Giáo hoàng Francis: Nhà lãnh đạo tinh thần yêu chuộng hòa bình
Giáo hoàng Francis được đánh giá là một trong những vị giáo hoàng được yêu mến và có ảnh hưởng nhất trong thời hiện đại, nổi bật với tình yêu thương không biên giới và niềm hy vọng vào một thế giới bình yên, nhân văn hơn.

Giáo hoàng Francis. Ảnh: ABC News.
Cuộc đời Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Francis, có tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17-12-1936 tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) trong một gia đình nhập cư từ vùng Piemonte, miền bắc Italia.
Cha ông là một nhân viên đường sắt, còn mẹ là một người nội trợ. Từ nhỏ, ông Jorge Mario Bergoglio đã sống trong một môi trường đậm chất công giáo và hình thành tình yêu sâu sắc với Chúa, người nghèo và công lý xã hội.
Năm 1958, Jorge Mario Bergoglio gia nhập Dòng Tên (Jesuits) - một dòng tu nổi tiếng trong Giáo hội Công giáo với truyền thống giáo dục và sứ vụ truyền giáo. Sau thời gian tu học kỹ lưỡng về triết học, thần học và mục vụ, ông được truyền chức linh mục năm 1969. Ông từng giảng dạy văn học và tâm lý học tại nhiều trường của Dòng Tên, đặc biệt là Đại học Giáo hoàng ở Buenos Aires.

Giáo hoàng Francis (đứng thứ hai từ trái sang) thời trẻ. Ảnh: The Guardian.
Đến năm 1973, ông Jorge Mario Bergoglio được bầu làm Giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina. Trong giai đoạn này, ông đối diện với nhiều thách thức to lớn từ bối cảnh chính trị căng thẳng của đất nước, nhất là trong thời kỳ chế độ độc tài quân sự. Là người lãnh đạo tôn giáo, ông không chỉ bảo vệ các tu sĩ và giáo dân, mà còn nỗ lực giữ vững lập trường hòa bình, nhân đạo và không khoan nhượng với bất công xã hội.
Năm 1992, ông Jorge Mario Bergoglio được Giáo hoàng John Paul II bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá của Tổng giáo phận Buenos Aires. Năm 1998, ông trở thành Tổng giám mục của giáo phận này sau khi người tiền nhiệm qua đời. Với tinh thần khiêm nhường, gần gũi và giản dị, ông nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân, đặc biệt là người nghèo. Thay vì sống trong cung điện của giáo phận, ông chọn sống trong một căn hộ nhỏ, tự nấu ăn, đi lại bằng phương tiện công cộng và dành thời gian tiếp xúc trực tiếp với các cộng đồng nghèo khó.
Năm 2001, ông Jorge Mario Bergoglio được phong Hồng y (bởi Giáo hoàng John Paul II). Có vị trí quan trọng hơn, nhưng Hồng y Jorge Mario Bergoglio tiếp tục giữ phong cách sống khiêm tốn và tập trung vào các vấn đề xã hội: Nghèo đói, tham nhũng và công bằng xã hội. Ông từng chỉ trích mạnh mẽ sự thờ ơ của xã hội đối với người nghèo, coi đây là một dạng “toàn cầu hóa của sự dửng dưng”.

Giáo hoàng Francis nổi tiếng với sự thân thiện và lòng nhân ái. Ảnh: Vatican.
Ngày 13-3-2013, sau khi Giáo hoàng Benedict XVI từ nhiệm, Hồng y Jorge Mario Bergoglio được mật nghị hồng y bầu làm Giáo hoàng - người kế vị thứ 266 của Thánh Peter. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một vị giáo hoàng đến từ châu Mỹ Latinh, và cũng là người đầu tiên thuộc Dòng Tên lên ngôi Giáo hoàng.
Ông chọn tông hiệu là Francis, để tưởng nhớ Thánh Francis Assisi - vị thánh nổi tiếng với đời sống khó nghèo, yêu thiên nhiên và tận hiến cho người nghèo. Việc chọn tên này báo hiệu một hướng đi mới, ưu tiên cho người nghèo, hòa bình, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Thay đổi hình ảnh của Giáo hội Công giáo
Từ khi lên ngôi, Giáo hoàng Francis đã mang đến một luồng gió mới cho Giáo hội Công giáo vốn đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng.
Giáo hoàng Francis chọn phong cách lãnh đạo khiêm nhường, gần gũi và nhân hậu, giúp khôi phục phần nào hình ảnh và lòng tin của công chúng với Giáo hội.
Giáo hoàng Francis đặt ra nhiều cải cách sâu rộng với Giáo hội, trong đó có việc tinh giản cơ cấu hành chính của Vatican, cải tổ giáo luật, và thúc đẩy sự minh bạch tài chính. Nhiều Hồng y và quan chức cấp cao của Vatican đã bị điều tra và xét xử, điều trước đây rất hiếm.
Năm 2022, Giáo hoàng Francis ban hành Tông hiến Praedicate Evangelium (“Hãy rao giảng Tin Mừng”) - văn kiện cải tổ toàn diện hệ thống hành chính của Tòa Thánh. Trong đó, thay đổi nổi bật là lần đầu tiên giáo dân, kể cả phụ nữ, có thể đứng đầu các cơ quan của Vatican, phá vỡ truyền thống chỉ dành cho Hồng y hoặc Giám mục. Văn kiện cũng tăng cường sự tham gia của các giáo phận và hội đồng giám mục địa phương vào đời sống của Giáo hội toàn cầu.
Giáo hoàng Francis đã thành lập Hội đồng Kinh tế và Văn phòng Kiểm toán viên độc lập, thuê cả chuyên gia ngoài Giáo hội để kiểm toán. Dưới thời Giáo hoàng Francis, Giáo hội áp dụng hệ thống ngân sách minh bạch, và các cơ quan của Vatican phải công khai báo cáo tài chính định kỳ hằng năm.
Tuy vấp một số chỉ trích từ các nhóm bảo thủ trong Giáo hội, Giáo hoàng Francis kiên định theo đuổi con đường của sự cảm thông, phục vụ và cải cách.
Trong quá trình cải cách, Giáo hoàng Francis cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của lòng thương xót, mời gọi giáo dân sống đức tin bằng sự bao dung, yêu thương hơn là phán xét. Ngài thường nói rằng: "Giáo hội giống như một bệnh viện dã chiến, cần chữa lành các vết thương trước khi lên án người bệnh".
Theo các nhà quan sát, Giáo hoàng Francis đã khiến người ta nhìn lại Giáo hội như một “ngôi nhà của lòng thương”, không chỉ là nơi giữ luật mà còn là nơi chữa lành.

