các nhạc cụ điện tử, từ đó, những nhà soạn nhạc không còn tìm được mục đích để viết bài. Cho đến khi các dàn nhạc ra đời, giao hưởng một lần nữa quay trở lại với nền âm nhạc Việt Nam. Đặc biệt, nhiều người trẻ thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến “dòng nhạc bác học” giữa thời đại âm nhạc số lên ngôi.
Đón lấy tinh thần yêu quý dòng nhạc cổ điển, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) chính thức thành lập vào năm 1984. Trong 10 năm trở lại đây, Dàn nhạc đã được ghi nhận và đánh giá cao ở cả trong và ngoài nước.
Dòng nhạc truyền tải những thông điệp
Ngày 06/12/2022, VNSO đã phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO) tổ chức buổi hòa nhạc mang tên Family Concert. Trong đêm diễn, khán giả được tận hưởng một sân khấu hòa âm đặc biệt với sự góp mặt của những nhạc công không chuyên đến từ mọi lứa tuổi, ngành nghề.
Thông qua các bản nhạc, VNSOxVYO: Family Concert muốn truyền tải thông điệp về sự dũng cảm theo đuổi ước mơ, tự tin với đam mê của mình và cổ vũ mọi người sống hết mình hơn nữa. Nhạc trưởng Honna Tetsuji chia sẻ về ý nghĩa của đêm nhạc: “Âm nhạc giao hưởng tạo nên không gian, nơi những “đứa trẻ” trong mỗi người bước ra và chia sẻ niềm vui trong âm nhạc cùng nhau”.
Trong khoảnh khắc ánh đèn sân khấu được thắp sáng, tất cả cùng nhau hòa theo một giai điệu. Giao hưởng chính là sự giao thoa và cộng hưởng, đem đến sự hòa hợp, dễ chịu cho khán giả trong giây phút thưởng thức âm nhạc.
Lấy cảm hứng từ giai điệu hòa hợp đó, sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã lựa chọn "Symfonía" (tạm dịch: Giao hưởng) làm tên gọi cho chương trình Halloween 2023 với dụng ý: Không một bản giao hưởng nào được viết lên bởi một nốt nhạc đơn lẻ, giai điệu nào cũng là sự phối hợp hài hòa giữa các âm trầm - bổng khác nhau.
Từ đó, Halloween 2023: Symfonía muốn gửi gắm thông điệp nhân văn rằng: “Mỗi người chúng ta nên học cách hòa hợp trong cuộc sống và hòa hợp trong chính những ham muốn, giữa cảm xúc và lý trí đạo đức của mình để có thể sống một cuộc đời trọn vẹn và ý nghĩa”.
Halloween trường Báo năm nay sẽ đem đến bữa tiệc âm thanh hấp dẫn với những câu chuyện chưa được hé mở, hứa hẹn cho một đêm diễn nhiều cảm xúc, chinh phục được cả những vị khách khó tính nhất.