Giáo hoàng Leo XIV: Người Mỹ đầu tiên dẫn dắt Giáo hội Công giáo
Ngày 8/5, Hồng y Robert Francis Prevost chính thức được bầu làm Giáo hoàng Leo XIV, trở thành vị Giáo hoàng thứ 267 lãnh đạo Giáo hội Công giáo với hơn 1,4 tỷ tín đồ trên toàn thế giới.
Việc ông được chọn làm Giáo hoàng đánh dấu một cột mốc lịch sử: lần đầu tiên một người Mỹ nắm giữ cương vị tối cao trong Giáo hội Công giáo.
Giáo hoàng Leo XIV có bài phát biểu đầu tiên từ ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter, ngày 8/5. (Nguồn: The Guardian)
Tân Giáo hoàng năm nay 69 tuổi, sinh ra tại Chicago, Mỹ. Ông có bằng cử nhân toán học tại Đại học Villanova (bang Pennsylvania, Mỹ), sau đó học thần học tại Liên hiệp Thần học Công giáo Chicago.
Tiếp tục con đường tu học, ông được cử sang Rome để lấy bằng giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinas và được phong linh mục vào tháng 6/1982.
Sự nghiệp của ông gắn bó mật thiết với Peru, nơi ông từng giảng dạy giáo luật tại một chủng viện ở Trujillo và dành nhiều năm làm nhà truyền giáo.
Ông đã hai lần được bầu làm Tổng trưởng dòng tu Augustinian – dòng tu nổi tiếng vì tinh thần cộng đồng và bình đẳng giữa các thành viên.

Khói trắng bốc lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistine, báo hiệu một giáo hoàng mới đã được bầu tại Vatican. (Nguồn: Reuters)
Năm 2014, theo đề nghị của Giáo hoàng Francis, ông rời vai trò lãnh đạo dòng tu để trở lại nắm giữ vị trí quan trọng tại Hội đồng Giám mục Peru. Năm 2015, ông chính thức nhập quốc tịch Peru.
Tuy là một người kín tiếng, ít khi xuất hiện trước công chúng hay truyền thông, nhưng vai trò của ông trong Vatican ngày càng nổi bật kể từ năm 2023, khi được Giáo hoàng Francis triệu tập về Rome để đứng đầu Bộ Giám mục, một trong những cơ quan có ảnh hưởng lớn nhất của Giáo hội Công giáo.
Cũng trong năm đó, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, khu vực có số lượng tín đồ Công giáo lớn nhất thế giới.
Dưới thời Giáo hoàng Francis, ông Prevost là người đứng sau nhiều cải cách quan trọng, trong đó có việc lần đầu tiên bổ sung phụ nữ vào nhóm có quyền bỏ phiếu trong quy trình đề cử giám mục, một bước tiến mang tính lịch sử trong nội bộ Giáo hội Công giáo.

Người dân Mỹ ở Texas ăn mừng sau khi Giáo hoàng Leo XIV đắc cử. (Nguồn: Getty Images)
Tháng 1, ông được thăng chức vào hàng ngũ Hồng y cao cấp nhất, được xem là dấu hiệu rõ ràng về sự tin tưởng mà Giáo hoàng Francis dành cho ông.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Giáo hoàng Leo XIV, ông bày tỏ lòng biết ơn đến các Hồng y đã tín nhiệm và chia sẻ tầm nhìn về một Giáo hội mang tính đối thoại, cởi mở và truyền giáo: "Chúng ta phải cùng nhau hướng tới trở thành một Giáo hội xây dựng cầu nối và đối thoại. Mọi người đều được chào đón trong Giáo hội này".
Ông cũng kêu gọi "thể hiện lòng bác ái với mọi người và đối thoại bằng tình yêu thương", thông điệp được cho là sẽ tiếp nối tinh thần cải cách và hội nhập mà cố Giáo hoàng Francis theo đuổi trong suốt thời kỳ tại vị.
Nhiều người từng tiếp xúc với ông Prevost đều mô tả ông là người điềm đạm, giàu lòng nhân ái và luôn giữ tinh thần lạc quan.
Mục sư Mark Francis, người bạn từ những năm 1970 của Giáo hoàng Leo XIV, nhận xét: "Ông ấy luôn thân thiện và nồng hậu, có óc hài hước nhưng không phải người ưa được chú ý. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ các cam kết của cố Giáo hoàng Francis, đặc biệt trong các vấn đề công bằng xã hội".
Trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gửi lời chúc mừng, gọi việc Hồng y Robert Francis Prevost được chọn làm Giáo hoàng là "một vinh dự lớn cho nước đất nước".