Giáo hoàng Francis phát biểu trước đông đảo tín đồ tại Vatican ngày 31-3-2013. Ảnh: ABC News.
Vị Giáo hoàng nhân ái, yêu chuộng hòa bình
Từ khi lên ngôi, Giáo hoàng Francis nổi bật với sự giản dị và lòng nhân ái. Ngài từ chối sử dụng xe Giáo hoàng sang trọng, chọn sống tại nhà trọ Thánh Marta thay vì cung điện Tông Tòa, và thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ với người vô gia cư, người nhập cư và tù nhân.
Năm 2015, Giáo hoàng Francis đã ban hành thông điệp “Laudato si’” - một văn kiện quan trọng về môi trường, trong đó kêu gọi toàn thế giới cùng hành động để cứu lấy “ngôi nhà chung của nhân loại”. Đây là lần đầu tiên một Giáo hoàng dành trọn một thông điệp để nói về biến đổi khí hậu và trách nhiệm của con người với trái đất. Giáo hoàng cũng thường xuyên lên án việc khai thác thiên nhiên bừa bãi, và yêu cầu các chính phủ, doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với tương lai hành tinh.
Giáo hoàng Francis cũng là người đối thoại tích cực với các tôn giáo khác. Ngài đã từng có những cuộc gặp gỡ lịch sử với lãnh đạo Hồi giáo, Do Thái giáo, Chính Thống giáo và các tôn giáo phương Đông để thúc đẩy hòa bình liên tôn và sự cảm thông lẫn nhau. Năm 2019, Giáo hoàng Francis đã cùng Đại Imam của Al-Azhar ký “Tuyên ngôn Abu Dhabi” - tài liệu lịch sử về tình huynh đệ giữa các dân tộc và tôn giáo. Đây là bước đi quan trọng trong việc giảm thiểu xung đột tôn giáo và tăng cường sự hợp tác toàn cầu.

Giáo hoàng Francis trò chuyện với các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hồi năm 2017. Ảnh: The Guardian.
Giáo hoàng Francis cũng luôn quan tâm đặc biệt đến giới trẻ, và thường xuyên tham gia Ngày Giới trẻ thế giới (World Youth Day), gửi đi những thông điệp truyền cảm hứng. Với giọng nói gần gũi, sự hài hước và thấu hiểu, Giáo hoàng thu hút lại sự chú ý của thế hệ trẻ với Giáo hội vốn đang giảm sút nghiêm trọng ở nhiều nơi.
Giáo hoàng Francis còn đặc biệt quan tâm đến những người yếm thế như: Người tị nạn, cộng đồng đồng tính... Dù vẫn giữ lập trường truyền thống, nhưng Giáo hoàng kêu gọi nhìn mọi người bằng cái nhìn của lòng thương xót, khích lệ đối thoại thay vì kết án.
Nhìn chung, Giáo hoàng Francis được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng nhất thế kỷ 21. Với cách tiếp cận đầy nhân văn, ngài không chỉ làm mới hình ảnh của Giáo hội Công giáo, mà còn trở thành một tiếng nói đạo đức mạnh mẽ trên trường quốc tế, nhất là trong những vấn đề về di dân, nghèo đói, môi trường và hòa bình thế giới.

Giáo hoàng Francis II xuất hiện lần cuối trước công chúng trong Lễ Phục sinh năm 2025 (ngày 20-4-2025). Ảnh: The Guardian.
Theo Vatican, ABC News, The Guardian