Giáo dục Yên Bái và hai bước chuyển lớn về 'chất'

Ngành giáo dục Yên Bái đã song song nâng cao chất lượng, tạo bước phát triển mới về 'chất' ở cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn với những dấu mốc ấn tượng trong năm 2023.

Đồng chí Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tặng quà cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải trong ngày khai giảng năm học mới 2023 - 2024.

Đồng chí Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tặng quà cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải trong ngày khai giảng năm học mới 2023 - 2024.

Đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2

Năm qua đánh dấu bước chuyển về "chất" của giáo dục đại trà Yên Bái khi tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2.

Cô giáo Hoàng Thị Thúy Vân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Túc Đán, huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Nhà trường có 30 lớp, với gần 1.000 học sinh ở 2 cấp học tiểu học và THCS. Đến nay, nhà trường đã được đầu tư khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học với đầy đủ phòng học, bảng, bàn ghế, phòng ở, công trình phụ trợ cho học sinh bán trú. Các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn được ưu tiên các trang thiết bị hiện đại như ti vi, máy chiếu”.

Nhờ các chính sách hỗ trợ, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục của nhà trường từng bước được nâng lên. Tỷ lệ huy động và duy trì học sinh ra lớp đạt 100%. Năm học 2021 - 2022, tỉ lệ học sinh khá, giỏi đạt 27,6%, năm học 2022 - 2023 đạt 32,02%, tăng 4,42% so với năm học trước.

Tại huyện Văn Chấn - nơi có 10 xã ở vùng đặc biệt khó khăn, trên cơ sở Chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, cùng với các trường học tạo chuyển biến căn bản về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Lò Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho hay: "Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, học sinh vùng cao đã được hưởng các chính sách bán trú, nội trú và việc đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo nơi ăn, nghỉ và học tập ở điều kiện tốt nhất, cùng với sự quan tâm về đội ngũ giáo viên đã được nâng chuẩn đã giúp chất lượng phổ cập giáo dục từng bước được nâng lên. Hiện toàn huyện đạt 100% trẻ 6 tuổi được huy động vào lớp 1; trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học (GDTH) đạt 96,53%; trẻ 11-14 tuổi hoàn thành chương trình GDTH đạt 98,94%; trẻ khuyết tật, có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 100%.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đối với học sinh vùng cao, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 toàn tỉnh đạt 99,96%.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đối với học sinh vùng cao, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 toàn tỉnh đạt 99,96%.

Được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2, tỉnh Yên Bái đã đáp ứng về tiêu chuẩn, điều kiện bảo đảm PCGD, xóa mù chữ. Đến nay, tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,96%; trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình GDTH đạt 97,3%; trẻ 11-14 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học (GDTH) đạt 99,19%; trong đó số trẻ em 14 tuổi hoàn thành chương trình GDTH đạt 99,92%. Trẻ khuyết tật có khả năng học tập, được tiếp cận giáo dục đạt 99,68%.

9/9 đơn vị cấp huyện và 173/173 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2, đạt tỉ lệ 100%. 1/9 đơn vị cấp huyện (thành phố Yên Bái) đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3, đạt 11,11%; 103/173 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3, đạt 59,54%.

Số thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi 15-18 tốt nghiệp THCS là 51.398/53.615, đạt 95,86%. Số thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi 15-18 đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt 76,36%. Số người đã tốt nghiệp THCS đạt 95,86%; tổng số người từ 11-18 tuổi khuyết tật có khả năng học tập, được tiếp cận giáo dục đạt 98,6%.

Các trường học trên địa bàn tỉnh có đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định để tổ chức các hoạt động giáo dục theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Quy mô mạng lưới trường, lớp học được rà soát, sắp xếp phù hợp. Các trường từ vùng thấp đến vùng cao cơ bản được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, khang trang, sạch đẹp; thiết bị dạy học được bổ sung cơ bản đáp ứng được nhu cầu đổi mới giáo dục.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 322 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó cấp THCS 180 trường. 100% giáo viên THCS đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2005; 82,97% giáo viên THCS đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; 100% đạt yêu cầu chuẩn nghề nghiệp.

Những con số thống kê cho thấy, những nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục đại trà đã đạt bước tiến lớn trong năm 2023 đưa Yên Bái là tỉnh thứ 18 toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ II tính đến thời điểm này.

Chú trọng nâng cao giáo dục mũi nhọn

Cùng với giáo dục đại trà, thành công nổi bật phải kể đến của ngành GD&ĐT Yên Bái năm qua là chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Những ngày cuối năm 2023, chúng tôi đến Trường trung học cơ sở (THCS) Quang Trung, thành phố Yên Bái. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 30 lớp, 1448 học sinh. Trường tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8 và Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 9.

