Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về sự việc ồn ào ở chùa Cự Đà

Sau trải nghiệm kinh hoàng của một cháu bé trong khóa tu tại chùa Cự Đà, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức lên tiếng.

- Phóng viên: Sau sự việc ồn ào ở chùa Cự Đà, Giáo hội phật giáo Việt Nam đã đề nghị Ban trị sự phật giáo TP Hà Nội gửi báo cáo về vụ việc. Đến nay giáo hội đã nhận được báo cáo về vụ việc chưa, thưa đại đức?

+ Đại đức Thích Nguyên Chính, Phó Chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Theo báo cáo của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thanh Oai, Ban đã đến chùa Cự Đà để họp cùng liên ngành gồm chính quyền thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai và kết luận chùa đã được chính quyền xã Cự Khê chấp thuận cho tổ chức khóa tu.

Cơ sở vật chất phục vụ khóa tu như chỗ ở, nhà vệ sinh, khu bếp ăn, lương thực thực phẩm cơ bản tốt, đủ điều kiện để tổ chức khóa tu. Đội ngũ giảng sư chất lượng tốt, nội dung giảng dạy phù hợp với ban hướng dẫn Phật tử thành phố Hà Nội và trung ương chỉ đạo.

Cũng theo báo cáo, sau khi xác minh thông tin mà mạng Facebook đã phản ánh, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thanh Oai đã yêu cầu ban tổ chức các khóa tu tìm cách khắc phục, hòa giải với gia đình cháu bé, đồng thời tạm dừng các khóa tu tiếp theo mà ban tổ chức dự định tổ chức ở chùa Cự Đà…

Đại đức Thích Nguyên Chính, Phó Chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông tin về sự việc ồn ào ở chùa Cự Đà

Đại đức Thích Di Kiên, trụ trì chùa Cự Đà và Trưởng ban tổ chức khóa tu đã đến nhà riêng của cháu bé để xin lỗi. Hai bên đi đến thống nhất hòa giải trên tinh thần vui vẻ, xây dựng. Ban tổ chức khóa tu nhận lỗi với gia đình về việc không thông báo với gia đình khi cháu nhập viện. Mẹ cháu bé sẽ gỡ bài viết trên facebook và không gửi đơn tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền.

- Hàng năm vào mùa hè, các chùa hay tổ chức các khóa tu cho học sinh, Giáo hộiPhật giáo Việt Namcó văn bản nhắc nhở hoạt động này?

+ Ngày 23-5-2023, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn 208 gửi giáo hội các tỉnh, thành, về việc tổ chức khóa tu mùa hè cho thanh, thiếu niên Phật tử và học sinh.

Theo đó, Ban thường trực Hội đồng trị sự đề nghị Ban hướng dẫn Phật tử trung ương và Ban hướng dẫn Phật tử giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành lập kế hoạch, đề ra nội dung chủ đề sinh hoạt, có văn bản hướng dẫn các chùa cơ sở tự viện trong cả nước tổ chức các khóa tu sinh hoạt hè nhằm tạo ra không gian trị liệu tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần lành mạnh cho giới trẻ.

Giáo hội cũng lưu ý trong công tác tổ chức khóa tu mùa hè cần lưu ý chọn các cơ sở tự viện có đủ điều kiện cơ sở vật chất, lưu ý về số lượng khoa sinh tham gia phù hợp với điều kiện cơ sở tự viện cho phép để đảm bảo chất lượng tu học, đảm bảo an toàn trong sinh hoạt cũng như các yêu cầu y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm… Ban tổ chức khóa tu cần phải phối kết hợp chặt chẽ với ban chuyên môn của giáo hội, các cấp chính quyền địa phương trong thời gian tổ chức khóa tu để đạt kết quả tốt nhất.

Năm nào giáo hội cũng có văn bản chỉ đạo rất sâu sắc. Năm ngoái chỉ riêng Hà Nội có 14.000 cháu được đến chùa học chữ hiếu, giáo lý, biết kính trọng, yêu thương ông bà cha mẹ thày cô, cố gắng học tập. Đó là kết quả rất tích cực.

Vụ việc ở chùa Cự Đà là một vụ việc không mong muốn xảy ra. Biết bao khóa tu đã được tổ chức, biết bao con người đã đóng góp vào đó, hoàn toàn với ý nghĩa tốt đẹp.

-Sau vụ việc này, Giáo hội có lưu ý gì trong việc tổ chức các khóa tu cho học sinh không, thưa đại đức?

+ Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn chỉ đạo rất sát sao. Ví dụ phải xin phép chính quyền địa phương, đảm bảo chỗ ăn ở, học tập của các cháu. Giáo hội cũng phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên để làm sao tổ chức các khóa tu thành công nhất.

Thực hiện: Yến Anh; đồ họa: Ngọc Trinh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoi-nong-dap-nhanh/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-len-tieng-ve-su-viec-on-ao-o-chua-cu-da-20230620065420619.htm
Zalo