Giáo hoàng Francis: Làn gió mới thổi vào nhà thờ 2.000 năm tuổi
Giáo hoàng Francis, người Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử dẫn dắt giáo hội Công giáo La Mã, đã thuyết phục thế giới bằng phong cách khiêm nhường và sự quan tâm đến số phận người nghèo, dù không được lòng phe bảo thủ.
Chuông đã đổ trên các tháp nhà thờ trên khắp Rome sau thông báo Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88. Giáo hoàng đột ngột qua đời ít ngày sau khi ông xuất viện.
Trong 12 năm tại vị, Giáo hoàng Francis lãnh đạo bằng phong cách rất khác so với những người tiền nhiệm, thể hiện sự khiêm nhường sau một giai đoạn dài Giáo hội Công giáo bị bủa vây bởi bê bối và chỉ trích về sự thờ ơ.

Giáo hoàng Francis. ̣(Ảnh: Getty)
Ngày 13/3/2013, người đàn ông Jorge Mario Bergoglio sinh ra ở Argentina đã mang đến một luồng gió mới cho tổ chức tôn giáo 2.000 năm tuổi, vào thời điểm sức ảnh hưởng và uy tín của nhà thờ bị suy yếu nghiêm trọng trong nhiệm kỳ đầy khó khăn của Giáo hoàng Benedict XVI.
Thử thách lớn nhất mà Giáo hoàng Francis gặp phải là khi ông xử lý vụ bê bối lạm dụng tình dục của giáo sĩ ở Chile năm 2018. Hàng loạt vụ bê bối lạm dụng tình dục trong các nhà thờ trên khắp thế giới đã âm ỉ dưới thời những người tiền nhiệm đã bùng phát trở lại.
Giáo hoàng cũng đã dẫn dắt giáo hội vượt qua đại dịch COVID-19 khi tòa thánh Vatican bị phong tỏa.
Ông đã kêu gọi thế giới sử dụng COVID-19 như một cơ hội để suy nghĩ lại về khuôn khổ kinh tế và chính trị mà ông cho rằng đã làm gia tăng mâu thuẫn giàu nghèo.
"Chúng ta đã nhận ra rằng chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng", Giáo hoàng Francis phát biểu tại Quảng trường Thánh Peter vắng tanh vào tháng 3/2020.
Ông nói rằng đại dịch cho thấy "tất cả chúng ta phải cùng nhau chèo thuyền, mỗi người đều phải an ủi người khác".
Cải cách Vatican
Giáo hoàng Francis được bầu với sứ mệnh cải cách bộ máy hành chính và tài chính của Vatican, nhưng ông đã tiến xa hơn đến mức làm rung chuyển nhà thờ, dù không thay đổi học thuyết cốt lõi.
"Tôi là ai mà phán xét?", ông trả lời khi được hỏi về một linh mục được cho là người đồng tính. Bình luận này được coi là một thông điệp tích cực gửi đến cộng đồng LGBTQ+ và những người cảm thấy bị xa lánh trong một nhà thờ coi trọng sự phù hợp về tình dục hơn là tình yêu vô điều kiện.
"Là người đồng tính không phải là một tội ác", Giáo hoàng Francis nói với AP năm 2023, kêu gọi chấm dứt các luật dân sự hình sự hóa vấn đề này.

Một người phụ nữ cầm cây thánh giá lớn cùng đám đông trên đường phố Rome sau khi Vatican thông báo Giáo hoàng Francis qua đời. (Ảnh: Reuters)
Ông cũng thay đổi lập trường của tòa thánh Vatican về án tử hình, gọi nó là không thể chấp nhận được trong mọi trường hợp. Ông cũng tuyên bố việc sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân là "vô đạo đức".
Giáo hoàng Francis cũng ghi dấu ấn với nhiều “lần đầu tiên” khác, như đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc về việc đề cử giám mục, gặp gỡ người đứng đầu Giáo hội Công giáo Nga và thể hiện sự thân thiện với thế giới Hồi giáo bằng chuyến thăm bán đảo Ả-rập và Iraq.
Vai trò của phụ nữ
Giáo hoàng Francis đã bổ sung phụ nữ vào các vai trò ra quyết định quan trọng và cho phép họ phục vụ trong các giáo xứ. Ông cho phép phụ nữ bỏ phiếu cùng các giám mục trong những cuộc họp định kỳ của Vatican.
Sơ Nathalie Becquart, người được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm vào một trong những chức vụ cao nhất của Vatican, cho biết di sản của ông là tầm nhìn về một nhà thờ nơi nam giới và phụ nữ tồn tại trong mối quan hệ tôn trọng.
"Đó là về việc chuyển đổi mô hình lãnh đạo — từ con người sang tạo vật, từ nam giới sang phụ nữ — sang mô hình hợp tác", sơ Becquart cho biết.
Nhà thờ bao dung
Dù Giáo hoàng Francis không cho phép phụ nữ được thụ phong, nhưng cải cách bỏ phiếu là một phần của sự thay đổi mang tính cách mạng để nhà thờ trở thành nơi ẩn náu cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ cho một số ít người được hưởng đặc ân.
Người di cư, người nghèo, tù nhân và những người bị ruồng bỏ được mời đến bàn của Giáo hoàng Francis nhiều hơn.
"Đối với Giáo hoàng Francis, mục đích luôn là mở rộng vòng tay của nhà thờ để đón nhận tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ ai", Đức Hồng y Kevin Farrell, người được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm làm thị thần, người nắm quyền sau khi giáo hoàng qua đời, cho biết.
Giáo hoàng Francis yêu cầu các giám mục thể hiện lòng thương xót và từ thiện với con chiên của họ, thúc đẩy thế giới bảo vệ tạo vật của Chúa khỏi thảm họa khí hậu và kêu gọi các quốc gia chào đón những người chạy trốn chiến tranh, đói nghèo và áp bức.
Sau khi đến thăm Mexico năm 2016, Giáo hoàng Francis nói về ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó rằng bất kỳ ai xây dựng bức tường để ngăn người di cư "đều không phải là người theo đạo Thiên chúa".
Trong khi những người theo chủ nghĩa tiến bộ rất vui mừng với tư tưởng cấp tiến của Giáo hoàng Francis về lòng thương xót và sự hòa nhập, điều này lại khiến những người theo chủ nghĩa bảo thủ lo ngại ông đã làm loãng giáo lý Công giáo và đe dọa bản sắc Kitô giáo của phương Tây.
Một số người thậm chí còn gọi ông là kẻ dị giáo. Một số hồng y đã công khai thách thức ông. Giáo hoàng Francis thường đáp lại những chỉ trích đó bằng sự im lặng.