Là một trong những cơ sở giáo dục dẫn đầu cấp THCS của tỉnh, ngoài đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt”, nhà trường đã có nhiều giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. "Nhà trường quan tâm đến đào tạo mũi nhọn. Vì vậy, ngay từ lớp 6, tôi đã lựa chọn những học sinh có năng lực, tương tác tốt, dạy theo phương pháp luyện trí nhớ của từng dạng bài. Để làm được điều đó, tôi đã tích cực nghiên cứu tài liệu thông qua các học liệu, chắt lọc, thống kê, tổng hợp, rút kinh nghiệm để truyền đạt cho học sinh” - thầy Giang Thanh Thủy, giáo viên Toán nhà trường cho biết.

Em Nguyễn Phương Thảo, lớp 9D đạt giải Nhất, Nhì 2 năm liền môn tiếng Anh cấp thành phố, giải Nhất cuộc thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh năm học 2022 - 2023, chia sẻ: "Được sự chỉ bảo nhiệt tình của các thầy, cô cùng với sự cố gắng hết mình của bản thân, cùng với tập trung nghe giảng trên lớp, em đã tự đặt 4 phương pháp học tiếng Anh để bổ sung từ vựng, đồng thời rèn trí nhớ bằng cách xem phim, đọc sách, nghe nhạc bằng tiếng Anh”. Ước mơ của Thảo là học thật tốt để thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.

Nhờ những nỗ lực của giáo viên và học sinh, năm 2022 - 2023, toàn trường đã có 110 giải học sinh giỏi cấp thành phố, tăng 26 giải so với năm học 2021 - 2022; 81 giải cấp tỉnh, tăng 20 giải so với năm học trước. Năm học 2022 - 2023, tỉ lệ học sinh đỗ vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đạt 27,8%, xếp thứ nhất toàn tỉnh. Ngoài ra, các em còn tích cực tham gia các cuộc thi: Hùng biện tiếng Anh, Violympic tiếng Anh, Toán mở rộng của Thái Lan, Hồng Kong, Mỹ, châu Á mở rộng đạt nhiều giải cao...

Cô trò lớp 8G, Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái trong giờ học.

Cô trò lớp 8G, Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái trong giờ học.

Là đơn vị nòng cốt trong đào tạo giáo dục mũi nhọn của tỉnh, Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành đã chủ động đề ra nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ đẩy mạnh công tác quản lý, phát huy năng lực sáng tạo của giáo viên và học sinh trong bồi dưỡng học sinh giỏi, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Nhà trường cũng đẩy mạnh phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, tổ chức cho học sinh tham gia nhiều sân chơi trí tuệ, các cuộc giao lưu với nhiều hình thức phù hợp, tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên phấn đấu, khẳng định năng lực, bản lĩnh, tính sáng tạo.

Đồng thời, nhà trường cũng đã sớm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội học sinh giỏi quốc gia và tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển, thành lập tổ giáo viên cốt cán dạy bồi dưỡng đội tuyển. Kết quả, nhà trường đã chiếm 31/33 giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT 2023. Đặc biệt, trong năm 2023, với tổng điểm 250, em Chu Ngọc Quang Vinh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, đã mang về vòng nguyệt quế cuộc thi tháng 1, quý I, Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 - chiến thắng của Vinh là thành tích được lặp lại sau 23 năm chờ đợi của học trò Yên Bái.

Giáo dục mũi nhọn Yên Bái đã có nhiều bứt phá. Số học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia tăng cao so với năm học trước (33 giải, trong đó có 2 giải Nhất). Đây cũng là lần đầu tiên Yên Bái có số đạt giải chiếm trên 50% số thí sinh tham dự một kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT (33/62), góp phần đưa đội tuyển Yên Bái đứng thứ 5 trong 15 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; đứng thứ 27/63 tỉnh thành trên toàn quốc, tăng 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ.

Cùng với quan tâm điều kiện triển khai đổi mới giáo dục, thực hiện nhiều chính sách nhân văn nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho học sinh ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đến trường, linh hoạt bài toán thiếu giáo viên, chú trọng văn hóa học đường và chuyển đổi số ..., hai kết quả ghi dấu mốc chuyển về "chất" trên đây là tiền đề tạo bứt phá chất lượng cho giáo dục Yên Bái trong năm mới 2024.

Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/306558/giao-duc-yen-bai-va-hai-buoc-chuyen-lon-ve-chat.aspx
Zalo